Chàm môi (còn gọi là viêm da vùng môi) là bệnh lý đặc trưng bởi tình trạng môi khô và bong tróc vảy. Bệnh có liên quan mật thiết đến yếu tố di truyền, miễn dịch.
Chàm môi liên quan đến cơ địa của người bệnh, nguyên nhân không đến từ các loại virus, vi khuẩn. Vì thế căn bệnh này không lây nhiễm từ người này sang người khác qua tiếp xúc. Do đó bệnh nhân có thể hoàn toàn yên tâm sinh hoạt bình thường mà không phải lo lắng bệnh sẽ lây nhiễm sang những người xung quanh.
Mặc dù không có khả năng lây nhiễm nhưng chàm môi có xu hướng tái đi tái lại nhiều lần. Kể cả khi tổn thương trên môi mất đi, môi cũng sẽ trở nên thâm sạm và nhạy cảm hơn so với trạng thái ban đầu.
Triệu chứng của chàm môi
Các dấu hiệu đặc trưng của chàm môi là:
- Sưng đỏ hoặc phát ban
- Khô
- Ngứa
- Đóng vảy và bong tróc da môi
- Đau rát
- Thay đổi màu sắc da quanh vùng môi
Các triệu chứng này thường xuất hiện trên cả hai môi, thậm chí còn lan ra xung quanh miệng.
Trong giai đoạn đầu của bệnh, chàm môi có thể dễ bị nhầm lẫn với hiện tượng khô môi thông thường: môi khô nứt nẻ, đau rát, bong vảy…. Tuy nhiên sau đó môi sẽ xuất hiện rát đỏ, mụn nước nhỏ mọc thành từng đám, môi có xu hướng ngày càng khô, đóng vảy tiết, ngứa và đau rát nhiều hơn.
Lúc này, các cử động tự nhiên của miệng như cười, nói… bị ảnh hưởng, người bệnh gặp nhiều khó khăn trong ăn uống và giao tiếp hằng ngày.
Nguyên nhân của chàm môi
- Do tiếp xúc kích ứng: Các loại hóa chất xuất phát từ các sản phẩm như kem đánh răng và nước súc miệng, một số loại thực phẩm, chẳng hạn như xoài, trái cây họ cam quýt và quế cũng có thể là nguyên nhân.
- Do yếu tố môi trường: Thời tiết lạnh, độ ẩm thấp, gió,...
- Do tiếp xúc dị ứng: Có thể do tiếp xúc với các chất gây dị ứng từ son môi, son dưỡng môi, kem chống nắng, sản phẩm trang điểm hoặc sơn móng tay.
- Yếu tố di truyền: Yếu tố di truyền cũng ảnh hưởng đến khả năng mắc bệnh chàm môi. Theo đó, tỷ lệ bị bệnh này sẽ cao hơn đối với những người trong gia đình có tiền sử bị mắc hen suyễn, bệnh lý về chàm, viêm da cơ địa,...
- Gặp stress.
- Thói quen liếm môi là một nguyên nhân chính và thường thấy ở đối tượng là ở trẻ nhỏ
Phương pháp điều trị chàm môi
Điều trị chàm môi không dùng thuốc
- Tránh tiếp xúc với các chất nghi ngờ gây dị ứng, kích ứng.
- Thường xuyên dưỡng ẩm cho môi bằng vaseline, son dưỡng ẩm, kem dưỡng môi, mặt nạ môi… bôi nhiều lần trong ngày. Sản phẩm dùng cho môi không nên chứa chất tạo hương, chất tạo màu hay các thành phần có hại cho da. Nên bôi khi môi hơi ẩm để các dưỡng chất được thẩm thấu tốt hơn.
- Uống đủ nước (người lớn từ 2-3 lít/ngày).
- Vệ sinh môi, da vùng quanh miệng sau ăn, uống.
- Tránh các loại thực phẩm gây kích ứng da như đồ ăn cay nóng.
- Hạn chế liếm môi và không tự cạy, bóc vảy.
Điều trị chàm môi dùng thuốc
Các trường hợp chàm môi mức độ nặng như có sưng nề môi, xuất hiện mụn nước hoặc chảy dịch thì sẽ cần điều trị bằng thuốc kháng viêm, kháng histamin, kháng khuẩn và dưới sự hướng dẫn, theo dõi của bác sĩ chuyên khoa.
- Thuốc kháng histamine được chỉ định cho trường hợp bị ngứa rát, gây khó chịu cho người bệnh.
- Thuốc kháng sinh: Trong trường hợp bị nhiễm trùng, bạn sẽ được chỉ định một số thuốc kháng sinh phù hợp
Phòng ngừa bệnh chàm môi
Như đã đề cập từ ban đầu, bệnh chàm môi tuy không nguy hiểm hay lây nhiễm nhưng lại có xu hướng tái phát nhiều lần. Để tránh chàm môi bị tái phát, bạn đọc có thể tham khảo một số lưu ý dưới đây:
- Tránh xa các loại son môi có tỷ lệ chì cao.
- Sử dụng những nguyên liệu có lợi như nha đam, dầu dừa, ... để dưỡng môi.
- Dưỡng ẩm cho môi thường xuyên đặc biệt là khi thời tiết lạnh, hanh khô
- Sau khi ăn uống xong, cần phải vệ sinh môi và da quanh miệng sạch sẽ.
- Không nên liếm môi hoặc bóc lớp vảy trên môi.
- Duy trì trạng thái tinh thần thoải mái, không để bị căng thẳng, thiếu ngủ.
Như vậy, trên đây là những thông tin về bệnh chàm môi. Bạn đọc muốn tìm hiểu nhiều hơn về bệnh chàm nói chung và chàm môi nói riêng có thể tham khảo thêm các bài viết trên website BookingCare.