Chỉ số đường huyết có thể tăng đột ngột sau ăn, sau khi uống rượu bia, hoặc khi người bệnh cảm thấy lo âu, stress,...Người bệnh có thể thực hiện một số cách sau để làm giảm đường huyết nhanh chóng. Cùng tìm hiểu những phương pháp giúp hạ đường huyết tại nhà cho người bệnh tiểu đường trong bài viết dưới đây.
Tập thể dục thường xuyên có thể giúp người bệnh đạt được và duy trì mức cân nặng vừa phải, đồng thời làm tăng độ nhạy của insulin, giúp các tế bào trong cơ thể dùng hiệu quả hơn lượng đường có sẵn trong máu. Tập thể dục cũng giúp cơ bắp toàn thân được hoạt động, sử dụng lượng đường trong máu để tạo năng lượng và co giãn cơ bắp.
Sau bữa ăn 1 giờ là khoảng thời gian chỉ số đường huyết tăng cao nên đây chính là thời điểm người bệnh nên đi bộ hoặc tập các bài tập thể dục nhẹ nhàng để giúp cơ thể chuyển hóa đường tốt hơn. Nhờ đó mà hạn chế được tình trạng tăng đường huyết đột ngột.
Nếu người bệnh đang gặp vấn đề trong việc quản lý lượng đường huyết, nên lưu ý việc kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên trước và sau khi tập thể dục. Một vài hình thức tập thể dục hữu ích dành cho người tiểu đường có thể kể đến như: đi bộ nhanh, đạp xe, chạy bộ, tập yoga, thái cực quyền, dưỡng sinh,... Tìm hiểu thêm tại bài viết Các bài tập thể dục dành cho người bệnh tiểu đường.
Cơ thể chuyển đổi lượng Carb có trong thức ăn thành glucose và đưa glucose vào trong máu. Khi người bệnh tiểu đường nạp quá nhiều carbs, lượng đường trong máu tăng lên quá cao, insulin lại không hoạt động hiệu quả khiến cho quá trình hấp thụ đường vào tế bào không thành công.
Như vậy, giảm lượng Carb là yếu tố quan trọng có thể hỗ trợ điều chỉnh lượng đường trong máu. Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ khuyến nghị những người mắc bệnh tiểu đường quản lý lượng Carb bằng cách xác định lượng carb mà cơ thể cần và đếm lượng carb trong mỗi khẩu phần ăn.
Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ăn theo chế độ ít Carbohydrate cũng giúp giảm lượng đường trong máu và ngăn ngừa lượng đường huyết tăng đột ngột. Một trong những chế độ ăn ít Carb phổ biến được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị đó là Atkins Diet.
Nước khi vào cơ thể sẽ thông qua thành ruột để hấp thụ vào máu, nhờ đó giúp cho nồng độ đường trong máu giảm xuống, chỉ số đường huyết giảm.
Bên cạnh đó, ngoài việc ngăn ngừa mất nước, uống đủ nước giúp thận đào thải lượng đường dư thừa qua nước tiểu. Nên lựa chọn nước lọc và các loại đồ uống không calo như trà xanh, nước chanh tươi, nước bưởi,... thay vì các loại đồ uống có đường hoặc các chất tạo ngọt.
Stress có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Khi bị căng thẳng, cơ thể sẽ tiết ra hormone gọi là glucagon và cortisol - là các nguyên nhân khiến lượng đường trong máu tăng lên.
Trạng thái tinh thần không ổn định cũng khiến người bệnh tiểu đường gặp khó khăn trong quá trình điều trị. Đặc biệt là những vấn đề liên quan đến việc ăn uống, người bệnh dễ bị bỏ ăn, chán ăn hoặc mắc các vấn đề về tâm lý khác như: trầm cảm, mất ngủ, khó điều khiển cảm xúc,... Những vấn đề này ảnh hưởng trực tiếp đến lượng đường trong máu, dễ khiến người bệnh bị tăng đường huyết và khó kiểm soát.
Chính vì vậy, thay vì lo lắng, bạn hãy xây dựng cho mình một thái độ sống lạc quan, tích cực, sẵn sàng đối mặt và sống chung khỏe mạnh với bệnh tiểu đường.
Thiếu ngủ, mất ngủ làm tăng nồng độ hormone cortisol - một loại hormone gây tăng đường huyết. Theo các nghiên cứu, thói quen ngủ không đủ giấc ảnh hưởng đến lượng đường trong máu và làm giảm độ nhạy của insulin, làm tăng nguy cơ phát triển các biến chứng của bệnh tiểu đường tuýp 2.
Người bệnh tiểu đường nên tạo thói quen đi ngủ sớm, ngủ đúng giờ và ngủ đủ giấc để cơ thể được tái tạo năng lượng, có tinh thần sảng khoái tích cực. Đây là điều quan trọng giúp bệnh nhân tiểu đường điều trị bệnh hiệu quả hơn.
Theo dõi lượng đường huyết thường xuyên là yếu tố quan trọng giúp người bệnh tiểu đường quản lý tốt tình trạng bệnh của mình. Bên cạnh việc đi khám định kỳ, người bệnh có thể áp dụng những biện pháp nêu trên nhằm kiểm soát, hỗ trợ giảm đường huyết ngay tại nhà.