Có nên nạo V.A cho trẻ không?

Nhóm tác giả: Thảo Hoàng,
Thảo Hoàng
Product Manager (Quản lý Sản phẩm) tại BookingCare Hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế
Phương Nguyễn,
Phương Nguyễn
Content Writer (Sáng tạo nội dung) Hơn 5 năm kinh nghiệm biên tập nội dung về Y tế, Chăm sóc sức khỏe
Dung Phan
Dung Phan
Content Writer Hơn 2 năm kinh nghiệm sáng tạo nội dung trong lĩnh vực y tế
- Người kiểm duyệt: Chương Nguyễn
Chương Nguyễn
Thành viên sáng lập BookingCare 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế sức khoẻ
- Cố vấn y khoa: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng,
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng
Nguyên Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai Gần 40 năm kinh nghiệm về chuyên khoa Nội, Nội Cơ xương khớp
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi,
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi
Hiện là Bác sĩ chuyên khoa Chấn thương, chỉnh hình, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức Hơn 5 năm kinh nghiệm khám và điều trị Ngoại khoa
Ts.Bs. Vũ Thái Hà
Ts.Bs. Vũ Thái Hà
Trưởng khoa Khoa nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc - BV Da liễu Trung ương Gần 20 năm kinh nghiệm khám và điều trị
- Xuất bản: 16/11/2018 - Cập nhật lần cuối: 04/07/2022

Không một tài liệu hay kinh nghiệm nào có thể trả lời chắc chắn là nên hay không nên. Tuy nhiên, cần khuyến cáo phụ huynh không nên vội vàng quyết định cho con nạo V.A.

Bác sĩ khám Tai Mũi Họng cho trẻ
Bác sĩ khám Tai Mũi Họng cho trẻ

“Có nên nạo V.A cho trẻ không” là băn khoăn của rất nhiều bậc phụ huynh. Nạo V.A có nguy hiểm gì không, có giúp thuyên giảm tình trạng bệnh không? Để giải đáp cho những câu hỏi này, phụ huynh hãy theo dõi nội dung chia sẻ dưới đây.

Nếu bạn đang thực sự quan tâm về vấn đề này, hãy dành thời gian đọc thật kỹ. Đây là một bài viết dài, với mong muốn đưa ra những kiến thức hữu ích nhất, đúng trọng tâm nhất để phụ huynh hiểu rõ hơn về nạo V.A.

Không một tài liệu hay kinh nghiệm nào có thể trả lời chắc chắn là nên hay không nên. Tuy nhiên, cần khuyến cáo phụ huynh không nên vội vàng quyết định cho con nạo V.A, nạo V.A sẽ có ưu điểm và nhược điểm nhất định.

Do vậy, nếu sau khi thăm khám, bác sĩ có chỉ định nạo V.A thì phụ huynh nên hỏi rõ bác sĩ về tình trạng của con, nếu không nạo thì có ảnh hưởng gì, nạo thì có nguy cơ gì không. Nếu cẩn thận hơn nữa thì bố mẹ nên cho con khám thêm với một bác sĩ khác nữa để cân nhắc xem có nên nạo V.A hay không.

V.A có quan trọng không?

Bình thường V.A chỉ dày khoảng 2 - 3mm, không gây cản trở hô hấp. V.A phát triển từ 6 tháng tuổi, phát triển mạnh lúc 2 - 5 tuổi, từ 9 -10 tuổi V.A teo dần và chỉ còn dấu vết ở tuổi dậy thì. Tuy nhiên, ở một số người do V.A viêm kéo dài, quá phát nên vẫn còn tồn tại đến tuổi trưởng thành.

Nhiệm vụ của V.A là nhận biết và định dạng các yếu tố gây bệnh xâm nhập cơ thể và giúp cơ thể sản xuất các kháng nguyên bảo vệ cơ thể, nhưng nó cũng thường xuyên bị tấn công và trở thành nơi cư trú của vi khuẩn gây bệnh. Một số người cho rằng V.A có chức năng bảo vệ cơ thể và không nên nạo đi ngay cả khi nó bị viêm nặng. Đó thực sự là những quan niệm sai lầm.

Tuy V.A có chức năng như đã nói trên nhưng nó không phải là cơ quan duy nhất làm nhiệm vụ này. Mặt khác, khi V.A bị viêm, viêm tái diễn nhiều lần thì nó không còn khả năng để thực thi nhiệm vụ của mình nữa.

Khi V.A bị viêm quá phát làm bít tắc cửa mũi sau, cản trở đường thở bằng mũi, ứ đọng dịch và mủ ở mũi. Những hiện tượng này gây ra rất nhiều hậu quả tai hại và nhiều biến chứng. Bản thân V.A bị viêm mạn tính còn là nơi trú ngụ lý tưởng của nhiều loại vi khuẩn gây bệnh, để rồi từ đó gây ra các đợt viêm V.A cấp và biến chứng. Do đó, trong trường hợp này nạo V.A là cần thiết.

Thủ thuật nạo V.A như thế nào?

Nạo V.A là một thủ thuật đơn giản, có thể thực hiện dưới gây mê hoặc gây tê tại chỗ, thủ thuật chỉ diễn ra trong vài phút và bệnh nhi có thể về nhà sau đó nửa giờ. Trẻ sau nạo vẫn ăn uống bình thường, không cần kiêng nói.

Nạo V.A là lấy toàn bỏ toàn bộ tổ chức V.A và amidan vòi mà không làm tổn thương thành của vòm mũi họng. Nạo V.A và cắt amidan là 2 ca bệnh phổ biến trong Tai Mũi Họng trẻ em.

Nạo V.A và cắt amidan có thể được thực hiện dưới gây mê hoăc gây tê tại chỗ. Nếu là phẫu thuật gây mê thì ca mổ thường kéo dài 30-60 phút. Nếu gây tê tại chỗ thì chỉ khoảng 10 phút. V.A được cắt bỏ, nạo qua đường miệng nên sẽ không có vết rạch ở mặt hay ở cổ.

Trẻ thoát khỏi gây mê, gây mê có thể có các phản ứng khác nhau. Bé có thể khóc lóc, cuống quýt hay bối rối, thấy khó chịu ở dạ dày hoặc nôn. Những phản ứng này là bình thường và sẽ qua đi khi thuốc gây mê hết tác dụng.

Khi trẻ tỉnh hoàn toàn, có thể đỡ trẻ dậy đi vệ sinh. Trẻ có thể nôn chất dịch đặc màu nâu nếu đã nuốt một ít máu trong và sau nạo V.A. Điều này là bình thường. Nếu trẻ tiếp tục nôn thì cần báo bác sĩ. Bác sĩ sẽ cho xuất viện khi trẻ uống được nước và hành xử bình thường trở lại (thường là sau 1-2 giờ).

Tùy theo tình trạng mà trẻ sẽ được gây tê hoặc gây mê trong quá trình can thiệp (Ảnh: flickr)

Nạo V.A có đau không?

Nạo V.A hiếm khi khiến trẻ đau đớn nhiều hoặc khó nuốt. Thường trẻ nạo V.A có thể đi học trở lại sau 1-3 ngày. Cắt amidan là phẫu thuật lớn hơn, gây đau đớn và căng thẳng nhiều hơn cho cơ thể, cần khoảng 2 tuần để cơ thể phục hồi hoàn toàn và trẻ trở lại bình thường.

Trong ngày đầu tiên sau gây mê, trẻ có thể chuếnh choáng đôi chút và có thể buồn nôn hoặc nôn do gây mê. Ngay khi có thể, hãy cho trẻ uống các loại nước trong hoặc dùng thức ăn lỏng. Cho trẻ uống nhiều nước để đề phòng tình trạng thiếu nước, vốn hay xảy ra sau mổ, rất nguy hiểm và làm tăng tình trạng đau của trẻ. Sau khi uống đồ lỏng không bị nôn thì có thể chuyển sang thức ăn đặc và dần dần chuyển về chế độ ăn bình thường.

Trẻ có thể chảy nước dãi, kêu đau ở miệng, những điều này là bình thường sau phẫu thuật. Trẻ cũng thường cảm thấy đau hay khó chịu ở vùng tai trong thời gian lành bệnh. Trẻ nạo VA sẽ không bị đau đớn khi nuốt, trái lại trẻ cắt amidan thường thấy đau ở họng hoặc đau khi nuốt. Hãy khuyến khích trẻ thường xuyên nhấp một chút nước, dù động tác này có gây đau.

Xem thêm:

Khi nào nên nạo V.A?

Tất nhiên,không phải trường hợp nào cũng cần nạo V.A. Viêm V.A không biến chứng ở trẻ em là quá trình có lợi cho cơ thể vì giúp hình thành miễn dịch, chúng chỉ trở thành bệnh lý khi tái phát thường xuyên hoặc có biến chứng, nhất là biến chứng viêm tai giữa.

Để tránh lạm dụng, quyết định nạo V.A cần được thực hiện đúng quy trình, bởi các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng. Dựa trên kết quả thăm khám lâm sàng và nội soi, bác sĩ sẽ cân nhắc kỹ lưỡng trước khi chỉ định phẫu thuật. Ngay cả trường hợp trẻ có đầy đủ tiêu chí phẫu thuật, một số bác sĩ vẫn khuyên gia đình loại bỏ hoàn toàn sữa và các chế phẩm sữa (sữa tươi, sữa công thức, sữa chua, pho mát…) ra khỏi chế độ ăn của trẻ và theo dõi trong vòng ít nhất 1 tháng. Nếu tình trạng bệnh không thuyên giảm thì mới tiến hành can thiệp. 

Nạo V.A sẽ chỉ được bác sĩ tai mũi họng đề cập sau quá trình bệnh lý kéo dài, bao gồm viêm V.A mạn tính tái đi tái lại nhiều lần, gây biến chứng gần và xa; VA phì đại khiến trẻ phải thở bằng miệng, nghẹt mũi, ngủ ngáy, ngủ không yên giấc, ngừng thở khi ngủ…

Trên thực tế, ngay cả khi bác sĩ đã cân nhắc kỹ và chỉ định nạo V.A cho trẻ vì không có lựa chọn nào khác, một số phụ huynh vẫn tỏ ra quá dè dặt, nhất quyết không cho con phẫu thuật vì e ngại khả năng miễn dịch của trẻ giảm sút nhiều sau can thiệp. Cần hiểu rằng V.A và amidan bị viêm nhiễm kéo dài và quá phát chẳng những không thể duy trì chức năng miễn dịch của mình mà còn dẫn tới nhiều rắc rối như:

  • Viêm VA và amidan có thể lớn đến mức gây cản trở việc thở của trẻ, khiến trẻ phải thở miệng, ngủ ngáy và thậm chí ngừng thở khi ngủ. Thiếu oxy não thường xuyên sẽ ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển thể chất và trí tuệ, khả năng học tập cũng như hành vi của trẻ.
  • VA quá lớn cũng ảnh hưởng tới khứu giác và vị giác của các bé.
  • VA phì đại có thể gây bít tắc vòi tai, dẫn tới nhiễm trùng tai, giảm thính lực và ảnh hưởng tới phát triển ngôn ngữ.
  • VA phì đại có thể khiến dịch nhầy tích tụ trong các xoang hoặc gây viêm xoang tái phát.
  • Ngoài ra, VA và amidan bị viêm thường xuyên sẽ là nơi trú ngụ của các vi khuẩn gây bệnh, từ đó chúng có thể tấn công các cơ quan khác như mũi họng, xoang, tai, thanh khí phế quản, tim, thận…
Sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ đưa lời khuyên cho phụ huynh có nên nạo V.A cho con không 

Nạo V.A có nguy hiểm gì không?

Vì mỗi cá nhân có đáp ứng khác nhau với phẫu thuật, phản ứng với gây mê và lành thương của các trẻ cũng khác nhau nên rất khó dự đoán chắc chắn kết quả phẫu thuật và các biến chứng tiềm ẩn.

Phần lớn các biến chứng này rất hiếm khi xảy ra nhưng chúng đã từng xảy ra tại một thời điểm nào đó, dưới bàn tay của những phẫu thuật viên kinh nghiệm, trong điều kiện chăm sóc y tế chuẩn mực. Vì vậy gia đình và bác sĩ cần cân nhắc kỹ để so sánh những nguy cơ tiềm ẩn với lợi ích của phẫu thuật trước khi đưa ra quyết định mổ.

  • Nhiễm trùng, mất nước, đau kéo dài và/hoặc liền thương chậm: bệnh nhân phải nhập viện lại dể truyền dịch và kiểm soát đau.
  • Chảy máu: Trong một số rất ít trường hợp, bệnh nhân chảy máu nhiều, phải truyền máu hay chế phẩm máu.
  • Sau nạo V.A, một số trẻ bị thay đổi giọng vì có quá nhiều không khí thoát ra đằng mũi. Một số trẻ bị thoát đồ ăn lỏng hoặc đặc qua mũi khi ăn. Những thay đổi này thường là tạm thời. Nếu chúng tồn tại dai dẳng 4-6 tuần thì cần thông báo với bác sĩ. Một số trẻ có thể thay đổi giọng vĩnh viễn (hiếm gặp).
  • V.A có thể phát triển lại, nhất là ở trẻ nhỏ.

Kết luận

1. Nạo V.A không phải là thủ thuật phức tạp, đây là một trong những ca thường quy của Tai Mũi Họng.

2. Thường không gây nguy hiểm hay biến chứng sau nạo V.A.

3. Không nên lạm dụng, quyết định nạo V.A mà chưa tìm hiểu kỹ. Nên tham khảo ý kiến của vài bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng để được tư vấn cụ thể nhất.

4. Không nên vì lo trẻ suy giảm khả năng miễn dịch mà không nạo V.A cho trẻ. Nhiều trường hợp V.A phì đại ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thì cần được xử lý sớm. Trên thực tế, VA chỉ có chức năng giới hạn và không phải là cơ quan duy nhất, giúp cơ thể tạo nên miễn dịch. Mặt khác, khi VA bị viêm quá phát sẽ làm bít tắc cửa mũi sau, gây cản trở trẻ thở bằng mũi, khả năng tạo nên miễn dịch cũng bị hạn chế.

Hy vọng với những điều chia sẻ trên đây, phụ huynh có thể phần nào hiểu thêm về nạo V.A cũng như ra quyết định cho trẻ nạo V.A thời điểm này có phải là hợp lý hay không.

Xem thêm:

 
 
Tài liệu tham khảo
1. https://suckhoedoisong.vn/viem-va-khi-nao-can-nao-n88748.html
2. https://suckhoedoisong.vn/co-nen-nao-va-n100039.html
3. http://benhviennhitrunguong.org.vn/khi-nao-can-nao-va-hoac-cat-amidan-cho-tre.html
4. http://benhviennhitrunguong.org.vn/cham-soc-tre-phau-thuat-nao-va-cat-amidan.html
Lưu ý khi sử dụng

Nội dung trong bài chỉ mang tính tham khảo, bệnh nhân không nên tự ý điều trị mà cần phải tham khảo thêm lời khuyên của bác sĩ. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trong các bài viết gây ra.

Đội ngũ BookingCare
Góp ý về bài viết

Chúng tôi rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của bạn đọc và các nhà chuyên môn về nội dung bài viết này.

Danh mục cẩm nang

Trợ lý AI

© 2024 BookingCare.
TiktokFacebook/Youtube/