Đánh trống ngực - Dấu hiệu không nên bỏ qua

Xuất bản: 03/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 20/03/2024
Đánh trống ngực là cảm giác chủ quan về nhịp tim
Đánh trống ngực là cảm giác chủ quan về nhịp tim - Ảnh: BookingCare
Đánh trống ngực là cảm giác của cơ thể về nhịp tim. Thường được mô tả là cảm giác hồi hộp, tim đập nhanh hoặc cảm giác bỏ nhịp. Nếu hiện tượng  xảy ra ngay cả khi không hoạt động quá sức, hay xúc động, đánh trống ngực khi đó là dấu hiệu không nên bỏ qua.

Đánh trống ngực có thể xảy ra khi không có bệnh tim mạch, hoặc có thể do các nguyên nhân tim mạch nguy hiểm đe dọa tính mạng. Đánh trống ngực có thể xảy ra ở bất kỳ ai và là một trong những lý do phổ biến nhất khiến mọi người đến gặp bác sĩ tim mạch. Giải đáp nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa đánh trống ngực trong bài viết dưới đây.

Đánh trống ngực là gì?

Bình thường nhịp tim có tần số 60-90 nhịp/phút và đều ở người trưởng thành khỏe mạnh. Đánh trống ngực là cảm giác chủ quan từ người bệnh, là cảm giác tim đập nhanh, mạnh hơn bình thường, cảm giác tim đập thình thịch như cảm giác hồi hộp, có thể nhận thấy hụt nhịp. Triệu chứng đánh trống ngực có thể xảy ra ngay cả khi nghỉ ngơi.

Nguyên nhân đánh trống ngực

Đánh trống ngực là triệu chứng phổ biến nhưng không đặc hiệu, nó có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe. Một số nguyên nhân thường gặp gây ra triệu chứng đánh trống ngực như là:

  • Nguyên nhân đến từ các bệnh lý tim mạch:
    • Rối loạn nhịp tim: Ngoại tâm thu, rung nhĩ, nhịp nhanh kích phát, bệnh lý nút xoang…
    • Bệnh lý động mạch vành.
    • Các bệnh lý van tim: bất kỳ bệnh lý van tim nào như hẹp hoặc hở đều có thể ảnh hưởng đến nhịp tim.
    • Bệnh lý tại cơ tim: hội chứng Brugada, bệnh cơ tim thất phải gây loạn nhịp
    • Bệnh tim bẩm sinh.
  • Do các bệnh lý và vấn đề khác ngoài tim mạch:
    • Bệnh lý tuyến giáp: quá nhiều hoặc quá ít lượng hormon tuyến giáp đều có thể gây đánh trống ngực. Triệu chứng đánh trống ngực đặc biệt hay gặp ở những người mắc Basedow.
    • U tuỷ thượng thận.
    • Rối loạn lo âu, phản ứng cảm xúc mạnh mẽ, chẳng hạn như căng thẳng, lo lắng hoặc hoảng loạn, trầm cảm.
    • Thay đổi nội tiết trong phụ nữ mang thai, phụ nữ tiền mãn kinh.
    • Sốt
  • Các rối loạn: bao gồm thiếu máu, hạ oxy máu, giảm thể tích tuần hoàn và rối loạn điện giải (ví dụ tình trạng hạ Kali máu do dùng lợi tiểu) có thể gây ra hoặc làm nặng thêm tình trạng đánh trống ngực.
  • Do dùng thuốc và một số loại thực phẩm: thuốc hít trị hen suyễn, thuốc chẹn beta bạn dùng để điều trị huyết áp cao hoặc bệnh tim, thuốc tuyến giáp và thuốc chống loạn nhịp tim.Một số loại thuốc ho/cảm lạnh, bao gồm cả thuốc thông mũi. Một số loại thực phẩm bổ sung cũng có thế gây tăng nhịp.
  • Các chất gây nghiện, tạo cảm giác hưng phấn cũng gây nên tình trạng đánh trống ngực. Rượu, cafein cũng không ngoại lệ.

Khi nào đánh trống ngực cần đi khám?

Thông thường đánh trống ngực thoáng qua và tự hết nếu nguyên nhân do căng thẳng, xúc động, tập thể thao quá sức mà không cần đến sự hỗ trợ.

Thế nhưng khi đánh trống ngực xảy ra đột ngột, thường xuyên mà không chắc chắn về nguyên nhân gây ra, hoặc kèm theo các triệu chứng như là: chóng mặt, mệt lả người, ngất xỉu, mất ý thức, khó thở, đổ mồ hôi quá nhiều, đau ngực, nhịp tim đập nhanh trên 100 nhịp, cần đến khám tại các cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Chẩn đoán và điều trị đánh trống ngực

Đánh trống ngực không phải một bệnh lý cụ thể mà là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau. Việc chẩn đoán đánh trống ngực chủ yếu là tìm ra nguyên nhân gây ra tình trạng đánh trống ngực và điều trị theo bệnh lý gây nên.

Các câu hỏi về tiền sử và diễn biến của triệu chứng đánh trống ngực và các triệu chứng khác kèm theo, là những thông tin mà các bác sĩ cần biết để có thể chẩn đoán bệnh. Bên cạnh quá trình thăm khám trên từng đối tượng người bệnh, các xét nghiệm hỗ trợ cũng được đề xuất như điện tâm đồ, siêu âm tim, xét nghiệm máu…

Để điều trị đánh trống ngực, việc cần thiết đó là tìm nguyên nhân của triệu chứng và điều trị theo nguyên nhân. Tuỳ từng nguyên nhân bệnh lý gây bệnh mà có phác đồ điều trị khác nhau.

Nếu lo lắng hoặc căng thẳng khiến tim bạn đập nhanh, có thể kiểm soát chúng bằng các hoạt động êm dịu như yoga, thiền hoặc bài tập chánh niệm tập trung vào hơi thở. Ngoài ra, cần uống ít cà phê hoặc đồ uống có chứa caffein khác nếu caffeine gây ra tình trạng đánh trống ngực.

Làm thế nào để phòng ngừa tình trạng đánh trống ngực

Đánh trống ngực là triệu chứng không đặc hiệu và có nhiều hơn một vấn đề sức khoẻ có thể gây nên tình trạng này. Tham khảo những lời khuyên dưới đây để phòng ngừa đánh trống ngực:

  • Giảm mức độ căng thẳng bằng các bài tập thở sâu và/hoặc thư giãn, yoga, thái cực quyền, hình ảnh có hướng dẫn hoặc kỹ thuật phản hồi sinh học.
  • Tránh hoặc hạn chế lượng rượu, caffeine trong chế độ ăn uống.
  • Không sử dụng thuốc lá hoặc các sản phẩm chứa nicotin.
  • Tập thể dục một cách thường xuyên.
  • Tránh các thực phẩm và hoạt động gây ra đánh trống ngực.
  • Kiểm soát huyết áp và mức chỉ số mỡ máu.
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt với những người lớn tuổi.
  • Nếu có các bệnh lý tim mạch, hãy duy trì điều trị, trao đổi với bác sĩ ngay khi có vấn đề bất thường.

Đánh trống ngực có thể thoáng qua và tự hết nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo của nhiều bệnh lý. Ngay khi xuất hiện đánh trống ngực mà không chắc chắn về nguyên nhân, hãy đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.