Học viện Tai mũi họng Hoa Kỳ cảnh báo không nên loại bỏ ráy tai trừ khi nó gây ra vấn đề. Cùng BookingCare giải đáp thắc mắc có nên lấy ráy tai không và vì sao trong bài viết dưới đây.
Ráy tai là gì?
Ráy tai là thành phần tự nhiên sinh ra trong ống tai, đây là hỗn hợp của tế bào biểu mô chết, chất tiết từ tuyến bã nhờn, tuyến mồ hôi, lông tóc và các dị vật. Có tác dụng bôi trơn, chống thấm nước, bảo vệ lớp niêm mạc nhạy cảm của ống tai, bảo vệ màng nhĩ ngoài ra còn giúp diệt vi khuẩn và nấm bảo vệ tai tránh khỏi viêm nhiễm.
Sinh lý bình thường ống tai tự có cơ chế làm sạch. Dưới tác động của không khí ráy tai tự khắc đẩy ra khi hàm nhai hoặc nói.
Có cần thiết lấy ráy tai thường xuyên?
Trên thực tế câu trả lời là không cần thiết phải lấy ráy tai thường xuyên. Ráy tai như một bộ phận bảo vệ tại cửa ngõ của tai. Đôi khi “dọn sạch sẽ” ống tai làm mất đi lớp bảo vệ có lợi.
Hơn nữa việc tự lấy ráy tai tại nhà có thể làm thụt sâu ráy tai vào trong hơn vào sát màng nhĩ, gây tổn thương ống tai, chọc thủng màng nhĩ, nguy cơ nhiễm khuẩn.
Việc lấy ráy tai nên được thực hiện tại các cơ sở bệnh viện và phòng khám chuyên khoa tai mũi họng để đảm bảo an toàn cho tai.
Khi nào cần lấy ráy tai?
Trong trường hợp ráy tai quá nhiều bít tắc ống tai hay còn gọi là nút ráy tai gây cảm giác khó chịu như ù tai, nghe kém, đau tai, ngứa tai nhiều hoặc nút ráy tai gây viêm nhiễm thì cần vệ sinh và lấy ráy tai.
Đối với những người cơ địa ráy tai ướt, lấy ráy tai lại là việc cần thiết, tuy nhiên cần ra lấy tại các phòng khám chuyên khoa tai mũi họng, không tự ý lấy tại nhà và quán gội đầu cắt tóc vì có thể lây nhiễm chéo do dùng chung dụng cụ. Các bác sĩ khuyên rằng nên đi kiểm tra tai và lấy ráy tai nếu cần từ 3-6 tháng tại các phòng khám chuyên khoa tai mũi họng.
Tìm hiểu về ráy tai và tác hại của việc lấy ráy tai là một cách giúp chấm dứt thói quen ngoáy tai thường xuyên. Hãy thận trọng khi có ý định đưa vật lạ vào tai và đừng cố gắng loại bỏ ráy tai, thay vào đó hãy tìm hiểu cách vệ sinh tai an toàn.
Tóm lại, ráy tai là thành phần có lợi, không nên lấy ráy tai thường xuyên. Trong trường hợp ráy nhiều gây khó chịu hãy tìm gặp bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng, họ sẽ giúp lấy ráy tai an toàn tránh các biến chứng cho tai.