Trẻ có thể bị cơn hen phế quản cấp khi tiếp xúc với các tác nhân kích ứng gây ra bệnh hen phế quản ở trẻ. Tuy nhiên, cũng có những lúc không xác định rõ ràng được tác nhân.
Triệu chứng của cơn hen cấp ở trẻ
Trẻ có thể xuất hiện một số triệu chứng dưới đây khi mắc phải cơn hen cấp:
- Khó thở: Trẻ có thể có cảm giác khó thở hơn khi thở ra hoặc khi hít vào. Khó thở tăng lên có thể làm trẻ vã mồ hôi, môi tím tái, nói câu ngắn hoặc từng từ…
- Khò khè: Khò khè là dấu hiệu của co thắt và hẹp đường dẫn khí. Phụ huynh có thể nghe thấy tiếng khò khè của con khi thở ra hoặc ngay cả khi hít vào. Nếu trẻ xuất hiện khò khè cả hai thì chứng tỏ trẻ đang ở tình trạng nặng.
- Ho: Ho khan là chủ yếu, thường ho vào lúc nửa đêm về sáng hoặc tiếp xúc với dị nguyên, hoặc khi trẻ gắng sức. Trẻ có thể ho có đờm, đờm trắng hoặc trong suốt và khó thở khi ho.
- Cảm giác tức ngực: Trẻ có cảm giác tức ngực, đau, mệt vùng ngực do sự co thắt phế quản.
Nếu trẻ đã bị hen suyễn một thời gian, phụ huynh có thể dễ dàng nhận ra khi cơn cấp xuất hiện. Nhưng với trường hợp xảy ra cơn cấp lần đầu tiên, phụ huynh cần theo dõi con thường xuyên để phát hiện triệu chứng cơn hen.
Cách xử trí cơn hen cấp cho trẻ tại nhà
- Giúp trẻ ngồi dậy - đừng để trẻ nằm xuống. Hãy cố gắng giữ trẻ bình tĩnh.
- Xịt (có hoặc không qua buồng đệm) hoặc phun khí dung ventolin, liều lượng tùy thuộc vào độ tuổi và cân nặng của trẻ.
- Trẻ cần được cha mẹ, người trực tiếp chăm sóc trẻ theo dõi. Nếu chưa thấy tốt hơn có thể lặp lại sau 20 phút, nhưng chỉ tối đa 3 lần.
- Nếu trẻ cải thiện nhiều, hết khó thở, hết khò khè tiếp tục duy trì xịt hay phun khí dung Ventolin mỗi 4 - 6 giờ và điều chỉnh theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Cho trẻ đi tái khám trong vòng 24 - 48 giờ sau cơn cấp.
- Nếu trẻ không đáp ứng hoặc đáp ứng kém, trẻ cần được đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.
Thông thường, khi thăm khám cho trẻ bác sĩ sẽ hướng dẫn xử trí cơn hen cấp tại nhà. Hơn nữa, cơn hen cấp của trẻ có thể xảy ra bất cứ khi nào, vì vậy phụ huynh cần ghi chép lại và luôn phải chuẩn bị trước một kế hoạch hành động cho bệnh hen phế quản ở trẻ, cũng như đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc hít hoặc khí dung và hỏi lại bác sĩ tư vấn nếu cần.
Bên cạnh đó, việc khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa sau cơn cấp cũng rất cần thiết để bác sĩ có thể chẩn đoán tình trạng và mức độ của trẻ, đồng thời đưa ra những khuyến cáo phù hợp cho phụ huynh về xử trí, chăm sóc cho trẻ tại nhà.