Điều trị thoái hóa cột sống cổ bằng cách nào và một số lưu ý
Điều trị thoái hóa cột sống cổ bằng cách nào và một số lưu ý
Điều trị thoái hóa cột sống cổ
Phương pháp điều trị thoái hóa cột sống cổ và một số lưu ý - Ảnh: BookingCare

Điều trị thoái hóa cột sống cổ bằng cách nào và một số lưu ý

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 04/12/2023 | Cập nhật lần cuối: 06/12/2023
Thoái hóa cột sống cổ là bệnh mạn tính tiến triển từ từ tăng dần gây đau, hạn chế vận động,... Dưới đây là một số phương pháp điều trị thoái hóa cột sống cổ và lưu ý cho người bệnh khi chăm sóc tại nhà.

Triệu chứng thoái hóa cột sống cổ thường gặp là đau vùng vai gáy, hạn chế vận động cổ, tê bì dọc từ vai xuống cánh - cẳng bàn tay và đôi khi có yếu/ liệt các nhóm cơ của chi trên,... làm giảm phạm vi chuyển động của cổ, ảnh hưởng đến khả năng vận động và gây khó khăn trong sinh hoạt cũng như trong công việc.

Có nhiều liệu pháp để điều trị thoái hóa cột sống cổ, bao gồm điều trị căn bản là các điều trị y khoa và chăm sóc tại nhà, luyện tập, thay đổi lối sống nhằm bảo vệ cột sống cổ, tránh tái phát cũng như các biện pháp điều trị thực thụ như dùng thuốc, tập vật lý trị liệu, phẫu thuật.

Phương pháp điều trị thoái hóa cột sống cổ

Điều trị nội khoa bằng thuốc

Người bệnh có thể được kê thuốc để giảm đau theo mức độ nhẹ - vừa - nặng:

  • Thuốc giảm đau thông thường và theo bậc: Đây là chỉ định đầu tay vì tính an toàn cũng như hiệu quả. Các loại thuốc thường được sử dụng như Paracetamol (giảm đau bậc 1), Tramadol, Codein (bậc 2)
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như Ibuprofen (Advil, Motrin IB,...) và Naproxen Sodium (Aleve). Tuy nhiên, đi kèm tác dụng giảm đau, giảm viêm đó là những tác dụng không mong muốn lên dạ dày nên cần cân nhắc khi sử dụng và tốt nhất nên có sự hướng dẫn của bác sĩ.
  • Corticosteroid:
    • Thường được sử dụng trong các trường hợp cấp. Bác sĩ có thể cho người bệnh điều trị bằng một đợt uống Prednisone ngắn có thể giúp giảm các triệu chứng nhanh và hiệu quả.
    • Trong trường hợp triệu chứng nặng hoặc kéo dài, việc chỉ định tiêm steroid cạnh cột sống giúp cải thiện triệu chứng của người bệnh. Tuy nhiên, đây là một loại thuốc có nhiều tác dụng phụ và có thể để lại hậu quả nặng nề về lâu dài nên cần thận trọng khi sử dụng.
  • Thuốc giãn cơ: Một số loại thuốc như Cyclobenzaprine (Amrix, Fexmid) có thể giúp giảm co thắt, căng cơ vân ở vùng cổ, giúp giảm bớt áp lực lên đĩa đệm và giúp cải thiện triệu chứng của người bệnh.
  • Thuốc chống co giật: Một số loại thuốc điều trị động kinh có thể làm giảm đau từ các dây thần kinh bị tổn thương.

Vật lý trị liệu

Tùy trình trạng người bệnh có thể cần đến bệnh viện để điều trị vật lý trị liệu hoặc tham khảo ý kiến của bác sĩ để được hướng dẫn các bài tập vật lý trị liệu thoái hóa cột sống cổ mà người bệnh có thể tự tập tại nhà. 

Các bài tập vật lý trị liệu giúp kéo giãn cột sống cổ, các lỗ liên hợp cũng sẽ được mở rộng tạo thuận lợi cho các nhân thoát vị đĩa đệm trở về vị trí cũ, các gai xương và không còn chèn ép tủy sống và rễ thần kinh, qua đó cải thiện các triệu chứng thoát vị đĩa đệm. Việc tập vật lý trị liệu là một trong những phương pháp điều trị tốt cho người bệnh thoái hóa cột sống cổ.

Phẫu thuật

Trong trường hợp điều trị bảo tồn không thành công hoặc có biểu hiện chèn ép rễ thần kinh hoặc tủy sống tiến triển nặng (các triệu chứng thần kinh như yếu tay/chân nghiêm trọng hơn,...) người bệnh có thể cần phẫu thuật.

Phẫu thuật có thể bao gồm loại bỏ nhân thoát vị đĩa đệm, các gai xương ở đốt sống hoặc một phần của đốt sống, cố định cột sống,...

Lưu ý chăm sóc điều trị thoái hóa cột sống cổ tại nhà

Nguyên tắc trong điều trị thoái hóa cột sống cổ cần phối hợp phương pháp nội khoa và phục hồi chức năng với luyện tập, thay đổi lối sống nhằm bảo vệ cột sống cổ, cải thiện triệu chứng và đề phòng tái phát. Người bệnh do vậy nên lưu ý các điều sau khi điều trị bệnh tại nhà:

  • Tập thể dục thường xuyên: Duy trì hoạt động sẽ giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi. Lưu ý nên vận động xương khớp bằng các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội, xe đạp khoảng 20 - 30 phút mỗi ngày.
  • Nghỉ ngơi, giữ ấm vùng cổ vai gáy (nhất là vào mùa đông), tránh thay đổi tư thế cột sống cổ đột ngột.
  • Tránh các tư thế: đứng lâu, ngồi vẹo, lệch, không cân đối. Lưu ý điều chỉnh tư thế cột sống đúng khi làm việc, trong sinh hoạt.
  • Hạn mang chế vác nặng, tránh gây tổn thương khớp.

Người bệnh đã được chẩn đoán thoái hóa cột sống cổ cần tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ để đạt được hiệu quả điều trị giảm đau, làm chậm quá trình thoái hóa, duy trì khả năng vận động, hạn chế thấp nhất nguy cơ để lại các di chứng,... Người bệnh nên thực hiện việc kiểm tra định kỳ để theo dõi tốc độ tiến triển của bệnh và kịp thời điều trị.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare