Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng ung thư vòm mũi họng là một dạng ung thư có tính chất địa phương, tỷ lệ mắc bệnh cao nhất ở khu vực Đông Nam Á. Bệnh có các triệu chứng không điển hình nên đa số khi phát hiện thì bệnh đã ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị gặp không ít khó khăn, gây ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ người bệnh.
Quy trình chẩn đoán ung thư vòm họng
Các triệu chứng của ung thư vòm họng không điển hình, do vậy có thể nhầm lần với các tình trạng bệnh khác. Nếu bác sĩ nghi ngờ các triệu chứng của bạn có thể là ung thư vòm họng, họ sẽ thực hiện một số điều sau đây để chẩn đoán:
Thăm khám lâm sàng
Bác sĩ sẽ kiểm tra vùng đầu và cổ của bạn nhằm tìm kiếm các hạch bạch huyết phì đại ở cổ hoặc các đặc điểm không điển hình ở miệng hoặc lưỡi của bạn, bao gồm:
- Soi gián tiếp vòm họng, có thể nội soi vòm họng nhằm phát hiện các tổn thương ở vòm họng như u sùi, loét, thâm nhiễm,...
- Khám tìm hạch cổ to và các biểu hiện của liệt các dây thần kinh sọ não
- Thăm khám các vị trí xung quanh đánh giá sự lan tràn của ung thư vòm tới mũi xoang, tai, họng miệng,...
Xét nghiệm cận lâm sàng
Xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh: xét nghiệm sự hiện diện của EBV thông qua xét nghiệm sinh học phân tử (PCR) và phản ứng miễn dịch dương tính với các kháng nguyên của E.B.V.
Xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán mắc bệnh:
- Các xét nghiệm công thức máu và sinh hoá máu nhằm đánh giá tình trạng toàn thân, chức năng gan, thận của người bệnh.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT) sẽ giúp hiển thị rõ kích thước, vị trí và các đặc điểm khác của khối u, mức độ xâm lấn của khối u tới các mô xung quanh, đánh giá mức độ di căn tới các cơ quan lân cận,...
- Cộng hưởng từ (MRI): giúp bác sĩ đánh giá tốt hơn tình trạng các mô mềm xung quanh, hỗ trợ chẩn đoán giai đoạn bệnh.
- Sinh thiết: người bệnh sẽ được lấy mẫu mô từ vòm họng và kiểm tra xem có phải là tế bào ung thư hay không
Việc thăm khám bác sĩ sẽ giúp người bệnh được kiểm tra và thực hiện các xét nghiệm sớm nhất, thúc đẩy khả năng tiên lượng tốt về bệnh.
Các giai đoạn bệnh ung thư vòm họng
Sau khi được chẩn đoán ung thư vòm họng, bác sĩ sẽ giúp bệnh nhân chẩn đoán giai đoạn ung thư. Việc phân giai đoạn là một cách để mô tả tình trạng bệnh, giúp bác sĩ lên phác đồ điều trị ung thư vòm họng hiệu quả ứng với từng giai đoạn. Dựa trên kích thước và sự xâm lấn, di căn của khối u tới các bộ phận xung quanh, ta có thể phân loại như sau:
Giai đoạn 0: Các bác sĩ còn gọi giai đoạn này là “ung thư biểu mô tại chỗ”, khi các tế bào không điển hình xuất hiện trong niêm mạc vòm họng. Những tế bào này có thể trở thành ung thư nhưng hiện tại thì không.
Giai đoạn 1: Khối u chỉ nằm ở vòm họng hoặc có khả năng lan đến hầu họng hoặc khoang mũi.
Giai đoạn 2: lúc này khối ung thư đã lan đến một hoặc nhiều hạch bạch huyết ở một hoặc cả hai bên cổ.
Giai đoạn 3: Ung thư đã lan đến một hoặc nhiều hạch bạch huyết ở cả hai bên cổ. Ung thư cũng có thể lan đến hầu họng hoặc khoang mũi, khoang cạnh hầu hoặc các cơ gần đó hoặc xương ở đáy hộp sọ. Các hạch bạch huyết có kích thước từ 6cm (cm) trở xuống.
Giai đoạn 4: chia thành thành giai đoạn 4A và giai đoạn 4B.
- Ở giai đoạn 4A, ung thư đã lan đến não, dây thần kinh sọ, hạ họng, tuyến nước bọt trước tai hoặc các vị trí khác trên khuôn mặt. Các hạch bạch huyết có thể có kích thước lớn hơn 6 cm.
- Ở giai đoạn 4B, ung thư đã lan ra ngoài các hạch bạch huyết ở cổ đến các hạch bạch huyết ở xa hơn, chẳng hạn như các hạch ở phổi, nách hoặc háng (bẹn).
Càng về giai đoạn sau tình trạng bệnh càng nghiêm trọng do ung thư đã tiến triển sang các bộ phận khác của cơ thể. Vì vậy việc bệnh nhân được phát hiện bệnh sớm và can thiệp kịp thời là rất quan trọng.
Bài viết cung cấp cho bạn các phương pháp chẩn đoán ung thư vòm mũi họng. Khi thấy có các triệu chứng của ung thư vòm họng, đừng ngần ngại tìm đến các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán sớm. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các ca bệnh ung thư vòm mũi họng giai đoạn 1 có khả năng điều trị khỏi đến hơn 90%. Việc bệnh được phát hiện sớm cũng sẽ giúp hạn chế tối đa các biến chứng của bệnh đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.