Công nghệ Thermage và những điều cần biết
Công nghệ Thermage và những điều cần biết
Tìm hiểu các vấn đề xung quanh công nghệ Thermage
Công nghệ Thermage mang lại hiệu quả trẻ hóa làn da - Ảnh:BookingCare

Công nghệ Thermage và những điều cần biết

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 13/04/2024 | Cập nhật lần cuối: 15/04/2024
Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, các công nghệ thẩm mỹ da không xâm lấn ngày càng được sử dụng rộng rãi và nâng cao. Thermage là một phương pháp thẩm mỹ không xâm lấn đã được cơ quan FDA của Mỹ chứng nhận về hiệu quả làm mờ nếp nhăn và chăm sóc da. Vậy công nghệ Thermage là gì?

Theo thời gian cùng với sự lão hóa của cơ thể, da cũng bị lão khóa và chảy xệ, từ đó dẫn đến nhu cầu trẻ hóa, làm mờ nếp nhăn và săn chắc da. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể chịu đựng được phẫu thuật căng da và có thời gian nghỉ ngơi sau phẫu thuật. Vì vậy liệu pháp làm săn chắc da không xâm lấn được coi là lựa chọn hàng đầu. Trong đó công nghệ Thermage là liệu pháp thẩm mỹ không xâm lấn đã được chứng minh lâm sàng đem đến làn da mịn màng, trẻ trung.

Cùng BookingCare tìm hiểu về công nghệ Thermage qua bài viết dưới đây.

Công nghệ Thermage là gì? Cơ chế hoạt động

Công nghệ Thermage là liệu pháp sử dụng công nghệ sóng tần số vô tuyến (RF) điện dung đơn cực, không xâm lấn, có thể giúp làm mịn, săn chắc và tạo đường nét cho làn da để có vẻ ngoài trẻ trung tổng thể. 

Cơ chế hoạt động của Thermage:

  • Khi chúng ta già đi, collagen giữ cho da săn chắc bị phá vỡ, từ đó khiến cho da chảy xệ và nhiều nếp nhăn. Thermage sử dụng công nghệ tần số vô tuyến điện dung RF để làm nóng các lớp sâu, giàu collagen của da, đồng thời đầu nhiệt sẽ rung và làm mát bề mặt giúp người bệnh cảm thấy thoải mái. 
  • Nhiệt tác dụng sẽ tách các phân tử nước ra khỏi collagen dạng sợi, khiến cho các sợi collagen bị biến tính và co lại ngay lập tức. Sự co thắt toàn bộ lớp biểu bì dẫn đến hiệu quả căng và săn chắc da. Sự co thắt vách ngăn sợi dẫn đến tái tạo đường nét thẩm mỹ trẻ trung. 
  • Trong vài tháng tiếp theo, đáp ứng thứ phát tiếp tục diễn ra khi collagen lắng đọng và tái tạo. Sự tăng trưởng collagen mới làm da săn chắc hơn nữa theo thời gian. Quá trình tăng sinh collagen bắt đầu từ ngày thứ 4 và kéo dài tới 3 tháng. Do đó sau điều trị tại mô da, hệ thống collagen mới được phát huy tác dụng thời gian lên tới 1 - 2 năm.

Ưu điểm, hạn chế của công nghệ Thermage

Giống như bất kỳ các thủ thuật y tế khác, liệu pháp Thermage cũng có những ưu điểm và nhược điểm nhất định. Bạn nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ, chuyên gia thẩm mỹ trước khi sử dụng bất cứ phương pháp làm đẹp nào.

Ưu điểm của công nghệ Thermage

Ra mắt vào năm 2006, công nghệ Thermage đã mang lại hiệu quả vượt trội cho người sử dụng với những ưu điểm sau:

  • Thời gian điều trị ngắn trong khoảng 30 - 90 phút tùy vị trí.
  • Thermage là liệu pháp không xâm lấn, không tiêm chích, không để lại sẹo.
  • Không giống như nhiều quy trình thẩm mỹ đòi hỏi nhiều buổi điều trị, hầu hết bệnh nhân có thể thấy kết quả ngay lập tức và cải thiện dần dần trong hai đến sáu tháng sau một đợt điều trị duy nhất. Kết quả này tiếp tục được cải thiện theo thời gian và  có thể kéo dài trong 1 - 2 năm tùy thuộc vào tình trạng da và quá trình lão hóa của bạn.
  • Hệ thống làm lạnh trước, trong và sau khi phát xung, an toàn và làm cho bạn cảm thấy dễ chịu hơn khi thực hiện.
  • Hầu hết bệnh nhân trở lại hoạt động thường ngày ngay sau khi điều trị, không mất thời gian nghỉ dưỡng. Không cần chăm sóc đặc biệt sau đó, ngoài việc dưỡng da cơ bản và bôi kem chống nắng phổ rộng như một phần của chế độ chăm sóc da thông thường.

Hình ảnh trước (bên phải) - sau (bên trái) điều trị Thermage - Ảnh:Thermage

Hạn chế của công nghệ Thermage

Trong và sau quá trình thực hiện bạn có thể gặp các tác dụng phụ sau:

  • Trong quá trình điều trị: đau nhẹ đến trung bình.
  • Sau khi điều trị có thể xuất hiện: sưng nhẹ, phù nề, ban đỏ hoặc nhợt nhạt, mày đay, bầm tím, mụn nước, vết bỏng, bong vảy hoặc sẹo, vết lõm trên da, ngứa ran, cục u hoặc nốt sần, thay đổi sắc tố, các trường hợp tái hoạt động hiếm gặp của virus herpes simplex ở vùng da quanh miệng và bộ phận sinh dục.

Nhìn chung những tác dụng phụ của Thermage thường giảm hoặc biến mất trong vòng 24 giờ. Nếu kéo dài hơn 24 giờ bạn cần đến bác sĩ để thăm khám và điều trị kịp thời.

Những trường hợp nào nên, không nên thực hiện công nghệ Thermage

Thermage điều trị không xâm lấn được chỉ định trong các trường hợp sau:  

Bệnh nhân và khách hàng có tình trạng da chảy xệ, nếp nhăn lão hóa ở mức độ nhẹ và trung bình. Đối tượng có thể sử dụng công nghệ này thường từ 30 đến 60 tuổi với cơ mặt chảy xệ nhưng không muốn thực hiện nâng cơ. Công nghệ Thermage được chỉ định điều trị các vùng:

  • Nếp nhăn quanh mắt bao gồm cả mí trên và mí dưới
  • Nâng chân mày và trán
  • Da chùng nhão, chảy xệ khuôn mặt, rãnh mũi má sâu
  • Nọng cằm
  • Nếp nhăn sau sinh, sau giảm cân vùng cơ thể
  • Da sần vỏ cam vùng bụng, đùi…
  • Giảm đau nhức cơ bắp, giảm co thắt cơ, lưu thông máu
  • Sau thực hiện các thủ thuật như phẫu thuật căng da, laser, tiêm filler (ngoại trừ silicone) và tiêm botox

Những trường hợp nào không nên thực hiện công nghệ này

  • Những bệnh nhân có máy tạo nhịp tim cấy ghép, máy khử rung tim/máy khử rung tim cấy ghép tự động (AICD) hoặc bất kỳ thiết bị điện cấy ghép nào khác, vì các thiết bị này có thể bị ảnh hưởng bất lợi bởi tần số vô tuyến ( RF) trường hoặc dòng điện.
  • Công nghệ Thermage đã được nghiên cứu là không mang lại lợi ích đáng kể cho những bệnh nhân béo phì hay có tình trạng da thừa da quá mức.
  • Cần thận trọng trong các trường hợp Ở những người đang mang thai và/hoặc đang cho con bú, bị tiểu đường, mắc bệnh tự miễn dịch như lupus, bị mụn rộp, mắc bệnh mụn rộp đơn giản hoặc bị động kinh. Ở những người có hình xăm hoặc tuổi còn quá nhỏ.

Hình ảnh trước (bên phải) - sau (bên trái) điều trị Thermage - Ảnh:Thermage

Các bước tác động của Thermage

Trước khi thực hiện liệu pháp, bạn cần được sự thăm khám và tư vấn từ bác sĩ hoặc chuyên gia thẩm mỹ để hiểu rõ các ưu nhược điểm cũng như cơ chế hoạt động của liệu pháp. Sau khi được vệ sinh khuôn mặt, tiến trình tác động trên da của công nghệ Thermage bao gồm:

  1. Tiếp xúc đầu típ điều trị lên bề mặt da
  2. Đầu típ điều trị bắt đầu rung (nếu chọn chế độ rung), khí cryogen làm mát và bảo vệ lớp thượng bì
  3. Nhiệt phát ra và xâm nhập sâu vào mô da, vẫn tiếp tục rung
  4. Lớp thượng bì nhận 3 lần phát ra khí lạnh cryogen, nhiệt đưa sâu vào mô da và tiếp tục rung
  5. Cryogen được phát ra lần cuối để làm mát lớp thượng bì. Rung kết thúc

Những lưu ý khi thực hiện Thermage

  • Điều trị mí mắt trên hoặc dưới, hoặc trong vành ổ mắt, cần sử dụng tấm chắn mắt NHỰA, KHÔNG sử dụng tấm chắn kim loại.
  • Không sử dụng chế độ rung khi điều trị vùng mặt xung quanh vùng mắt trong khi đang sử dụng tấm che mắt bằng nhựa. Rung có thể làm dịch chuyển tấm chắn mắt dẫn đến tăng nguy cơ trầy xước giác mạc hoặc tổn thương mắt.

Công nghệ tần số vô tuyến Thermage là một phương pháp an toàn và hiệu quả đối với tình trạng mô lỏng lẻo ở vùng quanh ổ mắt, rãnh mũi má, các nếp nhăn, cũng như khả năng làm săn chắc vùng bụng, mông và đùi. Mặc dù đối với tình trạng chảy xệ nặng Thermage không cải thiện được quá nhiều như phẫu thuật nhưng đây lại là một phương pháp tiết kiệm được thời gian và tránh được những rủi ro liên quan đến phẫu thuật.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare