Hiểu đúng về cách lấy ráy tai và cách vệ sinh tai
Tự lấy ráy tai có thể gây biến chứng nguy hiểm cho tai
Tự lấy ráy tai có thể gây biến chứng nguy hiểm cho tai - Ảnh: BookingCare

Hiểu đúng về cách lấy ráy tai và cách vệ sinh tai

Tác giả: - Xuất bản: 04/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 04/12/2023
Lấy ráy việc làm thường xuyên được thực hiện tại nhiều gia đình như một cách vệ sinh cá nhân hằng ngày. Hành động này xuất phát từ việc mọi người chưa hiểu đúng về cách lấy ráy tai và cách vệ sinh tai.

Theo các bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng việc lấy ráy tai thường xuyên là không nên, hành động có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho tai. BookingCare sẽ giúp bạn đọc hiểu đúng về ráy tai và cách vệ sinh tai trong bài viết dưới đây.

Hiểu đúng về cách lấy ráy tai và vệ sinh tai

Ráy tai là thành phần có lợi

Với nhiều người thứ chất vàng có trong tai được coi như một chất bẩn và cần được dọn dẹp sạch sẽ mà không biết rằng ráy tai lại là một thành phần có nhiều tác dụng.

Ráy tai là thành phần tự nhiên sinh ra trong ống tai, đây là hỗn hợp của acid béo, alcohols, cholesterol, tế bào biểu mô chết, chất tiết từ tuyến bã nhờn, tuyến mồ hôi, lông tóc và các dị vật, tiết ra ở ống tai ngoài.

Ráy tai giữ vai trò như “ người gác cổng”, chắn giữ ở cửa tai. Ráy tai là một cơ chế bảo vệ tự nhiên của con người khỏi sự xâm nhập của bụi, dị vật, côn trùng, có tác dụng bôi trơn, chống thấm nước, bảo vệ lớp niêm mạc nhạy cảm của ống tai, bảo vệ màng nhĩ ngoài ra còn giúp diệt vi khuẩn và nấm, giúp tai tránh khỏi viêm nhiễm.

Cơ chế tự làm sạch của ống tai

Theo sinh lý bình thường, ráy tai sẽ tự bị đẩy ra khi nhai hoặc cử động khớp hàm, hệ thống lông trong ống tai chuyển động giúp đẩy ráy từ sâu trong tai ra ngoài mang theo các chất bụi bẩn và cặn bã. Sau đó nó khô thành cục rồi tự rơi ra ngoài. Ngoáy tai dù ít hay nhiều cũng có thể gây hại đến quá trình tự làm sạch này.

Biến chứng của việc lấy ráy tai không đúng cách

Việc thường xuyên tự lấy ráy tai hoặc lấy ráy tai tại tiệm cắt tóc gội đầu có thể gây hại cho tai. Một vài biến chứng như:

  • Dùng tăm bông càng làm ráy tai vào sát màng nhĩ hơn.
  • Ngoáy tai thường xuyên gây xây xước thành ống tai, là nguyên nhân thường gặp dẫn tới bệnh viêm tai ngoài.
  • Dùng các dụng cụ không đảm bảo vệ sinh là phương tiện truyền dẫn vi khuẩn, đặc biệt là nhiễm nấm do lấy ráy tai tại tiệm cắt tóc.
  • Chấn thương màng nhĩ.
  • Một vài gia đình còn có thói quen cho nước vào tai để lấy ráy dễ dàng, điều này có thể khiến cơ thể kích thích nhiệt (ví dụ, chóng mặt, nhịp tim chậm, buồn nôn), xảy ra nếu nước rửa tai không ấm bằng nhiệt độ cơ thể.

Khi nào cần lấy ráy tai

Bình thường ráy tai là thành phần có lợi, tuy nhiên trong một vài trường hợp ráy tai được sản xuất quá nhiều, tạo nút ráy tai gây ảnh hưởng đến chức năng nghe hoặc gây ù tai, đau tai, khi đó cần vệ sinh tai và lấy ráy tai tại các cơ sở chuyên khoa Tai mũi họng.

Đối với những người cơ địa ráy tai ướt, lấy ráy tai lại là việc cần thiết, tuy nhiên cần ra lấy tại các phòng khám chuyên khoa tai mũi họng, không tự ý lấy tại nhà. Các bác sĩ khuyên rằng nên đi kiểm tra tai và lấy ráy tai nếu cần từ 3-6 tháng tại các phòng khám chuyên khoa.

Phương pháp lấy ráy tai

Đầu tiên các bác sĩ sẽ thăm khám để kiểm tra tình trạng ráy tai. Sau đó dùng các dụng cụ chuyên dụng, vô khuẩn giúp lấy ráy dưới máy nội soi, hoặc loa tai.

Trong một vài trường hợp ráy tai quá khô và cứng, để giảm đau các bác sĩ có thể sử dụng các chất làm tan ráy tai (ví dụ: natri docusat, natri bicarbonat 5% đến 10%, hydro peroxide 3%, carbamide peroxide 6,5%, triethanolamine, dầu ô liu).

Một biện pháp nữa được nhắc đến là bơm nước: nước hoặc nước muối vô trùng ở nhiệt độ cơ thể hoặc cao hơn một chút được dùng bơm vào ống tai. Tuy nhiên những phương pháp này cần được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng và cần theo dõi người bệnh sau khi thực hiện.

Cách vệ sinh tai an toàn

Nếu chưa thể đến gặp bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng, có thể tham khảo các cách vệ sinh tai an toàn. Bỏ túi các lưu ý sau để giúp bảo vệ tai:

  • Vệ sinh ống tai và cửa tai nhẹ nhàng bằng tăm bông, có thể nhúng tăm bông vào nước muối sinh lý để làm mềm ráy, dễ lấy hơn. 
  • Không sử dụng các dụng cụ sắc nhọn đưa vào tai, hãy thận trọng khi có ý định đưa hay nhỏ bất kỳ thứ gì vào tai.
  • Không cố gắng lấy bằng hết ráy tai, hoặc đưa tăm bông vào quá sâu.
  • Không nhất thiết phải thường xuyên ngoáy và lấy ráy tai.
  • Đối với các bạn nhỏ sơ sinh ráy tai có thể tiết nhiều hơn, bố mẹ đừng lo lắng, vệ sinh tai một cách nhẹ nhàng hoặc nên đưa con ra phòng khám để các bác sĩ lấy và tư vấn cách vệ sinh an toàn cho bé.
  • Sau khi lấy ráy tai nếu có bất thường như chảy máu, đau tai hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế.

Trên thực tế nhiều người có cảm giác ngứa tai và có nhu cầu muốn lấy bỏ ráy tai. Nhưng việc này có thể gây hại nhiều cho tai. Các bác sĩ cũng khuyên rằng không cần lấy ráy tai thường xuyên. Hiểu đúng về cách lấy ráy tai và cách vệ sinh tai để tránh biến chứng không đáng có cho tai.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết