Căng cơ cổ vai gáy: Nguyên nhân và cách giảm căng cơ tại nhà
Căng cơ cổ vai gáy: Nguyên nhân và cách giảm căng cơ tại nhà
Đau, cứng cơ do căng cơ cổ vai gáy
Căng cơ cổ vai gáy là tình trạng thường gặp - Ảnh: BookingCare

Căng cơ cổ vai gáy: Nguyên nhân và cách giảm căng cơ tại nhà

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 05/01/2024 | Cập nhật lần cuối: 05/01/2024
Căng cơ cổ là tình trạng cổ vai gáy đau, căng cứng, khó cử động vùng cổ. Tìm hiểu nguyên nhân căng cơ cổ để phòng tránh cũng như thực hiện ngay một số cách giảm căng cơ cổ tại nhà.

Căng cơ có thể xảy ra ở bất kỳ cơ nào, trong đó có căng cơ cổ vai gáy. Căng cơ cổ xảy ra khi một hoặc nhiều sợi ở cơ hoặc gân cổ bị căng quá mức và bị rách. Mặc dù tình trạng căng cơ cổ thường tự lành trong vòng vài ngày hoặc vài tuần nhưng cơn đau có thể ở mức độ từ nhẹ đến đau nhức đến dữ dội, gây khó khăn cho các hoạt động sinh hoạt, làm việc hàng ngày.

Nguyên nhân gây căng cơ cổ

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng căng cơ cổ vai gáy. 

Tư thế xấu hoặc giữ một tư thế sai

Các cơ, gân và các mô mềm khác của cổ có thể bị căng quá mức khi cúi đầu về phía trước hoặc nghiêng một góc quá lâu. Một số ví dụ như cúi người trước máy tính trong vài giờ, ngủ gối đầu cao, dựa đầu vào ghế, ngủ gục mặt xuống bàn, nằm nghiêng co quắp,… không hỗ trợ tốt cho cột sống cổ.

Một vấn đề ngày càng phổ biến là thói quen cúi đầu sử dụng điện thoại, máy tính lâu ngày có thể dẫn khiến cơ cổ căng cứng. Nguyên nhân là do khi cúi đầu lâu dài, các nhóm cơ tại đây phải co rút lại để chịu đựng trọng lượng gấp đôi hoặc nhiều hơn so với bình thường.

Nâng vật nặng quá sức

Cổ có thể bị gắng sức và căng thẳng khi nâng vật nặng quá mức, tạo áp lực lên lưng, vai cổ, làm cột sống bị trẹo sang một bên, gây nên tình trạng căng cổ vai gáy.

Tai nạn

Một tác động bất ngờ như tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, chấn thương thể thao,... có thể khiến đầu và cột sống cổ di chuyển quá nhanh khiến các cơ bị chấn thương, dẫn đến chấn thương cổ hoặc các loại chấn thương khác. 

Thực hiện hoạt động/động tác chưa từng làm

Việc thực hiện bất kỳ hoạt động mới nào hay động tác tập luyện chưa từng làm sẽ khiến cơ dễ bị căng hơn, kể cả ở cổ. Dễ thấy ở các vận động viên cũng dễ bị căng cơ hơn vào đầu mùa tập luyện.

Bệnh lý cơ xương khớp

Căng cơ cổ vai gáy có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý Cơ xương khớp như thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, co thắt cơ cột sống cổ, gai cột sống,…

Cách giảm căng cơ cổ vai gáy tại nhà

Căng cơ cổ có thể gây đau ngay sau khi xảy ra chấn thương/tác động. Đôi khi các triệu chứng bắt đầu dần dần tăng đến mức khó xác định được chấn thương xảy ra khi nào và như thế nào. Thông thường, cơn đau và tình trạng cứng cổ do căng cơ trầm trọng hơn trong một hoặc hai ngày đầu tiên sau chấn thương.

Đối với hầu hết các đợt căng cơ cổ, việc tự chăm sóc có thể giúp tình trạng giảm bớt: 

  • Nghỉ ngơi và tránh bất kỳ hoạt động này gây căng thẳng thêm ở cổ
  • Chườm nóng hoặc chườm lạnh: Chườm lạnh có thể giúp giảm viêm nhiễm và sưng phù bằng cách làm giảm lưu lượng máu đến vùng bị thương. Ngược lại, nhiệt có tác dụng ngược lại, kích thích lưu thông máu, thư giãn cơ co thắt. Bạn có thể dùng đá lạnh để làm tê cơn đau cấp tính ban đầu và giảm viêm. Sau đó 1 - 2, khi cơn đau cấp tính đã dịu bớt có thể thực hiện chườm nóng. 
  • Thực hiện một số bài tập nhẹ nhàng giúp giãn cơ và tăng cường sức mạnh.
  • Giữ tinh thần thoải mái, khi căng thẳng giận dữ, cơ thể có thể phản ứng lại gây hiện tượng co cứng cơ, đau đớn một số vùng trên cơ thể.
  • Có thể sử dụng một số loại thuốc giảm đau không cần kê đơn. 

Khi nào cần thăm khám với bác sĩ?

Đa số mọi người khi có triệu chứng đau cổ và cứng cổ vai gáy thường áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà. Tình trạng có thể giảm sau vài ngày. Tuy nhiên, trong các trường hợp dưới đây nên sắp xếp đi khám với bác sĩ chuyên khoa Cơ xương khớp:

  • Cơn đau kéo dài dai dẳng, không biến mất theo thời gian 
  • Cơn đau dữ dội không thuyên giảm khi dùng thuốc giảm đau không kê đơn
  • Đau cổ vai gáy kèm theo cơn đau lan xuống cánh tay và chân
  • Kèm theo đau đầu và tê, ngứa ran hoặc yếu tay chân

Căng cơ cổ vai gáy là tình trạng thường gặp. Từ những nguyên nhân chia sẻ trên, bạn đọc có thể phần nào phòng ngừa: tránh những tư thế xấu, giữ tư thế đúng khi nâng vật nặng,... Bên cạnh đó cần lưu ý đến chế độ dinh dưỡng, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao,... để giữ cơ thể khỏe mạnh. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết