- Xuất bản: 25/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 25/12/2023
Thoái hóa cột sống cổ: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị - Ảnh: BookingCare
Thoái hóa cột sống cổ là bệnh khó tránh khỏi, không chỉ ở người cao tuổi mà còn ở cả người trẻ. Thoái hóa cột sống cổ gây nhiều khó khăn, bất tiện trong trong sinh hoạt và lao động hàng ngày.
Quá trình lão hóa do tuổi tác hoặc làm việc, sinh hoạt sai tư thế, đặc thù công việc mang vác nặng, thói quen lười vận động,… là nguyên nhân gây nên thoái hóa cột sống cổ. Bệnh nhân nên sớm đi khám thoái hóa cột sống với các bác sĩ chuyên khoa để điều trị giảm triệu chứng và ngăn ngừa thoái hóa tiến triển nhanh hơn.
Thoái hóa cột sống cổ là gì?
Mỗi người có 7 đốt sống cổ đánh số từ C1 - C7, ở giữa các thân đốt sống có các đĩa đệm giữ vai trò hấp thụ lực sang chấn khi vận động và các đốt sống cổ được giữ chặt với nhau bằng hệ thống dây chằng phức tạp.
Thoái hóa cột sống cổ là tình trạng viêm dày và lắng tụ canxi ở các dây chằng của cột sống cổ (nhất là dây chằng dọc sau và dây chằng vàng), làm hẹp đường ra ra của rễ thần kinh, biểu hiện trên lâm sàng bằng các triệu chứng chèn ép rễ thần kinh.
Nguyên nhân thoái hóa cột sống cổ
Thoái hóa cột sống cổ thường gặp ở người trưởng thành, người trung niên vì nhiều lý do:
Thói quen sinh hoạt hàng ngày: Ngồi gù lưng, kê gối cao khi ngủ, mang vác đồ nặng trên đầu, không thường xuyên thay đổi tư thế ở người có công việc ngồi lâu, ít vận động, làm việc thường xuyên với máy tính,...
Chế độ ăn uống không khoa học, thiếu một số chất dinh dưỡng (canxi, vitamin,...), thường xuyên sử dụng các chất kích thích như bia rượu, thuốc lá,...
Viêm khớp mạn tính kéo dài gây ra tình trạng thoái hóa cột sống
Thoái hóa đĩa đệm khiến đĩa đệm mất nước: Người ở tuổi trung niên sẽ bắt đầu có dấu hiệu khô và co đĩa đệm cột sống, làm giảm hoặc mất chức năng đệm và khiến thân các đốt sống va chạm với nhau nhiều hơn.
Các chấn thương hoặc sang chấn khiến tạo các khối thoát vị đĩa đệm, có thể gây chèn ép lên rễ thần kinh và tủy sống.
Ai dễ bị thoái hóa cột sống cổ?
Người trung niên, cao tuổi là đối tượng có nguy cơ cao mắc thoái hóa cột sống cổ vì thoái hóa là quá trình tự nhiên của cơ thể người, nhất là người ở tuổi 40 - 50.
Người có công việc ít vận động, ngồi một chỗ trong thời gian dài, không thay đổi tư thế, làm việc với máy tính quá lâu.
Người có công việc nặng nhọc, mang vác trên đầu, vai, thường hay cúi đầu hoặc cử động vùng cổ quá nhiều.
Người có người thân trong gia đình bị thoái hóa cột sống có nguy cơ cao hơn những người khác.
Thường hay sử dụng chất kích thích, nhất là hút thuốc lá.
Triệu chứng thoái hóa cột sống cổ
Thoái hóa cột sống cổ không gây ra những triệu chứng đặc biệt ở giai đoạn đầu nên bệnh nhân thường không phát hiện ra.
Sau một thời gian, bệnh tiến triển nặng khiến bệnh nhân đau đớn, khó khăn trong vận động:
Đau cột sống cổ, co cứng vùng cơ cạnh cột sống cổ cấp hoặc mạn tính, đau hơn khi duy trì kéo dài một tư thế cổ, khi mệt mỏi căng thẳng, khi thay đổi thời tiết hoặc nhiễm lạnh.
Hạn chế vận động, khó khăn khi thực hiện các động tác vận động cột sống cổ như cúi, ngửa, xoay,...
Đau từ cổ lan vai, một tay rồi cả hai tay, có thể lan ra chẩm - gáy. Đau tăng khi nghiêng cổ, ho và gắng sức, ngồi lâu.
Một số trường hợp nặng có thể thấy các triệu chứng rối loạn cảm giác như kiến bò, tê rân đầu các ngón tay,...), rối loạn phản xạ (tăng phản xạ hoặc giảm, mất phản xạ khuỷu, phản xạ cổ tay,...), rối loạn vận động các mức độ (yếu tay, teo cơ)
Các trường hợp thoái hóa cột sống cổ gây ra hội chứng động mạch liên đốt sống: nhức đầu vùng chẩm, thái dương và hai hốc mắt, thường vào buổi sáng. Có khi kèm ù tai, hoa mắt, mờ mắt.
Hội chứng chèn ép tủy cổ: ở giai đoạn muộn của bệnh và thường do thoát vị đĩa đệm hoặc hẹp ống sống cổ nặng kèm theo, biểu hiện bằng các rối loạn vận động, rối loạn cơ tròn (rối loạn tiểu tiện, táo bón), rối loạn phản xạ (tăng phản xạ gân xương, dấu hiệu Hoffmann dương tính)
Chẩn đoán thoái hóa cột sống cổ
Sau khi khám lâm sàng ban đầu với bác sĩ nhằm kiểm tra vận động của vùng cổ, phản xạ và sức cơ ở hai tay, bệnh nhân có thể được chỉ định làm thêm các xét nghiệm, chụp chiếu chẩn đoán hình ảnh để đưa ra kết luận chính xác.
Chẩn đoán hình ảnh
Chụp X-quang để xác định mức độ thoái hóa, gai xương, cầu xương, loại trừ các nguyên nhân hiếm gặp và nghiêm trọng như gãy xương, khối u, nhiễm trùng
Chụp cắt lớp vi tính (CT Scan) cung cấp hình ảnh chi tiết, bao gồm các tổn thương về xương ở mức độ rất nhỏ
Chụp cộng hưởng từ (MRI) xác định mức độ và vị trí ống sống và các rễ thần kinh bị chèn ép.
Xét nghiệm chức năng thần kinh
Bên cạnh thực hiện các phương pháp chẩn đoán hình ảnh, bệnh nhân có thể thực hiện thêm các xét nghiệm chức năng thần kinh gồm:
Điện cơ đo hoạt động điện trong dây thần kinh khi cơ bắp tay đang co hoặc nghỉ
Nghiên cứu dẫn truyền thần kinh đo cường độ và tốc độ của tín hiệu thần kinh
Điều trị thoái hóa cột sống cổ
Tùy vào tình trạng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị thoái hóa cột sống cổ phù hợp. Bệnh nhân nên sớm đến gặp bác sĩ khi có những triệu chứng thoái hóa cột sống cổ để được chẩn đoán tình trạng và tư vấn phương pháp điều trị.
Bệnh nhân không nên tự ý tìm cách chữa thoái hóa cột sống cổ tại nhà hoặc học theo cách điều trị của người khác vì mỗi người có tình trạng, triệu chứng, thậm chí là biến chứng khác nhau.
Sau khi chẩn đoán, bác sĩ có thể tư vấn cho bệnh nhân thực hiện các phương pháp:
Điều trị nội khoa: Thuốc chống viêm, giảm đau, thuốc giãn cơ, thuốc chống động kinh, chống trầm cảm
Vật lý trị liệu, phục hồi chức năng: Các bài tập điều trị thoái hóa cột sống cổ, kéo dãn, xoa bóp, điện phân,... giúp bệnh nhân giảm đau
Can thiệp ngoại khoa: Phẫu thuật chỉ được chỉ định trong các trường hợp các phương pháp khác không có tác dụng. Các phương pháp phẫu thuật có thể thực hiện là: lấy thoát vị đĩa đệm cột sống cổ (lối trước hoặc lối sau qua đường mổ thường hoặc đường mổ nhỏ, ít xâm lấn, mổ vi phẫu, thay đĩa đệm nhân tạo,…
Điều trị thoái hóa cột sống cổ bằng Đông y: Điều trị thoái hóa cột sống cổ bằng Đông y được đánh giá là liệu pháp ít xâm lấn và an toàn, điều trị bệnh lý với nhiều phương pháp toàn diện từ thuốc uống, vật lý trị liệu, giảm đau bằng cao dán, luyện tập,… Vì thế, mặc dù tác dụng không nhanh vẫn đem lại hiệu quả nhất định.
5 bài tập trị liệu thoái hóa cột sống cổ
Động tác 1 - Gập cổ về phía trước: cằm càng gần cổ càng tốt, sau đó trở lại vị trí ban đầu
Động tác 2 - Duỗi cột sống cổ: đầu ngửa về phía sau hết sức có thể, sau đó trở lại tư thế ban đầu
Động tác 3 - Nghiêng cột sống cổ: Lần lượt nghiêng sang hai bên vai, càng xa càng tốt, mắt nhìn xuống vai, sau đó trở lại ở giữa
Động tác 4 - Xoay cột sống cổ: Lần lượt quay đầu sang 2 bên, càng xa càng tốt, mắt nhìn xuống vai, sau đó trở lại ở giữa
Động tác 5 - Tập cơ cổ về phía trước: Đặt tay lên trán ấn ra sau đồng thời đẩy đầu về phía trước chống lại lực bàn tay sao cho không cử động cổ.
Cách phòng bệnh thoái hóa cột sống cổ
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thoái hóa cột sống cổ là do tư thế sai trong làm việc và sinh hoạt nên có những cách phòng bệnh đơn giản như:
Xoa bóp, thư giãn vùng cổ thường xuyên
Nghỉ ngơi hợp lý, không nên gắng sức làm việc gây nhức mỏi cổ
Thường xuyên thay đổi tư thế, đi lại, vận động nhẹ trong lúc làm việc, tránh ngồi quá lâu một chỗ
Thay đổi tư thế khi ngủ, không nằm một tư thế quá lâu, không nằm sấp, không gối đầu quá cao
Sử dụng bàn ghế có chiều cao phù hợp giúp cơ cổ không bị căng mỏi, không phải cúi, ngửa đầu nhiều
Không vặn cổ, ấn cổ để tránh trường hợp xấu như gãy, trật khớp mỏm đốt sống gây liệt tứ chi, thậm chỉ tử vong
Thoái hóa cột sống cổ cần được phát hiện và điều trị sớm, tránh gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Hy vọng bài viết mang lại nhiều thông tin hữu ích về thoái hóa cột sống cổ cho bạn đọc.