- Xuất bản: 15/09/2023 - Cập nhật lần cuối: 28/12/2023
Chàm tổ đỉa: Triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị hiệu quả - Ảnh: BookingCare
Đọc ngay thông tin cần biết về bệnh chàm tổ đỉa thông qua bài viết dưới đây của BookingCare.
Chàm tổ đỉa là một thể đặc biệt của bệnh chàm. Đặc trưng của bệnh là tiến triển dai dẳng, hay tái phát, có thể kéo dài hàng tháng, thường gặp ở người có độ tuổi từ 20 - 40.
Bệnh tổ đỉa là một bệnh ngoài da thường gặp. Tuy nhiên, do không hiểu rõ bệnh nên nhiều người thường lầm tưởng bệnh với các bệnh ngoài da khác, từ đó dẫn đến việc dùng thuốc tùy tiện, không đúng khiến bệnh không khỏi và dễ tái phát.
Triệu chứng của chàm tổ đỉa
Chàm tổ đỉa khu trú ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu ngón tay, rìa ngón tay, rìa lòng bàn tay - chân, chỉ số ít trường hợp mới lan lên mặt ngoài bàn tay chân và nhưng không vượt quá cổ tay, cổ chân.
Những tổn thương mà chàm tổ đỉa gây ra là:
Mụn nước sâu, như chìm khảm vào mặt da, cứng chắc, kích thước 1-2 mm đường kính. Mụn nằm rải rác hoặc tập trung thành từng đám, cụm, không tự vỡ, sau đó để lại điểm dầy sừng màu vàng, và bong da để lại nền đỏ bóng có bờ viền vằn vèo.
Do chọc gãi có thể có mụn mủ, có quầng viêm đỏ, nhiễm khuẩn thứ phát khiến bàn tay sưng tấy, thậm chí có trường hợp toàn thân bị sốt, hạch sưng đau.
Bệnh tiến triển thành từng đợt theo mùa, thường nặng về mùa xuân - hạ, mùa đông đỡ hơn.
Có nhiều dạng chàm tổ đỉa khác nhau như:
Tổ đỉa thể giản đơn: mô tả như trên
Tổ đỉa nhiễm khuẩn: có thêm mụn mủ
Tổ đỉa thể bọng nước: có bọng nước to bằng hạt đỗ, hạt ngô thường do ảnh hưởng của dị ứng hoá chất.
Tổ đỉa thể khô: không có mụn nước, da đỏ, khô, có bờ viền tróc vảy, cảm giác đau rát.
Nguyên nhân dẫn đến chàm tổ đỉa
Nguyên nhân gây ra chàm tổ đỉa đến nay vẫn chưa được tìm hiểu rõ. Nhưng có một số yếu tố liên quan đến bệnh này, bao gồm:
Cơ địa dị ứng
Viêm da tiếp xúc: nước, muối kim loại như niken, coban, crom…, hóa chất tẩy rửa mạnh
Stress làm nặng thêm tình trạng bệnh
Môi trường thời tiết: liên quan đến phơi nhiễm tia UVA, bệnh xu hướng nặng hơn về mùa hè
Bệnh nhân đang điều trị bằng liệu pháp globulin miễn dịch
Tăng tiết mồ hôi : đổ mồ hôi quá nhiều là một yếu tố làm nặng thêm tình trạng bệnh
Bên cạnh đó, sự thay đổi theo mùa cũng có thể làm nặng thêm tình trạng chàm tổ đỉa và khiến bệnh tái phát. Việc sử dụng một số loại thuốc như thuốc tránh thai đường uống, Aspirin cũng được cho là có liên quan đến chàm tổ đỉa.
Phương pháp điều trị chàm tổ đỉa
Bệnh diễn tiến mạn tính và tái phát nhiều đợt. Phương pháp điều trị ngắn hạn hoặc dài hạn tùy thuộc vào tình trạng mỗi bệnh nhân.
Điều trị chàm tổ đỉa tại chỗ nhằm loại bỏ mụn nước và chống bội nhiễm:
Mụn nước đơn thuần: bôi, đắp gạc dung dịch sát khuẩn như dung dịch bạc nitrat 0,5%, nếu bội nhiễm có mụn mủ dùng thuốc màu như dung dịch thuốc tím, dung dịch Milian,...
Khi giảm mụn nước thì bôi kem, mỡ corticoid như mỡ Flucinar, kem Eumovate, kem Fucicort, mỡ corticoid + kháng sinh.
Nếu là loại tổ đỉa liên quan đến nhiễm nấm thì dùng thuốc bôi và uống chống nấm
Điều trị toàn thân:
Để chống ngứa,thuốc kháng Histamine tổng hợp có thể được sử dụng. Nếu cần thiết, bác sĩ có thể kê thêm một đợt corticoid uống từ 5-10 ngày.
Sử dụng kháng sinh nếu có bội nhiễm
Sử dụng các loại thuốc kháng nấm nếu nhiễm nấm.
Việc sử dụng thuốc điều trị bệnh chàm tổ đỉa cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, không nên quá lạm dụng thuốc khiến hàng rào bảo vệ da bị ảnh hưởng.
Phòng ngừa, tránh chàm tổ đỉa tái phát
Nên rửa tay chân nhẹ nhàng, không cào gãi, làm xây xước các mụn nước đề phòng nhiễm khuẩn thứ phát.
Tránh thay đổi nhiệt độ hoặc độ ẩm đột ngột.
Chú ý và tránh dùng các loại thực phẩm nguy cơ dị ứng cao và có thể gây ra các triệu chứng của bệnh.
Không nên ngâm tay nhiều trong nước làm ẩm ướt lớp sừng của da, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm phát triển mạnh hơn.
Cắt ngắn móng tay và giữ khô, sạch da lòng bàn tay, lòng bàn chân.
Kiểm soát căng thẳng: dành thời gian thư giãn, tập thể dục thường xuyên giúp kiểm soát căng thẳng và tránh mất ngủ.
Hạn chế tiếp xúc với các dị nguyên có khả năng gây dị ứng để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh như: xà phòng, chất tẩy rửa, dung môi mạnh, hóa chất, lông động vật, kim loại.
Khi điều trị bệnh tổ đỉa, bên cạnh các phương pháp điều trị của bác sĩ đưa ra thì sự phối hợp, tuân thủ điều trị của bệnh nhân cũng như việc thay đổi lối sống theo hướng tích cực là hết sức quan trọng để nhanh chóng cải thiện tình trạng bệnh, phòng ngứa tái phát.