Sỏi tiết niệu là tình trạng mà các hạt khoáng chất tích tụ lại và tạo thành sỏi trong niệu đạo, bàng quang, thận hoặc niệu quản, ảnh hưởng không chỉ đến sinh hoạt mà cả sức khỏe của người bệnh. Tìm hiểu về các phương pháp điều trị sỏi tiết niệu phù hợp với từng đối tượng bệnh nhân trong bài viết dưới đây từ BookingCare.
Điều trị nội khoa
Phương pháp điều trị nội khoa thường được chỉ định cho người mắc bệnh sỏi tiết niệu với kích thước nhỏ (dưới 5mm). Người bệnh sẽ cần sử dụng thuốc giãn cơ trơn, tăng cường vận động và uống nhiều nước nhằm đẩy sỏi ra ngoài.
Trường hợp bệnh nhân mắc sỏi tiết niệu có kích thước sỏi lớn nhưng không thể điều trị ngoại khoa do mắc các bệnh lý nền thì cũng sẽ được chỉ định điều trị nội khoa bằng các loại thuốc như: thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ niệu quản và thuốc làm mòn sỏi.
Điều trị ngoại khoa
Với bệnh nhân mắc sỏi tiết niệu có kích thước lớn, không thể tự đào thải qua đường tiểu, sẽ cần phải sử dụng đến các biện pháp điều trị ngoại khoa để loại bỏ sỏi ra khỏi cơ thể. Cụ thể, những phương pháp này bao gồm:
- Tán sỏi ngoài cơ thể: phương pháp này sử dụng sóng xung kích tần số lớn nhằm phá vỡ sỏi. Đây là phương pháp tán sỏi sử dụng công nghệ cao, ít xâm lấn, do đó, người bệnh sẽ không cảm thấy đau đớn hay khó chịu. Tán sỏi ngoài cơ thể được áp dụng cho người bệnh có kích thước sỏi dưới 15 mm, sỏi niệu quản ở vị trí 3 trên sát bể thận và dưới 1cm, chức năng thận tốt, lưu thông niệu quản tốt.
- Tán sỏi nội soi ngược dòng bằng ống bán cứng: thường áp dụng cho trường hợp sỏi niệu quản ở 1/3 dưới và 1/3 giữa. Phương pháp này tán sỏi bằng sử dụng laser, sóng siêu âm để tán rồi hút sỏi ra ngoài thông qua một ống nội soi đi ngược từ lỗ tiểu lên niệu đạo và niệu quản.Ưu điểm của phương pháp này là không để lại vết mổ, ít đau, hồi phục sớm sau mổ, có thể xuất viện trong ngày
- Tán sỏi nội soi qua da: được áp dụng cho trường hợp bệnh nhân có các loại sỏi san hô, sỏi thận kích thước lớn hơn 15mm hoặc ở vị trí 1/3 trên niệu quản có kèm dị dạng đường tiết niệu. Với phương pháp này, bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ trên da ở hông lưng để đưa máy nội soi vào bên trong vị trí thận có chứa sỏi để để đưa máy nội soi vào bên trong vị trí thận có chứa sỏi đển tiến hành tán và hút sỏi ra ngoài.
- Phẫu thuật lấy sỏi: trường hợp sỏi có kích thước quá lớn hoặc không thể sử dụng các phương pháp khác để loại bỏ sỏi sẽ cần phải tiến hành phẫu thuật để gắp sỏi ra ngoài.
Chăm sóc người bệnh mắc sỏi tiết niệu sau khi điều trị ngoại khoa
Sau khi điều trị sỏi tiết niệu bằng phương pháp ngoại khoa, chăm sóc người bệnh mắc sỏi tiết niệu là một yếu tố quan trọng để đảm bảo sự phục hồi và ngăn ngừa tái phát. Người bệnh nên thực hiện theo các biện pháp sau đây:
- Uống nhiều nước: Người bệnh cần uống đủ nước, ít nhất 2-2,5 lít nước mỗi ngày để giúp cơ thể đào thải các chất cặn bã, ngăn ngừa hình thành sỏi mới
- Ăn uống khoa học: Người bệnh cần xây dựng chế độ ăn uống khoa học, hạn chế các thực phẩm có nguy cơ cao gây sỏi như:
- Thực phẩm giàu oxalat: rau bina, cải xoăn, cà chua, khoai tây,...
- Thực phẩm giàu purine: thịt đỏ, nội tạng động vật,...
- Thực phẩm giàu natri: đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn,...
- Tập thể dục thường xuyên: Người bệnh cần tập thể dục thường xuyên với cường độ phù hợp để tăng cường sức khỏe, giảm nguy cơ tái phát sỏi, tránh vận động quá mạnh
- Khám sức khỏe định kỳ: Người bệnh cần khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề bất thường, ngăn ngừa tái phát sỏi.
Việc điều trị sỏi tiết niệu đòi hỏi sự chăm sóc và can thiệp y tế kỹ lưỡng để ngăn chặn biến chứng của sỏi tiết niệu và giảm bớt cơn đau cho bệnh nhân. Nếu phát hiện bản thân hoặc người thân có các dấu hiệu của sỏi tiết niệu, hãy đến gặp các bác sĩ chuyên khoa Thận - Tiết niệu để có phương hướng điều trị hiệu quả nhất.