Cong vẹo cột sống ở trẻ: Những điều ba mẹ cần biết
Cong vẹo cột sống ở trẻ: Những điều ba mẹ cần biết
Cong vẹo cột sống ở trẻ: Những điều ba mẹ cần biết
Cong vẹo cột sống ở trẻ: Những điều ba mẹ cần biết - Ảnh: BookingCare

Cong vẹo cột sống ở trẻ: Những điều ba mẹ cần biết

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 23/11/2023 | Cập nhật lần cuối: 04/12/2023
Một trong các bệnh lý Cơ Xương Khớp phổ biến xảy ra ở trẻ nhỏ là cong vẹo cột sống. Bệnh lý này không chỉ gây những thay đổi bất thường về vóc dáng của trẻ mà còn ảnh hưởng đến sinh hoạt của trẻ. Ba mẹ nên nắm được các thông tin cơ bản về bệnh để phòng ngừa, can thiệp từ sớm.

Cột sống cong vẹo là một vấn đề thường gặp ở trẻ nhỏ, chiếm từ 0,5 đến 1% dân số, gây ra không ít lo lắng cho các bậc phụ huynh. Việc hiểu rõ về tình trạng này và biết cách giải quyết sẽ giúp ba mẹ bảo vệ cột sống cho trẻ. Bài viết này sẽ cung cấp đầy đủ thông tin về bệnh cong vẹo cột sống ở trẻ từ nguyên nhân, triệu chứng đển các phương pháp điều trị, phòng ngừa.

Nguyên nhân gây cong vẹo cột sống ở trẻ

Bệnh lý cong vẹo cột sống khá phổ biến ở trẻ em, đăc biệt là ở lứa tuổi dậy thì (8-15 tuổi). Ở độ tuổi này, khung xương cũng như cột sống của trẻ phát triển rất nhanh, nhưng đồng thời, cũng rất dễ bị biến dạng.

Nguyên nhân gây cong vẹo cột sống của trẻ có thể được chia thành 3 nhóm sau:

  1. Do bẩm sinh: Một số trẻ khi còn đang trong bụng mẹ hoặc sinh ra đã bị biến dạng cột sống như tật nửa thân đốt sống, dính đốt sống... gây nên vẹo cột sống
  2. Do thói quen sinh hoạt: Trẻ có thói quen ngồi học không đúng tư thế, bàn ghế học không đạt chuẩn, đeo cặp sách nặng lệch về một bên,... cũng khiến trẻ dễ mắc bệnh cong vẹo cột sống
  3. Không rõ nguyên nhân: Trường hợp này, không xác định được chính xác nguyên nhân gây cong vẹo cột sống ở trẻ

Biểu hiện trẻ bị cong vẹo cột sống

Cha mẹ nên để ý những biểu hiện sau ở trẻ bởi vì đây là những dấu hiệu trẻ đang bị cong vẹo cột sống:

  • Vai cao vai thấp, hai vai dốc không đều
  • Xương bả vai nhô ra, bên cao bên thấp, khoảng cách từ 2 mỏm xương bả vai đến gai đốt sống không bằng nhau
  • Hai mào chậu không cân đối, bên thấp bên cao. Trường hợp này có thể do chân dài chân ngắn, dẫn đến lệch trọng tâm cơ thể và vẹo cột sống do tư thế
  • Cột sống có thể cong vẹo sang một bên hoặc uốn ra phía trước, gây ra gù lưng so với trục giải phẫu bình thường của cột sống
  • Khi trẻ cúi xuống, đánh dấu các điểm dọc theo đốt sống sẽ thấy các điểm này không nằm trên một đường thẳng, mà bị lệch sang phải hoặc sang trái

Phương pháp chẩn đoán sớm cong vẹo cột sống ở trẻ

Để chẩn đoán chính xác bệnh cong vẹo cột sống ở trẻ cần phải tiến hành các bước sau:

  • Khám lâm sàng:

Các bác sĩ sẽ đặt các câu hỏi liên quan đến tình trạng bệnh mà trẻ đang gặp phải, chẳng hạn như: phát hiện trẻ có dấu hiệu cong vẹo cột sống từ bao giờ? đã điều trị những gì? ở đâu? Thói quen sinh hoạt, học tập, các bệnh lý liên quan…

Sau đó, các bác sĩ sẽ quan sát các triệu chứng thực thể ở trẻ, bao gồm xương bả vai, vùng lưng, xương và khung chậu,,.. Nếu cần thiết, các bác sĩ cũng sẽ tiến hành các bài kiểm tra liên quan như thử sức cơ bằng tay, làm một số nghiệm pháp

  • Xét nghiệm cận lâm sàng

Để xác định chính xác vị trí và đoạn cong của cột sống, các bác sĩ sẽ chỉ định cho trẻ chụp X-quang. Chụp phim X quang cột sống thẳng và cột sống nghiêng nhằm đánh giá sự cong vẹo của cột sống, cũng như đánh giá tuổi xương và các dị tật bẩm sinh liên quan đến vùng cột sống. 

Khi cần thiết bác sĩ sẽ đề nghị chụp EOS toàn bộ cột sống và cả hai chi dưới để khảo sát các biến dạng trục cột sống và 2 chi dưới trong không gian ba chiều.

Điều trị cong vẹo cột sống ở trẻ

Nguyên tắc điều trị cong vẹo cột sống ở trẻ:

  • Can thiệp sớm giúp tăng khả năng điều chỉnh và sửa chữa các biến dạng vùng cột sống, khung chậu, lồng ngực
  • Hướng dẫn phụ huynh cách tập luyện phục hồi chức năng cho trẻ tại nhà
  • Khám định kỳ 3-6 tháng một lần

Mục tiêu điều trị cong vẹo cột sống ở trẻ:

  • Cải thiện các biến dạng ở vùng cột sống, khung chậu và lồng ngực
  • Tăng cường và duy trì khả năng vận động của cột sống.
  • Ngăn ngừa sự phát triển của các biến dạng và các bệnh phát sinh ở hệ vận động, hệ hô hấp, hệ tim mạch…

Các phương pháp điều trị bệnh cong vẹo cột sống ở trẻ

  • Nẹp cột sống

Phương pháp nẹp cột sống giúp nắn chỉnh cột sống của trẻ trở về trạng thái tự nhiên thông qua một dụng cụ giống chiếc đai nẹp đeo ở phần lưng. Phương pháp này phù hợp với trẻ trai < 18 tuổi và trẻ gái < 17 tuổi, không được sử dụng cho trẻ đã trường thành  > 22- 25 tuổi.

Trẻ vừa sử dụng vừa cần đến khám các bác sĩ chuyên khoa Cơ Xương Khớp định kỳ 3 tháng khám một lần, 6 tháng chụp X-quang một lần.

  • Phẫu thuật chỉnh hình

Trường hợp trẻ bị cong vẹo cột sống mức độ nặng không thể mặc áo nẹp cột sống, có thể sẽ cần can thiệp phẫu thuật chỉnh hình. Tuy nhiên, ở Việt Nam chỉ có một số ít bệnh viện và trung tâm phẫu thuật chỉnh hình có thể tiến hành phẫu thuật và chi phí khá đắt đỏ.

Phòng ngừa cong vẹo cột sống ở trẻ 

Để tránh trường hợp trẻ mắc bệnh cong vẹo cột sống từ sớm, cha mẹ cần rèn luyện trẻ thực hiện những thói quen sau:

  • Đeo cặp trên hai vai: Trẻ nên đeo cặp trên hai vai để phân bố trọng lượng đồ đạc đồng đều và tránh tạo áp lực không cần thiết lên một bên cột sống
  • Chọn bàn ghế phù hợp: Bàn ghế trong trường học cần vững chắc và phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Điều này giúp trẻ ngồi đúng tư thế và tránh tạo áp lực không cần thiết lên cột sống
  • Tư thế ngồi học đúng: Trẻ cần ngồi học ngay ngắn, không cúi đầu quá thấp và không vẹo sang trái hoặc sang phải khi đang ngồi học. Điều này giúp duy trì đúng tư thế cột sống và tránh tạo áp lực không cần thiết lên cột sống
  • Đảm bảo chỗ ngồi học đủ ánh sáng: Chỗ ngồi học của trẻ cần đủ ánh sáng để tránh căng mắt và giữ tư thế ngồi đúng
  • Lao động và tập luyện cân đối: Trẻ cần tham gia vào hoạt động vận động và tập luyện thường xuyên để phát triển cơ bắp và xương chắc khỏe. Tuy nhiên, cần đảm bảo rằng hoạt động và tập luyện phù hợp với sức khỏe và lứa tuổi của trẻ
  • Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý: Chế độ dinh dưỡng cân đối và đủ chất dinh dưỡng là rất quan trọng để phát triển xương và cơ bắp khỏe mạnh. Trẻ cần được cung cấp đủ canxi, vitamin D và các chất dinh dưỡng khác thông qua chế độ ăn uống hợp lý

Hy vọng với những thông tin trong bài viết đã giúp các bậc phụ huynh hiểu rõ hơn về căn bệnh cong vẹo cột sống ở trẻ. Điều quan trọng nhất để phòng ngừa và kiểm soát được bệnh là cần thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ cho con, giúp phát hiện sớm các bệnh lý liên quan đến xương khớp và đưa ra các biện pháp phòng chống kịp thời. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết