Coi chừng 6 biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường tuýp 1
6 biến chứng bệnh tiểu đường tuýp 1
6 biến chứng bệnh tiểu đường tuýp 1 - Ảnh: BookingCare

Coi chừng 6 biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường tuýp 1

Tác giả: - Xuất bản: 08/08/2023 - Cập nhật lần cuối: 06/12/2023
Biến chứng của tiểu đường tuýp 1 có thể thầm lặng gây ra các biến chứng mãn tính hoặc đột ngột có những biểu hiện cấp tính nguy hiểm. Nhận biết các biến chứng của bệnh và có biện pháp xử lý kịp thời thông qua bài viết sau đây.

Theo thời gian, nếu tiểu đường tuýp 1 không được kiểm soát đúng cách, sẽ tiến triển thành các biến chứng làm ảnh hưởng đến các cơ quan chính trong cơ thể (bao gồm tim, mạch máu, dây thần kinh, mắt và thận). Cùng với việc kiểm soát tốt đường huyết, thường xuyên theo dõi để nhận biết sớm các biến chứng tiểu đường cũng rất cần thiết để bảo đảm sức khỏe của người bệnh.

Các biến chứng mãn tính

Biến chứng thần kinh

Biến chứng thần kinh khá phổ biến ở bệnh nhân đái tháo đường, khoảng 60-70% bệnh nhân có biến chứng này. Biến chứng thần kinh hiếm khi gây tử vong nhưng lại là thủ phạm chính gây tàn phế và là nguyên nhân hàng đầu gây cắt cụt chân ở bệnh nhân đái tháo đường. 

Có 2 cơ chế chính gây tổn thương thần kinh là (1) Nồng độ đường trong máu quá cao làm tổn thương các mao mạch máu nuôi các dây thần kinh, đặc biệt là ở chân và (2) đường máu cao còn sinh ra các sản phẩm chuyển hóa gây độc cho dây thần kinh. Những người đái tháo đường lâu, tuổi cao, hút thuốc lá,... dễ biến chứng thần kinh hơn

Dây thần kinh bị tổn thương khiến bàn chân bị mất cảm giác, do đó, nếu một lý do nào đó khiến chân bị thương, người bệnh sẽ không hề hay biết, do đó, rất dễ dẫn đến viêm loét, nhiễm trùng, trường hợp nặng còn sẽ bị hoạt tử.

Tổn thương dây thần kinh còn ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và gây ra các triệu chứng như buồn nôn, nôn, tiêu chảy hoặc táo bón. Với nam giới, còn có thể xuất hiện tình trạng rối loạn cương dương.

Biến chứng tim mạch

Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc một số vấn đề về tim và mạch máu. Ước tính có khoảng 70-80% bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng tim mạch và biến chứng này là thủ phạm gây tử vong ở khoảng 80% bệnh nhân và làm giảm tuổi thọ từ 5-10 năm.

Các biến chứng tim mạch phổ biến bao gồm bệnh động mạch vành với các triệu chứng khó thở, đau thắt ngực; bệnh hẹp động mạch (xơ vữa động mạch) và huyết áp cao. Trường hợp nặng còn có thể ngất xỉu, đột quỵ và liệt nửa người.

Các biến chứng về tim mạch ở người bệnh tiểu đường tuýp 1 thường không có biểu hiện rõ ràng. Vì vậy, người mắc tiểu đường tuýp 1 cần chủ động kiểm tra sức khỏe tim mạch định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị biến chứng kịp thời, tránh trường hợp nguy hiểm xảy ra.

Biến chứng về mắt

Đường huyết tăng cao dễ làm tổn thương tới các mạch máu ở vùng võng mạc gây ra các biểu hiện như: mờ mắt, nổi nốt, trường hợp còn có thể làm mất thị lực đột ngột, xảy ra mù lòa. 

Ngoài bệnh võng mạc, tiểu đường tuýp 1 còn dẫn đến các biến chứng về mắt khác, bao gồm đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp.

Biến chứng về thận

Hệ thống thận có hàng triệu mạch máu nhỏ có vai trò lọc máu cho cơ thể. Tuy nhiên, đường huyết cao ở bệnh tiểu đường tuýp 1 có thể làm tổn thương hệ thống này.  Tổn thương nghiêm trọng có thể dẫn đến suy thận hoặc bệnh thận giai đoạn cuối không thể hồi phục. Bệnh thận giai đoạn cuối cần được điều trị bằng lọc thận cơ học hoặc ghép thận.

Một số các triệu chứng người bệnh tiểu đường tuýp 1 có thể gặp phải khi gặp biến chứng về thận:

  • Phù
  • Mất ngủ, đau đầu, giảm trí nhớ
  • Cảm thấy mệt mỏi, chán ăn
  • Đi tiểu nhiều lần, nước tiểu có hiện tượng sủi bọt
  • Tăng huyết áp
  •  

Nếu nhận thấy cơ thể có những biểu hiện trên, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị hợp lý.

Các biến chứng cấp tính

Hạ đường huyết cấp tính

Nếu lượng đường huyết bất kỳ của cơ thể giảm xuống dưới 70 mg/dL (hay 3,9 mmol/L) thì sẽ được coi là hạ đường huyết. Ở người bệnh tiểu đường tuýp 1, do sử dụng insulin quá liều hoặc ăn quá ít, lạm dụng rượu bia,... khiến đường máu xuống thấp. 

Các triệu chứng của hạ đường huyết cấp tính như: tim đập nhanh, đổ nhiều mồ hôi, hồi hộp, đau đầu, nói chuyện lắp bắp, buồn nôn, choáng, mắt mờ, không có khả năng tập trung, mất ý thức, co giật… Trường hợp hạ đường huyết cấp tính và đột ngột có thể gây hôn mê, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Nhiễm toan ceton

Nhiễm toan ceton thường xảy ra khi nồng độ glucose trong máu quá cao nhưng người bệnh tiểu đường không thể tiết ra insulin hoặc không bổ sung insulin kịp thời để chuyển hóa glucose thành năng lượng. Khi đó, cơ thể buộc phải phân giải các chất béo dự trữ trong cơ thể để bổ sung năng lượng thay thế là các thể ceton có tính axit. Khi lượng axit này quá nhiều gây toan hoá máu, ức chế não bộ và các cơ quan. Khi lượng axit này quá nhiều gây toan hoá máu, ức chế não bộ và các cơ quan. Quá trình này vô tình gây nên sự tích tụ axit dư thừa trong cơ thể, gọi là ceton.

Người bệnh tiểu đường tuýp 1 khi nhiễm toan ceton sẽ có biểu hiện: khó thở, không thể tập trung, đau đầu, đau bụng, hơi thở mùi trái cây,... Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời người bệnh có thể sẽ gặp phải tình trạng nghiêm trọng như: phù não, hôn mê, ngưng tim và tử vong.

Biến chứng tiểu đường tuýp 1 diễn biến rất nhanh và trong một số trường hợp thường rất khó nhận biết. Người bệnh tiểu đường cần tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ trong việc thay đổi lối sống cũng như sử dụng đúng liều lượng insulin vào đúng thời điểm để ngăn chặn phát triển bệnh thành các biến chứng.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết