Chú ý: Những nguyên nhân gây hạ canxi máu bạn không được bỏ qua
Những nguyên nhân gây hạ canxi máu bạn cần chú ý
Những nguyên nhân gây hạ canxi máu bạn cần chú ý - Ảnh: BookingCare

Chú ý: Những nguyên nhân gây hạ canxi máu bạn không được bỏ qua

Tác giả: - Xuất bản: 25/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 04/04/2024
Nguyên nhân gây hạ canxi máu rất đa dạng trong đời sống hàng ngày và có thể phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau. Vì vậy, việc hạn chế tác động của những yếu tố nguy cơ này có thể làm giảm thiểu tình trạng hạ canxi máu, tránh được những biến chứng do hạ canxi máu gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người bệnh.

Canxi đóng vai trò quan trọng trong cơ thể con người, giữ cho xương chắc khỏe và tham gia vào nhiều quá trình sinh học trong cơ thể. Khi mức độ canxi trong máu giảm dưới mức bình thường điều này gọi là hạ canxi hay giảm canxi máu.

Cùng BookingCare tìm hiểu về các nguyên nhân gây hạ canxi máu để có được những biện pháp phòng tránh ngăn ngừa tình trạng này.

Những nguyên nhân gây hạ canxi máu thường gặp

Một số nguyên nhân gây hạ canxi máu gồm:

Thiếu hụt canxi trong chế độ ăn uống

Canxi là một khoáng chất quan trọng được tìm thấy chủ yếu trong sữa và các sản phẩm sữa, cũng như trong một số loại rau và thực phẩm khác. Thiếu hụt canxi trong chế độ ăn uống hàng ngày là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra hạ canxi máu.

Các nhóm người có nguy cơ cao bao gồm: người ăn kiêng, người già, phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh hoặc sau mãn kinh, phụ nữ có thai và người bị rối loạn ăn uống.

Việc thiếu hụt canxi trong chế độ ăn uống có thể dẫn đến việc cơ thể không cung cấp đủ lượng canxi cần thiết để duy trì nồng độ canxi máu trong phạm vi bình thường.

Ngoài ra, việc tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chứa Oxalate (có trong cà phê, cacao, rau cải...) hoặc axit oxalic có thể ức chế sự hấp thụ canxi, gây ra hạ canxi máu.

Oxalate và axit oxalic có thể kết hợp với canxi trong đường tiêu hóa, hình thành các hợp chất ít hòa tan gây ra sự giảm hấp thu của canxi từ thức ăn.

Thực phẩm chứa hàm lượng Canxi cao - Ảnh: Freepik
Thực phẩm chứa hàm lượng Canxi cao - Ảnh: Freepik

Rối loạn tiêu hóa

Các vấn đề tiêu hóa như viêm đại tràng, tiêu chảy kéo dài hoặc hấp thụ kém có thể gây ra hạ canxi máu. Trong những trường hợp này, mặc dù cung cấp đủ lượng canxi qua thực phẩm nhưng cơ thể không thể hấp thu được một cách toàn diện.

Viêm đại tràng là một trong những bệnh lý có thể làm suy giảm khả năng hấp thụ canxi từ đường tiêu hóa dẫn đến mất canxi, đào thải qua phân gây nên tình trạng hạ canxi máu.

Rối loạn chức năng tuyến giáp và tuyến cận giáp

Rối loạn chức năng tuyến giáp

Rối loạn chức năng tuyến giáp như: bệnh Basedow, cường giáp, ung thư tuyến giáp,… có thể gây ra tăng tiết hormon calcitonin, làm giảm sự hấp thụ canxi và dẫn đến hạ canxi máu. Hormone Calcitonin thường được tạo ra để giúp điều chỉnh mức độ canxi trong máu bằng cách tăng việc lưu trữ hấp thụ canxi trong xương. Khi nồng độ hormone này tăng cao trong máu, sự hấp thụ canxi từ tiêu hóa sẽ giảm, dẫn đến tình trạng hạ canxi máu.

Suy tuyến cận giáp

Suy tuyến cận giáp có đặc trưng là hạ canxi máu và tăng phosphat máu và thường gây ra các cơn tetani mạn tính (hiện tượng co cứng cơ). Suy tuyến cận giáp là kết quả từ thiếu hụt hormon cận giáp (PTH), có thể xảy ra trong các rối loạn tự miễn dịch hoặc sau khi tình cờ bị cắt bỏ hoặc tổn thương nhiều tuyến cận giáp trong phẫu thuật cắt tuyến giáp. 

Suy tuyến cận giáp thoáng qua là thường gặp sau khi cắt tuyến giáp bán phần, nhưng suy tuyến cận giáp kéo dài xảy ra < 3% các trường hợp cắt tuyến giáp thực hiện bởi các bác sĩ phẫu thuật có kinh nghiệm. 

Các biểu hiện của hạ canxi máu thường bắt đầu khoảng 24 đến 48 giờ sau mổ nhưng có thể xảy ra sau vài tháng hoặc nhiều năm. Thiếu hụt PTH là phổ biến hơn sau khi cắt bỏ hoàn toàn tuyến giáp do ung thư hoặc là kết quả của phẫu thuật trên tuyến cận giáp (phẫu thuật cắt bán phần hoặc toàn phần tuyến cận giáp).

Giả suy tuyến cận giáp

Giả suy tuyến cận giáp là một nhóm không thường gặp các rối loạn đặc trưng không phải do thiếu hụt hormone mà là do cơ quan đích kháng lại hormone parathyroid (PTH). 

Rối loạn tuyến nội tiết khác

Các bệnh như thiếu hụt hormone tuyến yên (hypoparathyroidism), tăng tiết hormone adrenocorticotropic (ACTH) do tuyến yên, hoặc ung thư tuyến yên cũng có thể gây ra hạ canxi máu.

Tuyến yên sản xuất hormone parathyroid (PTH), một trong những yếu tố chính điều chỉnh mức độ canxi trong máu. Khi sản xuất hormone này bị rối loạn, cơ thể có thể không duy trì được mức độ canxi máu trong phạm vi bình thường.

Bệnh thận

Bệnh ở ống thận, bao gồm nhiễm toan ở ống lượn gần và ống lượn xa, có thể gây hạ canxi máu nặng do mất canxi qua thận bất thường và giảm chuyển hóa vitamin D ở thận thành hoạt chất 1,25(OH)2D.

Suy thận có thể làm giảm sự hình thành 1,25(OH)2D do:

  • Tổn thương trực tiếp tế bào thận
  • Ức chế 1-alpha-hydroxylase (cần cho quá trình chuyển hóa vitamin D) do tăng phosphat máu.

Hạn chế vận động

Người già hoặc những người mắc các bệnh giảm sức khỏe như bệnh Parkinson, Alzheimer hoặc bệnh tim mạch có thể hạn chế khả năng di chuyển và không được tiếp xúc đủ ánh sáng mặt trời. Vì vậy, người bệnh có thể dẫn đến hạ canxi máu do thiếu hụt vitamin D - một yếu tố quan trọng trong quá trình hấp thụ canxi.

Sử dụng một số loại thuốc

Một số loại thuốc như corticosteroids, dược phẩm chứa Alendronate (dùng để điều trị loãng xương) hoặc các chất ức chế bơm Proton có thể gây ra hạ canxi máu như một tác dụng phụ.

Các thuốc này có thể ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ hoặc sử dụng canxi trong cơ thể dẫn đến sự giảm thiểu của nồng độ canxi máu.

Nguyên nhân khác

Các nguyên nhân khác của hạ canxi máu bao gồm

  • Viêm tụy cấp (khi các sản phẩm phân hủy mỡ được giải phóng từ tụy viêm sẽ gắn với canxi)
  • Hội chứng đói xương. 
  • Tăng phosphat máu. 
  • Giảm protein máu. 
  • Truyền gadolinium. 
  • Thiếu hụt magie. 
  • Sốc nhiễm khuẩn.
  • Truyền máu > 10 đơn vị máu chống đông citrat.
  • Sử dụng các tác nhân điều khiển phóng xạ có chứa chất chelat ion hóa trị hai là EDTA - ethylenediaminetetraacetate.

Hạ canxi máu gây ra nhiều biến chứng và ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Vì vậy khi thấy bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ cần tiến hành xử trí hạ canxi máu kịp thời, tránh những biến chứng không mong muốn có thể xảy ra khi gặp tình trạng này.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết