Cách điều trị thoát vị đĩa đệm và lưu ý khi chăm sóc tại nhà
Cách điều trị thoát vị đĩa đệm và lưu ý khi chăm sóc tại nhà
Cách điều trị thoát vị đĩa đệm
Cách điều trị thoát vị đĩa đệm và lưu ý khi chăm sóc tại nhà - Ảnh: BookingCare

Cách điều trị thoát vị đĩa đệm và lưu ý khi chăm sóc tại nhà

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 27/11/2023 | Cập nhật lần cuối: 27/11/2023
Điều trị thoát vị đĩa đệm như thế nào, có cần phẫu thuật không là băn khoăn của nhiều người bệnh khi được chẩn đoán. Nội dung bài viết dưới đây sẽ chia sẻ cách điều trị thoát vị đĩa đệm và lưu ý khi chăm sóc tại nhà.

Triệu chứng thoát vị đĩa đệm có thể gây ra những cơn đau dai dẳng, khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Qua thăm khám, các bác sĩ sẽ căn cứ vào biểu hiện bệnh và mức độ nghiêm trọng của từng người bệnh mà có những chỉ định điều trị thích hợp. Tuy nhiên, đa số người bệnh có thể điều trị ổn định thông qua các liệu pháp nội khoa.

Phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm

Điều trị nội khoa

  • Nghỉ ngơi hạn chế vận động: Nghỉ ngơi trên giường: Sử dụng gối nhỏ kê ở gáy và gối ở vùng khoeo chân trong 1 - 3 ngày đầu. Tuy nhiên, chỉ nên thực hiện ở giai đoạn cấp và không nên kéo dài để tránh tình trạng tăng cân và teo cơ do giảm vận động. Đây là biện pháp an toàn và hiệu quả đối với hầu hết các trường hợp thoát vị đĩa đệm mức độ nhẹ.
  • Vận động trị liệu (Chiropractic): Đây là một biện pháp sử dụng các biện pháp vận động phù hợp giúp thư giãn gân cơ nếu được thực hiện đúng kỹ thuật và dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia. Việc thực hiện không đúng kỹ thuật hoặc quá mức có thể gây tổn thương nặng thêm nên bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị cho mình để có thêm thông tin.
  • Liệu pháp y học cổ truyền: Bao gồm châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, cao dán. Đây đều là các biện pháp điều trị ít hoặc không xâm lấn, an toàn và có nguồn gốc thiên nhiên, nhất là các trường hợp thoát vị đĩa đệm mức độ nhẹ và trung bình và chưa cần can thiệp phẫu thuật.
  • Sử dụng thuốc: Các loại thuốc được sử dụng trong các trường hợp này là các thuốc giảm đau, giảm viêm không steroid (NSAID), corticoid, thuốc giãn cơ, thuốc giảm đau hướng thần kinh, thuốc chống trầm cảm,… Việc sử dụng thuốc cần có sự tư vấn và chỉ định của bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích và tác dụng không mong muốn. 

Phẫu thuật

Trong trường hợp người bệnh có các triệu chứng tổn thương thần kinh như bị chèn ép thần kinh dẫn đến tê bì, giảm cảm giác ở chân, yếu cơ và mất kiểm soát về việc đi tiểu hoặc đi ngoài hoặc đau không giảm sau nhiều tuần điều trị bảo tồn, có thể cần thiết phải thực hiện phẫu thuật.

Tuy nhiên, chỉ một số ít người bệnh thoát vị đĩa đệm (10 - 20%) cần phẫu thuật nhưng cần được thăm khám và tư vấn bởi các bác sĩ uy tín, nhiều kinh nghiệm với những chỉ định hết sức chặt chẽ.

Một số phương pháp phẫu thuật thoát vị đĩa đệm bao gồm:

  • Can thiệp qua da: Là biện pháp giảm đau mới được thực hiện gần đây nhờ tác dụng giảm đau của sóng cao tần. Phương pháp này được gọi là phẫu thuật tạo hình nhân nhầy bằng sóng cao tần.
  • Phẫu thuật lấy thoát vị đĩa đệm ít xâm lấn: Là biện pháp can thiệp qua các đường mổ nhỏ để lấy bỏ đi nguyên nhân gây chèn ép thần kinh (thường là các nhân thoát vị đĩa đệm): phẫu thuật lấy thoát vị, giải ép qua ống nong, phẫu thuật vi phẫu lấy thoát vị. Đây là phương pháp an toàn, hiệu quả trong điều trị thoát vị đĩa đệm đơn thuần, tuy nhiên nguy cơ tái phát và mổ lại cao do đĩa đệm tiếp tục thoái hóa và tiến triển nặng lên.
  • Phẫu thuật nội soi cột sống lấy thoát vị: Là phẫu thuật sử dụng các dụng cụ nội soi để lấy bỏ đi nhân thoát vị. Đây cũng là một phương pháp điều trị an toàn tuy nhiên có nguy cơ tái phát và mổ lại cao, tương tự phẫu thuật lấy thoát vị đĩa đệm ít xâm lấn.
  • Phẫu thuật lấy thoát vị giải ép, cố định cột sống, hàn xương liên thân đốt: Đây là biện pháp triệt để để điều trị thoát vị đĩa đệm, tuy nhiên, đây là phẫu thuật chi phí cao, có nhiều tai biến và rủi ro, nên được thực hiện ở các trung tâm lớn.
  • Phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo: Hiện mới được thực hiện hạn chế ở Việt Nam do chi phí còn cao và hiệu quả vẫn đang cần được theo dõi và đánh giá thêm.

Trong các trường hợp phẫu thuật ở bệnh nhân trẻ, các bác sĩ chỉ cần loại bỏ phần thoát vị của đĩa đệm. Trong trường hợp điều trị triệt để hoặc trên bệnh nhân bị thoái hóa cột sống thắt lưng, toàn bộ đĩa đệm sẽ được loại bỏ.

Lưu ý khi sống chung với bệnh thoát vị đĩa đệm

  • Chườm lạnh hay chườm nóng: Lúc đầu, người bệnh có thể chườm lạnh để giảm đau và sưng. Sau một vài ngày, bạn có thể chuyển sang chườm nóng nhẹ để giảm đau, tăng sự dễ chịu và cải thiện tuần hoàn tại chỗ giúp bệnh chóng hồi phục.
  • Tránh nghỉ ngơi trên giường quá nhiều: Nằm nhiều có thể dẫn đến tăng cân không kiểm soát và yếu cơ, ảnh hưởng không tốt đến quá trình phục hồi. Thay vào đó, hãy nghỉ ngơi ở tư thế thoải mái trong 30 phút, sau đó đi bộ một đoạn ngắn hoặc làm một số công việc khác. Cố gắng tránh các hoạt động khiến cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Đảm bảo thực hiện các chuyển động chậm và có kiểm soát, đặc biệt là cúi người về phía trước và nâng người lên.
  • Thực hiện chế độ tập luyện nhẹ nhàng: Các bài tập nhẹ nhàng, duỗi cơ có thể giúp giảm đau đồng thời tăng cường và cải thiện tính linh hoạt của cột sống, cổ và lưng. Các hoạt động nhẹ có thể giúp giảm đau đĩa đệm bao gồm: yoga, bơi lội, đi bộ, đạp xe,...

Tổng quan chung, trong hầu hết các trường hợp, thoát vị đĩa đệm có thể được điều trị hiệu quả bằng các phương pháp không phẫu thuật. Điều quan trọng là người bệnh cần tuân thủ điều trị, phối hợp với bác sĩ để thực hiện điều trị. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare