Đau bụng ở trẻ em có thể do nguyên nhân nào?
Nguyên nhân đau bụng ở trẻ em
Nguyên nhân đau bụng ở trẻ em - Ảnh: BookingCare

Đau bụng ở trẻ em có thể do nguyên nhân nào?

Tác giả: - Xuất bản: 02/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 05/03/2024
Những nguyên nhân phổ biến nhất gây đau bụng ở trẻ em được liệt kê trong nội dung bài viết dưới đây.

Đau bụng là một triệu chứng phổ biến ở trẻ em, thường gặp nhiều nhất ở trẻ dưới 12 tuổi. Có nhiều nguyên nhân gây ra đau bụng, có những nguyên nhân gây đau bụng thông thường, cũng có những cơn đau nghiêm trọng cần được điều trị.

1. Phân loại nguyên nhân đau bụng ở trẻ em theo độ tuổi

Nguyên nhân gây đau bụng ở trẻ được chia thành nhiều loại, tuỳ theo độ tuổi, trẻ có thể đau bụng do nhiều nguyên nhân khác nhau:

Trẻ dưới 1 tuổi:

  • Co thắt ruột
  • Viêm dạ dày ruột
  • Táo bón
  • Nhiễm khuẩn tiết niệu
  • Lồng ruột
  • Xoắn ruột
  • Thoát vị bẹn nghẹt
  • Phình đại tràng

Trẻ từ 2- 5 tuổi có thể đau bụng do:

  • Viêm dạ dày ruột
  • Viêm ruột thừa
  • Táo bón
  • Nhiễm khuẩn tiết niệu
  • Lồng ruột
  • Tắc ruột
  • Chấn thương
  • Viêm phổi thùy
  • Đau bụng giun
  • Viêm họng cấp
  • Viêm hạch mạc treo

Trẻ 6-11 tuổi

  • Viêm ruột thừa, viêm phúc mạc(màng bụng)
  • Giun chui ống mật, dị dạng đường mật, viêm đường mật
  • Viêm ruột 
  • Sỏi tiết niệu, nhiễm khuẩn tiết niệu
  • Viêm loét dạ dày tá tràng
  • Táo bón
  • Đau bụng cơ năng
  • Chấn thương
  • Viêm tụy cấp
  • Viêm hạch mạc treo

Nguyên nhân đau bụng trẻ 12-18 tuổi:

  • Viêm ruột thừa
  • Viêm dạ dày tá tràng
  • Táo bón
  • Đau bụng kinh
  • Viêm phần phụ
  • U nang buồng trứng
  • Ứ máu tử cung và âm đạo do màng trinh không có lỗ thông 
  • Vỡ u nang buồng trứng
  • Thai ngoài tử cung

2. Nguyên nhân gây đau bụng thường gặp ở trẻ

Táo bón

Táo bón là tình trạng mà nhiều trẻ gặp phải. Trẻ thường bị đau bụng khi bị táo bón, đặc biệt lúc rặn khi đi tiêu. Nhiều trường hợp táo bón có thể khắc phục tại nhà. Nhưng nếu táo bón kéo dài, trẻ cần được thăm khám và điều trị sớm để tránh gặp phải các biến chứng (chủ yếu tại trực tràng và hậu môn) hoặc tìm nguyên nhân gây táo bón ví dụ như phình đại tràng vô hạch bẩm sinh, u đại tràng, u bên ngoài chèn ép vào ruột…

Viêm dạ dày ruột

Gây ra bởi vi khuẩn hoặc virus, nhiễm trùng này dễ lây lan ở trẻ nhỏ và gây nôn mửa, tiêu chảy, sốt và đau bụng.

Rotavirus là một trong những nguyên nhân phổ biến gây viêm dạ dày ruột nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trẻ lớn hơn có nguy cơ viêm dạ dày ruột do Norovirus gây ra, thường xảy ra vào mùa đông với triệu chứng nôn mửa, tiêu chảy và đau bụng. 

Viêm ruột có thể gây biến chứng nặng như thủng ruột, nhiễm khuẩn huyết…

Viêm ruột do lao và thương hàn còn gây sốt kéo dài, sụt cân…

Đầy hơi

Hơi là sản phẩm của quá trình tiêu hoá. Đầy hơi có thể gây đau bụng ở trẻ sơ sinh, trẻ có thể bị đầy hơi sau khi ăn hoặc khóc. Để giúp loại bỏ hơi cho trẻ, có thể thực hiện kỹ thuật vỗ ợ hơi hoặc cho trẻ nằm sấp.

Trẻ lớn hơn bị đầy hơi có thể do táo bón, không dung nạp lactose hoặc ăn những thực phẩm gây đầy hơi.

Không dung nạp lactose

Trẻ không dung nạp lactose có thể bị đầy hơi, chướng bụng và tiêu chảy sau khi ăn thức ăn hoặc đồ uống có chứa đường lactose. Tình trạng này có thể tạm thời như sau đợt viêm dạ dày ruột hoặc cũng có thể là mãn tính.

Ngộ độc thực phẩm

Ngộ độc thực phẩm có triệu chứng tương tự viêm dạ dày ruột. Với trường hợp nhẹ có thể theo dõi và điều trị tại nhà, nhưng với các triệu chứng ngộ độc nặng, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được can thiệp.

3.  Nguyên nhân gây đau bụng nguy hiểm ở trẻ em

Các trường hợp dưới đây trẻ cần được đưa đến cơ sở y tế ngay lập tức. Dưới đây đều là tình trạng khẩn cấp, trẻ cần được điều trị và theo dõi thậm chí là phẫu thuật.

Viêm ruột thừa

Đây là một tình trạng khẩn cấp. Triệu chứng bắt đầu từ đau trên rốn,  quanh vùng rốn, sau đó di chuyển xuống phía dưới bên phải của bụng và trở nên đau hơn hoặc đau vị trí bất kỳ ở bụng. Trẻ bị viêm ruột thừa có thể mô tả đau bụng ngày càng trầm trọng, chán ăn, nôn mửa, khó chịu khi ngồi thẳng hoặc đứng lên và đau khi di chuyển, đi khom lưng. 

Siêu âm là phương tiện tốt để chẩn đoán viêm ruột thừa

Lồng ruột

Lồng ruột xảy ra khi một phần ruột chui vào phần ruột liền kề, thường gây tắc ruột. Tình trạng này có thể gây hoại tử ruột, tắc ruột, tử vong nếu không được phát hiện sớm để điều trị.

Trẻ bị lồng ruột có thể bị đau dữ dội từng cơn. Trẻ có thể nôn mửa hoặc tiêu máu…

Thoát vị bẹn

Một số trẻ bị yếu thành bụng khi sinh ra và bị thoát vị bẹn. Đây là tình trạng tương đối phổ biến ở trẻ em và trẻ nhỏ.

Các triệu chứng của thoát vị bẹn nghẹt bao gồm đau ở háng, buồn nôn, nôn, đau đột ngột và không thể đại tiện. Khối thoát vị có thể chuyển sang màu đỏ sẫm hoặc tím do bị thiếu máu nuôi.

Xoắn tinh hoàn

Xoắn tinh hoàn là khi tinh hoàn quay và xoắn thừng tinh, làm giảm lưu lượng máu đến tinh hoàn. Tình trạng này phổ biến hơn ở các bé trai vị thành niên nhưng cũng có thể xảy ra ở các bé trai nhỏ tuổi hơn.

Triệu chứng của xoắn tinh hoàn là đau và sưng tinh hoàn, một bên tinh hoàn nằm cao hơn bên kia. Đau thường ở tinh hoàn nhưng có thể ở bụng.

Cần phải kịp thời để cấp cứu tháo xoắn cứu tinh hoàn, nếu qua thời gian vàng thì phải cắt bỏ tinh hoàn

Nuốt phải dị vật

Một số dị vật mà trẻ nuốt phải có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng và đe doạ tính mạng. 

Các triệu chứng của việc nuốt phải dị vật bao gồm chảy nước dãi, chán ăn, thở hổn hển hoặc ho, thở rít, khò khè, nôn mửa, đau bụng và phân sẫm màu, gây tắc ruột, thủng ruột…

Ngoài những nguyên nhân gây ra đau bụng ở trẻ em trên đây còn rất nhiều nguyên nhân khác. Điều quan trọng là cần xác định xem liệu có phải nguyên nhân nguy hiểm không để có phương án điều trị phù hợp, tránh trường hợp đe dọa đến tính mạng. Tốt nhất, phụ huynh nên đưa con đi khám để được bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng và điều trị kịp thời.

Lưu ý thêm rằng, phụ huynh không tự ý dùng thuốc giảm đau cho trẻ vì sẽ làm mất triệu chứng gây khó khăn trong chẩn đoán cho bác sĩ.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết