Tổng hợp các nguyên nhân gây cong vẹo cột sống
Nguyên nhân gây cong vẹo cột sống
Nguyên nhân gây cong vẹo cột sống - Ảnh: BookingCare

Tổng hợp các nguyên nhân gây cong vẹo cột sống

Tác giả: - Xuất bản: 20/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 25/12/2023
Nguyên nhân gây ra cong vẹo cột sống có thể do bẩm sinh, do bệnh lý cơ xương khớp hoặc do thói quen sinh hoạt hàng ngày gây ra, đặc biệt, còn phụ thuộc vào đối tượng mắc bệnh.

Cong vẹo cột sống có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, ở bất kỳ độ tuổi nào, bao gồm trẻ mới sinh, trẻ vị thành niên hay cả người trưởng thành. Với mỗi đối tượng, nguyên nhân gây ra bệnh cong vẹo cột sống lại khác nhau, cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây từ BookingCare.

Nguyên nhân gây cong vẹo cột sống bẩm sinh

Với những đứa trẻ từ khi sinh ra đã mắc chứng cong vẹo cột sống, có hai nguyên nhân gây ra là do di truyền hoặc bị ảnh hưởng trong quá trình mang thai.

Cong vẹo cột sống có thể được di truyền từ thế hệ cha mẹ sang con cái. Nếu một trong hai cha mẹ mắc vẹo cột sống, tỷ lệ con cái mắc bệnh sẽ cao hơn so với dân số bình thường. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp vẹo cột sống đều có yếu tố di truyền.

Ngoài ra, còn một số yếu tố ảnh hưởng trong quá trình mang thai dẫn đến cong vẹo cột sống bẩm sinh như:

  • Bào thai phát triển quá nhanh, không kịp thích ứng với cơ thể người mẹ, bị chèn ép gây ra cong vẹo cột sống
  • Người mẹ tiếp xúc với hóa chất, thuốc, thực phẩm độc hại có nguy cơ gây dị tật đến thai nhi
  • Ngôi thai không dịch chuyển hoặc bào thai bị tác động mạnh trong quá trình mang thai
  • Cổ tử cung hẹp lúc sinh chèn ép cột sống của trẻ
  • Cấu tạo xương sống bất thường bẩm sinh
  • Cấu tạo não và tủy sống bất thường

Nguyên nhân gây cong vẹo cột sống ở trẻ vị thành niên

Cong vẹo cột sống là một bệnh lý Cơ Xương Khớp khá phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là trẻ em từ 10-15 tuổi. Nguyên nhân dẫn đến bệnh lý này có nguy cơ phát triển nhiều ở đối tượng trẻ em là do:

  • Trẻ nhỏ được cho tập đứng, tập đi quá sớm hoặc tập sai cách 
  • Trẻ bị cong vẹo cột sống do thiếu bàn ghế ngồi học, kích thước bàn ghế không phù hợp với lứa tuổi, sự sắp xếp không đúng cách, trẻ ngồi học ở nơi thiếu ánh sáng…
  • Lao động quá sớm, tư thế lao động bị gò bó như gánh, vác, đội, cõng hoặc bế nách em nhỏ, đeo cặp sách quá nặng so với tuổi và không đều hai bên vai.
  • Trẻ nghiêng vẹo trong quá trình học tập, rèn luyện, sinh hoạt, lao động (ví dụ như trẻ phải nghiêng người về chỗ có ánh sáng do thiếu ánh sáng).
  • Do bệnh về cơ, còi xương, suy dinh dưỡng, tai nạn.
  • Đa số trẻ dưới 3 tuổi bị vẹo cột sống bẩm sinh hay liên quan đến các bệnh lý khác đều khó điều trị và tiên lượng nặng hơn. Khoảng 20% trẻ vẹo cột sống ở độ tuổi thiếu nhi (từ 3 – 10 tuổi) có nguyên nhân từ các bệnh lý khác kèm theo, phần lớn chưa tìm ra nguyên nhân.
  • Sau 10 tuổi, đa số trẻ vẹo cột sống vô căn diễn biến nặng cho đến tuổi trưởng thành. Tuổi càng nhỏ, nguyên nhân bệnh lý kèm theo càng nhiều, càng khó điều trị. Bệnh nhân đến khám càng muộn, vẹo cột sống càng nặng thì phẫu thuật điều trị càng nguy hiểm.

Nguyên nhân gây cong vẹo cột sống  ở người trưởng thành

Cong vẹo cột sống ở người trưởng thành có thể là do vô căn hoặc do thoái hóa:

  • Nguyên nhân vô cănVẹo cột sống ở người trưởng thành có thể là là quá trình tiếp diễn của bệnh từ thời thanh thiếu niên. Có nhiều trường hợp độ cong của cột sống thay đổi khi còn nhỏ và tiến triển nặng thêm khi người bệnh trưởng thành mà không rõ lí do.
  • Vẹo cột sống do thoái hóa còn gọi là vẹo cột sống mới khởi phát. Bệnh nhân mắc bệnh ở tuổi trưởng thành do tình trạng thoái hóa cột sống, đĩa đệm và viêm khớp mặt sống và sụp lún các đốt sống. Cơn đau do bệnh thoái hóa khiến bệnh nhân phải thay đổi dáng đứng, ngồi cho phù hợp, lâu dần gây ảnh hưởng cấu trúc và mấu khớp ban đầu, gây ra cong vẹo cột sống.
  • Ngoài ra, một số bệnh lý nội khoa về xương khớp như viêm cột sống dính khớp, viêm khớp dạng thấp và chấn thương cũng có thể gây nên cong vẹo cột sống

Trên đây là tổng hợp các nguyên nhân gây cong vẹo cột sống phổ biến nhất. Để phòng ngừa và điều trị tình trạng này, việc duy trì tư thế ngồi đúng, tập thể dục đều đặn và tránh các yếu tố gây căng thẳng cho cột sống là rất quan trọng. Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào liên quan đến cong vẹo cột sống, hãy tìm kiếm sự tư vấn từ các bác sĩ Cơ Xương Khớp để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết