Chú ý: Các triệu chứng biểu hiện của bệnh xơ cứng bì

Tác giả: - Xuất bản: 27/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 18/12/2023
Triệu chứng biểu hiện bệnh xơ cứng bì
Triệu chứng biểu hiện bệnh xơ cứng bì - Ảnh: BookingCare
Bệnh xơ cứng bì là một bệnh tự miễn ảnh hưởng đến da và mô liên kết dưới da, gây ra sự chay cứng và co rút của da, làm hạn chế sự vận động khớp và gây đau đớn cho người bệnh. Bệnh này thường xuất hiện ở người trưởng thành, đặc biệt là ở phụ nữ.

Bệnh xơ cứng bì thường được chia ra thành hai loại là xơ cứng bì khu trú và xơ cứng bì toàn thể. Xơ cứng bì khu trú chỉ ảnh hưởng đến da và các cấu trúc dưới da. Xơ cứng bì toàn thể thì ngoài ảnh hưởng đến da, các cơ quan nội tạng khác như phổi, tim, thận, tiêu hóa,...cũng có thể bị ảnh hưởng ở những mức độ nặng nhẹ khác nhau,, gây ra những triệu chứng biểu hiện đáng lo ngại. Không chỉ thế các triệu chứng này có thể gây ra sự khó chịu và ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tìm hiểu về các triệu chứng khi mắc xơ cứng bì trong bài viết dưới đây từ BookingCare.

Triệu chứng và dấu hiệu xơ cứng bì

Triệu chứng ở da và móng

Triệu chứng đầu tiên và phổ biến nhất của xơ cứng bì là hội chứng Raynaud. Đây là hội chứng co thắt mạch máu của bàn tay, ngón tay khi gặp lạnh hoặc stress tâm lý, gây khó chịu và thay đổi màu sắc (nhợt, xanh, ban đỏ hoặc kết hợp) ở một hay nhiều ngón tay. 

Không chỉ ở đầu ngón tay mà xơ cứng bì còn có các biểu hiện trên da ở toàn cơ thể, bao gồm:

  • Da có thể bị căng, bóng, giảm hoặc tăng sắc tố
  • Giãn mạch ở ngón tay, ngực, mặt, môi và lưỡi
  • Mặt căng cứng, vẻ vô cảm 
  • Loét ngón, đặc biệt ở đầu ngón tay, mặt duỗi các khớp tay hoặc ở trên các nốt canxi

Triệu chứng ở khớp

Xơ cứng bì có thể gây đau đa khớp hoặc viêm khớp nhẹ. Ngoài ra, còn có thể gây dính khớp, bao gân và các bao thanh dịch lớn.

Triệu chứng đường tiêu hóa

Triệu chứng đường tiêu hóa phổ biến nhất do xơ cứng bì gây ra là rối loạn chức năng thực quản với các biểu hiện sau:

  • Khó nuốt
  • Ợ nóng do trào ngược dạ dày - thực quản
  • Giảm nhu động ruột làm vi khuẩn phát triển quá mức có thể dẫn tới kém hấp thụ các chất dinh dưỡng. Do đó, dẫn đến các triệu chứng đi kèm: đau bụng, tiêu chảy, sút cân

Triệu chứng tim phổi

Xơ cứng bì có thể dẫn đến các trường hợp nghiêm trọng như xơ phổi hoặc suy tim với các triệu chứng gồm:

  • Khó thở
  • Rối loạn nhịp tim do cơ tim, xơ cơ tim, suy thất,...

Triệu chứng bệnh thận

Triệu chứng ở thận là triệu chứng nguy hiểm nhất do xơ cứng bì gây ra. Suy thận do xơ cứng bì thường tiến triển nhanh, có thể tiên đoán trước khi  thấy người bệnh  tăng huyết áp đột ngột, tiểu protein, kèm theo thiếu máu tán huyết, huyết khối vi mạch.

Phương pháp chẩn đoán xơ cứng bì

Giống như các bệnh lý khác, để chẩn đoán xơ cứng bì, bác sĩ cần thực hiện hai giai đoạn là khám lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng.

Khi tiến hành khám lâm sàng, bác sĩ sẽ quan sát các biểu hiện ở da và móng, ngón tay cũng như hỏi bệnh nhân về các triệu chứng mà họ đang gặp phải.

Ngoài ra, các bác sĩ có thể tiến hành các xét nghiệm cận lâm sàng sau:

  • Đánh giá da: Bác sĩ có thể đánh giá tình trạng san thương da trong 17 lĩnh vực cụ thể  điển hình để xác định như quầng đỏ da chay ở trung tâm, vệt sơ chay trên mặt da,...
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu có thể phát hiện nồng độ cao của các kháng thể kháng nhân nhất định được sản xuất bởi hệ thống miễn dịch. Đây là một chỉ báo cho sự hiện diện của xơ cứng bì
  • Mô (sinh thiết): Bác sĩ có thể lấy một mẫu mô nhỏ từ da bị ảnh hưởng để kiểm tra trong phòng thí nghiệm. Nhờ đó, giúp xác định mức độ xơ cứng bì
  • Xét nghiệm khác: tùy vào thể xơ cứng bì khu trú hay toàn thể mà bác sĩ có thể đề nghị các biện pháp chẩn đoán cận lâm sàng khác như: CT scan phổi, Siêu âm tim, thận hoặc nội soi dường tiêu hóa.

Các triệu chứng của bệnh xơ cứng bì không chỉ biểu hiện ở ngoài da mà còn có thể biểu hiện ở nhiều hệ thống cơ quan khác nếu chúng bị tổn thương. Khi ấy, sẽ cần đến các phương pháp điều trị bệnh khó khăn và tốn kém hơn. Do đó, nếu nhận thấy bản thân hoặc người thân có các triệu chứng xơ cứng bì, bạn hãy đến ngay các chuyên khoa Cơ Xương Khớp để được chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thới.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết