Cẩm nang cách trị tiểu đường tại nhà hiệu quả mà không phụ thuộc vào thuốc
Cẩm nang trị tiểu đường hiệu quả tại nhà
Cẩm nang trị tiểu đường hiệu quả tại nhà - BookingCare

Cẩm nang cách trị tiểu đường tại nhà hiệu quả mà không phụ thuộc vào thuốc

Tác giả: - Xuất bản: 31/07/2023 - Cập nhật lần cuối: 03/10/2023
Bài viết này BookingCare sẽ đề cập đến các biện pháp ăn uống, rèn luyện lành mạnh cũng như những bài thuốc dân gian giúp hỗ điều trị tiểu đường hiệu quả tại nhà.

Theo thống kê từ Bộ Y tế, có tới gần 5 triệu người Việt Nam đang mắc phải căn bệnh đái tháo đường. Nguy cơ mắc tiểu đường ngày một gia tăng, độ tuổi cũng ngày một trẻ hóa nhưng đừng lo lắng, bởi bệnh lý này không khó để kiểm soát. Thậm chí, nếu được phát hiện sớm, người bệnh có thể được chữa trị bằng các cách trị tiểu đường tại nhà mà không cần sử dụng đến thuốc . 

Khi nào điều trị tiểu đường tại nhà không cần dùng thuốc

Việc có cần dùng thuốc để điều trị đái tháo đường hay không đều cần phải tuân theo chỉ định của các bác sĩ chuyên môn. 

Với đái tháo đường tuýp 1, do tuyến tụy đã không còn khả năng sản sinh ra insulin nên bắt buộc phải sử dụng thuốc tiêm để bổ sung. Nhưng với đái tháo đường tuýp 2, bệnh lý mà căn nguyên chủ yếu do chế độ sinh hoạt, ăn uống không lành mạnh thì các phương pháp điều chỉnh lối sống tại nhà chính là chìa khóa giúp thúc đẩy quá trình điều trị nhanh chóng và hiệu quả.

Tuy nhiên, không phải giai đoạn nào của tiểu đường tuýp 2 cũng có thể điều trị mà không cần dùng đến thuốc. Khi tình trạng đường trong máu không được kiểm soát tốt, liên tục tăng cao hoặc xảy ra các biến chứng thì người bệnh cần phải được điều trị và dùng thuốc theo đúng chỉ định từ bác sĩ nội tiết. 

Trong trường hợp phát hiện sớm khi bệnh mới đang ở giai đoạn tiền đái tháo đường hoặc đã điều trị và đưa được đường huyết trở lại bình thường một thời gian thì việc điều trị tại nhà, không sử dụng thuốc là hoàn toàn có thể. Việc phát hiện sớm bệnh lý là điều hết sức quan trọng, do đó, những người có yếu tố nguy cơ nên thực hiện kiểm tra đường huyết thường xuyên, giúp phát hiện bệnh và điều trị sớm mà an toàn, tiết kiệm.

Các cách trị tiểu đường tại nhà hiệu quả

Thay đổi chế độ ăn uống

Chế độ ăn uống ảnh hưởng trực tiếp đến lượng đường trong máu. Để kiểm soát đường tốt, không vượt quá ngưỡng cho phép sau khi ăn, người bệnh nên lưu ý những điều sau đây trong chế độ ăn của mình:

  • Hạn chế nạp các chất giàu tinh bột: Tinh bột đi vào cơ thể sẽ được các enzym phân giải thành các phân tử đường glucose. Ở người bệnh tiểu đường, insulin hoạt động không hiệu quả, không thể chuyển hóa hết đường trong máu. Do vậy, người bệnh tiểu đường cần hạn chế nạp các thực phẩm giàu tinh bột (cơm trắng, bún, phở, bánh tẻ, bánh cuốn, bánh canh, bánh mì, bánh ngọt,...)
  • Sử dụng tinh bột chuyển hóa chậm: Ở những loại thực phẩm này, quá trình phân giải tinh bột diễn ra chậm hơn nên đường huyết cũng tăng chậm hơn.  Vì vậy, nếu bạn đang mắc tiểu đường, hãy dần thay thế cơm trắng bằng cơm gạo lứt hoặc các loại củ quả: khoai tây, khoai lang, bí đỏ,... Hay nếu bạn có thói quen ăn bánh mì vào bữa sáng thì hãy ưu tiên lựa chọn bánh mì nguyên cám để đảm bảo đường huyết sau ăn không tăng quá cao, vượt mức an toàn.
  • Tăng cường rau củ quả giàu chất xơ: Chất xơ chứa trong các loại rau củ quả cũng góp phần làm chậm lại quá trình hấp thu glucose trong cơ thể. Các chuyên gia cũng khuyến cáo rằng, trong bữa ăn bạn nên ăn các loại rau củ trước sau đó mới đến thực phẩm giàu protein và cuối cùng mới là tinh bột. Như vậy lượng chất xơ nạp vào cơ thể cũng là lớn nhất và góp phần tạo cảm giác no bụng, bạn ăn tinh bột sau cùng sẽ hạn chế được lượng tinh bột nạp vào cơ thể
  • Một số thực phẩm người bệnh tiểu đường nên tránh: Nước ngọt đóng chai chứa nhiều calo và cung cấp ít dinh dưỡng. Hơn nữa, chúng khiến lượng đường trong máu tăng nhanh, tốt nhất nên tránh những loại đồ uống này nếu bạn bị tiểu đường. Ngoài ra một số thực phẩm chứa nhiều cholesterol (sữa béo, thịt nội tạng. lòng đỏ trứng,... ) và thực phẩm chứa nhiều muối sẽ làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng về tim mạch và huyết áp ở người mắc bệnh tiểu đường.
Một số loại thực phẩm chứa tinh bột hấp thụ chậm mà người bệnh tiểu đường nên sử dụng
Một số loại thực phẩm chứa tinh bột hấp thụ chậm mà người bệnh tiểu đường nên sử dụng - Ảnh: EatingWell

Tập luyện thường xuyên

Hoạt động thể chất là một phần quan trọng khác trong việc điều trị bệnh tiểu đường tại nhà. Với người bình thường, tập thể dục giúp kiểm soát cân nặng, giảm huyết áp, giảm cholesterol LDL có hại, tăng cholesterol HDL lành mạnh, … Đối với người bệnh tiểu đường, việc tập thể dục còn mang lại nhiều lợi ích hơn như: làm giảm lượng đường trong máu và tăng độ nhạy cảm của cơ thể với insulin, cải thiện tình trạng kháng insulin…

Tuy nhiên, vẫn có một số lưu ý khi tập thể dục tại nhà mà người bệnh tiểu đường nên lưu ý:

  • Kiểm tra đường huyết của bạn trước khi tập thể dục: 
  • Nếu chỉ số đường huyết của bạn đang ở mức cao (trên 250 mg/dL) thì bạn không nên tập luyện ngay tại thời điểm đó. Việc tập thể dục tại thời điểm đường huyết đang tăng cao sẽ khiến gan tiết ra glucose để cung cấp năng lượng cho cơ thể và vô tình khiến đường huyết đã cao lại càng tăng thêm, gây nguy hiểm cho sức khỏe.
  • Ngược lại, nếu chỉ số đường huyết đang ở mức thấp (dưới 100 mg /dL) thì bạn nên bổ sung một bữa ăn nhẹ trước khi tập để tránh bị hạ đường huyết sau khi vận động
  • Lựa chọn loại nước uống thể thao phù hợp: Trong các loại thức uống thể thao thường bổ sung đường hoặc cafein làm tăng nồng độ đường trong máu. Vì vậy, nếu bạn đang mắc tiểu đường, hãy lựa chọn loại nước uống thể thao không đường hoặc chứa các chất tạo ngọt thay thế. Hoặc nếu bạn không luyện tập với cường độ quá cao, thì chỉ cần nước uống bình thường là đủ để bù nước sau thời gian tập luyện.

Theo dõi đường huyết

Việc theo dõi đường huyết thường xuyên là biện pháp đơn giản nhưng mang lại hiệu quả rõ rệt trong quá trình điều trị bệnh tiểu đường. Từ việc theo dõi biến động của chỉ số đường huyết, chúng ta có thể biết được đâu là nguyên nhân khiến đường huyết tăng cao, từ đó tìm ra biện pháp khắc phục hiệu quả.

Những thời điểm cố định trong ngày mà người bệnh tiểu đường nên kiểm tra đường huyết bao gồm: khi vừa mới ngủ dậy, trước mỗi bữa ăn, 1-2 tiếng sau khi ăn. Ngoài ra, trước khi tập thể dục bạn nên kiểm tra đường huyết để có phương án bổ sung bữa ăn nhẹ sao cho phù hợp.

Kiểm soát cân nặng

Theo NIDDK, thừa cân là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng kháng insulin, một hiện tượng thường gặp ở bệnh nhân mắc đái tháo đường tuýp 2. Nếu như cân nặng của bạn đang vượt quá chỉ số BMI cho phép, hãy cố gắng giảm bớt từ 5-10% khối lượng cơ thể. Điều này sẽ giúp  cải thiện độ nhạy của insulin và tăng khả năng chuyển hóa glucose.

Tuy việc duy trì cân nặng ở mức cho phép là quan trọng trong việc điều trị đái tháo đường, những bạn không nên áp dụng các phương pháp giảm cân cực đoan như nhịn ăn hay sử dụng các loại thuốc được quảng cáo giảm cân cấp tốc bởi chúng có thể khiến đường huyết của bạn tăng cao không kiểm soát. Chỉ cần áp dụng chế độ ăn lành mạnh, kết hợp tập luyện, đảm bảo lượng calo out lớn hơn lượng calo in là đã có thể kiểm soát được cân nặng ở ngưỡng phù hợp.

Sử dụng các bài thuốc dân gian trị tiểu đường

Thay vì việc sử dụng các loại thuốc tây trị tiểu đường gây ra nhiều những tác dụng phụ không mong muốn thì việc sử dụng các loại thảo dược dân gian để kiểm soát đường huyết sẽ an toàn và tiết kiệm hơn. Một số loại thuốc thảo dược có tác dụng điều hòa đường huyết mà người bệnh tiểu đường nên tham khảo như:

  • Khổ qua 

Trong thành phần của khổ qua, hay còn gọi là mướp đắng có chứa các hoạt chất hỗ trợ cho quá trình chuyển hóa đường glucose trong cơ thể. Cụ thể, Charantin, Vicine và các Polypeptide-p có tác dụng giống như insulin, giúp cho quá trình vận chuyển và chuyển hóa glucose trong cơ thể diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn.

  • Dây thìa canh 

Dây thìa canh là loại dây leo, cao 6-10m, lá hình bầu dục, có hoa nhỏ , màu vàng, chủ yếu tập trung ở các tỉnh miền Bắc Việt Nam. Không những có tác dụng làm giảm đường huyết mà loài cây này còn có khả năng làm giảm nồng độ LDL-cholesterol, triglycerid trong máu. 

Dây thìa canh
Dây thìa canh - Ảnh: DK betics
  • Lá xoài

Lá xoài là vị thuốc có vị chua ngọt, có tính mát. Đã có nhiều nghiên cứu y khoa khẳng định lá xoài có hiệu quả hạ đường huyết, đặc biệt, còn làm chậm hấp thụ glucose ở ruột, tăng tổng hợp glycogen tại gan, từ đó, giúp ổn định đường huyết sau ăn và đường huyết khi đói ở người bệnh tiểu đường.

  • Nấm lim xanh

Nấm lim xanh vốn được biết đến là bài thuốc quý cho sức khỏe, với hàm lượng lớn Hetero-beta-glucans, proteoglycan, polysaccharides giúp kích thích sản sinh insulin, tăng cường chuyển hóa glucose trong cơ thể. 

Hình dạng nấm lim xanh
Hình dạng nấm lim xanh - Ảnh: thuocdantoc

Cần lưu ý rằng, những bài thuốc dân gian này tuy có hiệu quả trong việc giảm lượng đường huyết trong máu nhưng cũng không nên quá lạm dụng mà cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ trước khi dùng. 

Việc điều trị tiểu đường tại nhà là không khó nếu như bạn phối hợp nhịp nhàng các biện pháp trên, đồng thời, thường xuyên đi thăm khám, hỏi ý kiến các bác sĩ chuyên môn nội tiết về tình trạng của mình để linh hoạt trong việc sử dụng các phương pháp điều trị, mang lại hiệu quả chữa bệnh tối ưu nhất.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết