Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một cặp vợ chồng không thụ thai sau khi quan hệ tình dục tích cực ( 2 - 3 lần/tuần), liên tục trong vòng 1 năm mà không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào thì được coi là vô sinh.
Những cặp vợ chồng bị vô sinh có thể lựa chọn các biện pháp điều trị vô sinh hiếm muộn dưới đây để làm tăng khả năng sinh sản.
Các phương pháp điều trị vô sinh hiếm muộn
Sử dụng thuốc hỗ trợ sinh sản
- Các loại thuốc phổ biến hiện nay như Clomiphene Citrat, thuốc ức chế aromatase, thuốc hạ Insuline hoặc Gonadotropins giúp điều chỉnh hormone sinh sản của phụ nữ và kích hoạt sự phóng thích của một hoặc nhiều trứng trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt. Phương pháp kích trứng có thể sử dụng cùng với các phương pháp điều trị vô sinh hiếm muộn khác.
- Hầu hết phụ nữ bị hiếm muộn đều sử dụng các loại thuốc hỗ trợ sinh sản trong vòng từ 3 đến 6 tháng trước khi thụ thai hoặc sử dụng một biện pháp điều trị khác.
Phẫu thuật
Là phương pháp điều trị vô sinh hiếm muộn áp dụng khi:
- Ống dẫn trứng bị tắc.
- Trường hợp lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung có liên quan đến vô sinh.
- Phụ nữ có polyp cổ tử cung.
- Có khiếm khuyết về cấu trúc ống sinh dục
Tỷ lệ thành công của phương pháp phẫu thuật phụ thuộc vào tình trạng bệnh, phẫu thuật nội soi hay phẫu thuật mở, thời gian mắc bệnh.
Phương pháp phẫu thuật có nhược điểm khiến người bệnh cảm thấy khó chịu ở vùng vai, lưng sau thực hiện phẫu thuật nội soi; nếu được gây mê toàn thân sẽ gây tình trạng đau họng, buồn nôn, buồn ngủ…
Bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI)
Thụ tinh trong tử cung là phương pháp đưa một lượng tinh trùng khỏe mạnh vào buồng tử cung ở thời điểm càng gần thời điểm rụng trứng càng tốt. IUI có thể được sử dụng kết hợp với kích thích rụng trứng. Tinh trùng có thể lấy của người chồng hoặc từ nguồn tinh trùng hiến tặng được thu thập hoặc đông lạnh trước đó.
Một số trường hợp nên thực hiện IUI là:
- Người chồng có số lượng tinh trùng yếu ở mức độ nhẹ đến trung bình.
- Người vợ gặp phải một số bất thường ở cổ tử cung hoặc gặp rối loạn về phóng noãn.
- Một số cặp vợ chồng được chẩn đoán là vô sinh nhưng chưa thể tìm rõ nguyên nhân cũng có thể áp dụng phương pháp điều trị này.
Tỷ lệ thành công của phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung sẽ cao nếu tuổi của người vợ còn trẻ. Ngoài ra còn phụ thuộc vào yếu tố số lượng nang noãn, nguyên nhân vô sinh, chất lượng tinh trùng, chỉ định điều trị... Tỉ lệ thành công vào khoảng 15 - 20%.
Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)
Phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là phương pháp điều trị vô sinh hiếm muộn có tỷ lệ thành công cao và đang được nhiều cặp đôi áp dụng. Với phương pháp này, trứng sẽ được lấy ra khỏi buồng trứng của người phụ nữ sau đó được kết hợp với tinh trùng trong phòng thí nghiệm. Nếu quá trình thụ tinh thành công, phôi thai sau đó sẽ được chuyển vào tử cung của người phụ nữ.
Những đối tượng có thể áp dụng phương pháp IVF là:
- Những cặp vợ chồng đã áp dụng phương pháp IUI hoặc các phương pháp điều trị vô sinh khác nhưng không thành công.
- Trường hợp phụ nữ bị tắc cả hai bên vòi trứng.
- Phụ nữ bị mắc phải một số bệnh lý như lạc nội mạc tử cung nặng,…
- Suy buồng trứng sớm
- Nam giới gặp vấn đề về tinh trùng như tinh trùng yếu và dị dạng.
Phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm có một số tác dụng phụ và nhược điểm sau đây:
- Nếu bác sĩ đưa nhiều hơn một phôi vào trong tử cung, nguy cơ sinh đôi sẽ tăng lên từ 9 - 29%.
- Hầu hết phụ nữ đều sử dụng thuốc Gonadotropins trước khi tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm. Thuốc gây tác dụng phụ như phát ban hoặc sưng tấy tại chỗ tiêm, đau ngực, thay đổi tâm trạng, đau đầu, đầy hơi, làm tăng nguy cơ mắc hội chứng quá kích buồng trứng (OHSS).
- Bạn có thể bị chuột rút và ra máu sau khi phôi được chuyển vào tử cung. Hầu hết phụ nữ sẽ cảm thấy tốt hơn sau một hoặc hai ngày.
Một cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn không có nghĩa là họ hoàn toàn không có khả năng có con. Việc sử dụng một hoặc nhiều phương pháp điều trị hiếm muộn trên đây sẽ giúp làm tăng khả năng thụ thai, có con. Tùy vào nguyên nhân gây vô sinh hiếm muộn, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.