Chân vòng kiềng có chữa được không?

Tác giả: - Xuất bản: 23/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 23/03/2024
Chân vòng kiềng có chữa được không?
Chân vòng kiềng ở trẻ nhỏ và người lớn có cách điều trị khác nhau - Ảnh: BookingCare
Chân vòng kiềng gây mất thẩm mỹ khiến những người mắc phải tình trạng này trở nên tự ti. Do đó, rất nhiều người tìm kiếm thông tin chân vòng kiềng có chữa được không. Cùng giải đáp câu hỏi này trong bài viết sau.

Chân vòng kiềng có thể tự khỏi mà không cần điều trị hoặc cần điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này.

Điều trị chân vòng kiềng ở trẻ em

Chân vòng kiềng rất thường thấy ở trẻ nhỏ do quá trình phát triển bình thường của cơ thể. Khi khung xương của trẻ dần phát triển hoàn thiện, tình trạng này dần thẳng lại một cách tự nhiên mà không cần điều trị.

Tuy nhiên, nếu chân vòng kiềng không cải thiện sau 2 tuổi, bố mẹ cần đưa trẻ đi khám bác sĩ để có những can thiệp kịp thời. Việc điều trị có thể bao gồm cho trẻ đi một loại giày được thiết kế đặc biệt để định hình dáng đứng, dáng đi hoặc trẻ sẽ cần đeo nẹp, bó bột,...

Nếu nguyên nhân gây chân vòng kiềng là do thiếu canxi hay vitamin D, phospho, khiến xương không thể phát triển khỏe mạnh, trẻ sẽ cần bổ sung các chất dinh dưỡng này để giúp quá trình hình thành xương được diễn ra suôn sẻ.

Với những trẻ bị chân vòng kiềng do mắc bệnh blount, bác sĩ có thể cân nhắc điều trị bằng phương pháp phẫu thuật để thay đổi sự phát triển của xương chày hoặc sắp xếp lại xương, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Điều trị chân vòng kiềng ở người lớn

Theo các bác sĩ, khoảng 60% người trưởng thành bị chân vòng kiềng có thể khắc phục dần và tỷ lệ trở lại trạng thái ban đầu khá thấp. Tuy nhiên, bạn cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tìm nguyên nhân để có phương pháp điều trị phù hợp.

Ở người lớn, điều trị bằng phẫu thuật chỉ được chỉ định khi tình trạng chân vòng kiềng quá nghiêm trọng gây khó khăn trong hoạt động hàng ngày hay gây đau đớn. Những trường hợp này có thể cần thực hiện phẫu thuật để căn chỉnh lại xương như cắt xương, thay khớp gối.

Ngoài ra, ở người lớn, tình trạng chân vòng kiềng thường rất nhẹ, không gây đau đớn hay giảm chức năng vận động. Nếu lo ngại về tính thẩm mỹ khi chân không được thẳng, bạn có thể thực hiện các biện pháp để cải thiện tình trạng này như:

  • Tập yoga
  • Tập Pilates
  • Vật lý trị liệu

Tuy nhiên, những phương pháp này sẽ không thể giúp bạn định hình lại cấu trúc xương ngay lập tức mà đòi hỏi cần có sự kiên trì, tập luyện đều đặn trong thời gian dài để thấy được sự cải thiện.

Những bài tập này cũng sẽ giúp cơ xương khớp trở nên dẻo dai, khỏe mạnh, linh hoạt hơn, giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh xương khớp, rất tốt cho sức khỏe.

Trên đây là thông tin về các cách điều trị chân vòng kiềng. Hy vọng rằng bài viết đã giải đáp được phần nào thắc mắc của độc giả về vấn đề chữa trị chân vòng kiềng.