Chụp PET/CT có hại không?

Nhóm tác giả: Thảo Hoàng,
Thảo Hoàng
Product Manager (Quản lý Sản phẩm) tại BookingCare Hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế
Phương Nguyễn,
Phương Nguyễn
Content Writer (Sáng tạo nội dung) Hơn 5 năm kinh nghiệm biên tập nội dung về Y tế, Chăm sóc sức khỏe
Dung Phan
Dung Phan
Content Writer Hơn 2 năm kinh nghiệm sáng tạo nội dung trong lĩnh vực y tế
- Người kiểm duyệt: Chương Nguyễn
Chương Nguyễn
Thành viên sáng lập BookingCare 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế sức khoẻ
- Cố vấn y khoa: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng,
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng
Nguyên Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai Gần 40 năm kinh nghiệm về chuyên khoa Nội, Nội Cơ xương khớp
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi,
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi
Hiện là Bác sĩ chuyên khoa Chấn thương, chỉnh hình, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức Hơn 5 năm kinh nghiệm khám và điều trị Ngoại khoa
Ts.Bs. Vũ Thái Hà
Ts.Bs. Vũ Thái Hà
Trưởng khoa Khoa nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc - BV Da liễu Trung ương Gần 20 năm kinh nghiệm khám và điều trị
- Xuất bản: 28/11/2016 - Cập nhật lần cuối: 04/07/2022

Bài viết giải đáp thắc cho bệnh nhân và người nhà khi được chỉ định chụp PET/CT hoặc có nhu cầu kiểm tra sức khỏe bằng PET/CT

Chụp PET/CT có hại không?
Chụp PET/CT giúp phát hiện và chẩn đoán một số bệnh chính xác (Ảnh minh họa)
Chụp PET/CT là một trong những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh cao cấp nhất hiện đang được ứng dụng trong y tế. Chụp PET/CT mang lại kết quả chính xác, độ tin cậy cao trong chẩn đoán các bệnh lý quan trọng như ung thư, thần kinh, tim mạch.

Chính vì những lợi ích to lớn mà PET/CT mang lại, nhiều người muốn tìm hiểu để đăng ký chụp, nhất là những người muốn tầm soát sớm bệnh ung thư. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu chụp PET/CT có an toàn không, có rủi ro gì về sức khỏe sau khi chụp PET/CT không? 

Trong bài này, chúng tôi sẽ cùng với bạn đọc tiếp cận vấn đề theo 2 góc nhìn như sau:

  1. Vấn đề an toàn trong kỹ thuật chụp PET/CT.
  2. Khi nào nên hay không nên chụp PET/CT? Và các giải pháp thay thế.

Chụp PET CT có an toàn không?

Trước hết, chúng ta cần hiểu tổng quan về kỹ thuật chụp PET/CT để mang ra phân tích.

Bạn đọc có thể đọc thêm trong bài Chụp PET CT là gì? để hiểu rõ hơn, chúng tôi xin trích 1 đoạn:

Kỹ thuật chụp PET/CT là gì?

PET/CT là sự kết hợp của 2 phương pháp PET và CT. 

PET (Positron Emission Tomography – ghi hình cắt lớp positron) cung cấp thông tin về chức năng của các cơ quan trong cơ thể

CT (Computed Tomography - chụp cắt lớp vi tính) cung cấp các hình ảnh về giải phẫu và cấu trúc cơ thể.
PET/CT là sự kết hợp của 2 phương pháp PET và CT (ảnh minh họa)

Để đánh giá mức độ an toàn (hay rủi ro) của kỹ thuật chụp PET/CT chúng ta cần đánh giá trên từng kỹ thuật riêng rẽ PETCT.

1. Rủi ro có thể có khi chụp PET (ghi hình cắt lớp positron)

Trước khi chụp PET (hoặc PET/CT) bệnh nhân được tiêm một liều lượng nhỏ dược chất phóng xạ 18F-FDG vào cơ thể.

Vì vậy rủi ro ở đây là việc bệnh nhân tiếp xúc với phóng xạ trong khi chụp PET (hoặc PET/CT).

Tuy nhiên, một liều lượng nhỏ phóng xạ được được sử dụng nên rủi ro nhiễm xạ là rất thấp so với lợi ích mà chụp PET (hay PET/CT) mang lại (sẽ nói rõ trong phần sau của bài viết).

Kỹ thuật Y học hạt nhân (sử dụng dược chất phóng xạ) đã được sử dụng trong hơn 5 thập kỷ qua nhưng không ghi nhận tác dụng phụ lâu dài nào bởi tiếp xúc phóng xạ ở liều lượng thấp như vậy. (Theo chúng tôi, 50 năm có thể cũng chưa đủ dài để có được thông tin đầy đủ, vì thế vẫn nên cân nhắc về lợi ích mà chụp PET mang lại).

Như vậy rủi ro khi chụp PET là có, nhưng ở mức độ chấp nhận được. Bệnh nhân chụp thì nên lưu ý đến một số điểm sau:

  • Có thể dị ứng nhẹ với dược chất phóng xạ nhưng hiếm khi xảy ra.
  • Khi tiêm dược chất phóng xạ có thể gây đau đỏ nhưng nhanh chóng mất đi.
  • Rất thận trọng với phụ nữ có thai, dự định có thai và cho con bú.

2. Rủi ro có thể có khi chụp CT (Cắt lớp vi tính)

Tiếp xúc bức xạ tia X

Chụp Cắt lớp vi tính CT-Scanner sử dụng tia X quét lên một khu vực của cơ thể để đánh giá cấu trúc và giải phẫu. Do vậy, bệnh nhân tiếp xúc với bức xạ tia X. Lượng bức xạ tia X của chụp cắt lớp vi tính CT-Scan là lớn hơn trong chụp X.Quang thường quy.

Việc tiếp xúc với bức xạ tia X ở một liều lượng nhất định có rủi ro liên quan tới bệnh ung thư. Tuy nhiên, liều lượng sử dụng trong y học được tính toán ở mức thấp hợp lý để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.

Chụp CT rất thận trọng với phụ nữ có thai và cho con bú nhằm tránh bức xạ ảnh hưởng đến thai nhi. Bác sĩ rất cân nhắc chỉ định chụp CT hoặc lựa chọn phương án an toàn hơn như siêu âm, cộng hưởng từ nhằm tránh phơi nhiễm bức xạ.

Bạn có thể tải xuống tài liệu về bức xạ tia X với phụ nữ có thai: https://goo.gl/gKQHl2

Phản ứng với thuốc cản quang

Trong một số trường hợp, bệnh nhân cần tiêm thuốc cản quang có thể gây dị ứng hoặc phản ứng phụ. Hầu hết phản ứng là nhẹ như gây phát ban hoặc ngứa. Rất hiếm xảy ra trường hợp phản ứng dị ứng nghiêm trọng.

Để đảm bảo an toàn, bệnh nhân cần thông báo với bác sĩ nếu có vấn đề sau:

  • Cơ địa dị ứng thuốc
  • Tiền sử bệnh tim mạch
  • Bệnh hen suyễn
  • Bệnh tiểu đường
  • Bệnh thận hoặc rối loạn tuyến giáp

3. Tổng kết rủi ro khi chụp PET/CT

Như vậy, rủi ro có thể có khi chụp PET/CT là sự tổng hợp của cả hai phương pháp PET và CT như trình bày trên. Hai rủi ro chính là phơi nhiễm phóng xạ và phơi nhiễm tia X.

Tuy nhiên, liều lượng phơi nhiễm đã được các nhà sản xuất thiết bị cân nhắc sử dụng ở mức thấp để giảm thiểu sự ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Rủi ro nếu có là nhỏ so với lợi ích mà kỹ thuật PET/CT mang lại trong hỗ trợ chẩn đoán và điều trị bệnh nhân.

Có nên chụp PET/CT hay không và giải pháp thay thế

Chúng ta có thể khảo sát 3 trường hợp bệnh nhân có nhu cầu chụp PET/CT bên dưới đây, để xem xét nên hay không nên chụp.

Trường hợp 1: Bệnh nhân ung thư được chỉ định chụp PET/CT

Với những bệnh nhân ung thư, được bác sĩ chỉ định tiến hành chụp PET/CT nhằm một trong những mục đích:

  1. Tìm vị trí tổn thương ung thư nguyên phát ở các bệnh nhân đã có di căn.
  2. Chẩn đoán giai đoạn ung thư, quyết định thái độ xử trí.
  3. Đánh giá chính xác hiệu quả của quá trình điều trị ung thư (hóa trị, xạ trị).
  4. Phát hiện triệt để các tổn thương ung thư còn lại hay tái phát sau điều trị.
  5. Định hướng cho xạ trị, đảm bảo hiệu quả cao nhất đồng thời hạn chế tối đa các tổn thương cho mô lành lân cận.

Lời khuyên: Nên chụp

Nếu loại trừ yếu tố về chi phí chụp PET/CT (giá chụp cao từ 22-25 triệu đồng) hoặc bệnh nhân có bảo hiểm y tế chi trả (xem giá tại các đơn vị chụp PET/CT ở Hà Nội),thì với những bệnh nhân trên đây, lợi ích của việc chụp PET/CT mang lại là rất lớn so với rủi ro mà nó có thể mang lại.

Trường hợp 2: Người khỏe mạnh bình thường

Những người khỏe mạnh bình thường chỉ vì nghe thông tin về những lợi ích lớn của chụp PET/CT như một phép màu, muốn chụp để kiểm tra sức khỏe và tầm soát ung thư sớm.

Lời khuyên: Không nên chụp. 

Vì những rủi ro như nêu trên và chi phí để chụp PET/CT là lớn.

Giải pháp thay thế là người dân nên lựa chọn các phương pháp thăm khám sức khỏe và tầm soát ưng thư an toàn và tiết kiệm hơn như: xét nghiệm máu, siêu âm, nội soi tiêu hóa, chụp cộng hưởng từ, chụp vú và các xét nghiệm tầm soát ưng thư đặc hiệu cho từng loại bệnh ưng thư (tầm soát ung cổ tử cung, tầm soát ung thư vú, tầm soát ưng thư tuyến giáp, tầm soát ung thư dạ dày, tầm soát ung thư phổi…).

Trường hợp 3: Người có nghi ngờ ung thư hoặc có nguy cơ cao

Những người đang có nghi ngờ bị ung thư, hoặc là đối tượng có nguy cơ ung thư cao muốn tìm hiểu chụp PET/CT để chẩn đoán bệnh.

Lời khuyên: Cần được tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa.

Một thông tin bổ sung là: Dù bệnh nhân có tự nguyện đăng ký chụp PET/CT thì vẫn chưa được chụp ngay. Bệnh nhân sẽ được yêu cầu gặp cán bộ y tế để được thăm khám và tư vấn kỹ lưỡng trước khi quyết định.

Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân được bác sĩ khuyên tiến hành các phương pháp thăm khám khác an toàn và tiết kiệm hơn như trình bày ở trên (trường hợp 2). 

Đối với những bệnh nhân thần kinh hay tim mạch, việc chụp PET/CT hay không cũng cần được bác sĩ thăm khám và tư vấn kỹ lưỡng.

Đặt lịch chụp PET/CT

Chụp PET/CT có những tác dụng phụ nhất định và được chỉ định thận trọng cho các đối tượng bệnh nhân. Tuy nhiên, do ứng dụng quan trọng, nhất là cho bệnh nhân ung thư, nên hiện nay chụp PET/CT thường xuyên ở tình trạng quá tải. Ngoài ra, người bệnh có nhu cầu tìm hiểu, được tư vấn và chụp PET/CT ngày càng cao. Do hạn chế về số đơn vị chụp PET/CT nên hiện nay bệnh nhân thường chờ nhiều ngày mới đến lượt.

Nếu có nhu cầu tư vấn và chụp PET/CT, bệnh nhân có thể đặt lịch trước tại đây để được hỗ trợ sắp xếp, tư vấn.

 

Tới đây bạn đọc đã có thêm đã có thêm thông tin về mức độ an toàn cũng như các trường hợp nên sử dụng kỹ thuật PET/CT. Tuy nhiên thông tin trên không phải là tài liệu y khoa mà chỉ nhằm mục đích tham khảo. Không tự ý sử dụng để thay thế việc thăm khám và tư vấn của bác sĩ chuyên khoa. 

Xem thêm: Video - Quy trình chụp PET/CT

  • Thời lượng: 04:35

Đọc thêm:

 
 
Tài liệu tham khảo
1. http://www.radiologyinfo.org/en/submenu.cfm?pg=ctscan
2. http://www.radiologyinfo.org/en/info.cfm?pg=PET
3. http://www.dieutri.vn/motsoxetnghiem/22-2-2012/S2041/Chup-cat-lop-vi-tinh-CT-scan.htm
Lưu ý khi sử dụng

Nội dung trong bài chỉ mang tính tham khảo, bệnh nhân không nên tự ý điều trị mà cần phải tham khảo thêm lời khuyên của bác sĩ. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trong các bài viết gây ra.

Đội ngũ BookingCare
Góp ý về bài viết

Chúng tôi rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của bạn đọc và các nhà chuyên môn về nội dung bài viết này.

Danh mục cẩm nang

Trợ lý AI

© 2024 BookingCare.
TiktokFacebook/Youtube/