Đau bụng trên rốn: Cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm ở đường tiêu hóa

Tác giả: - Xuất bản: 05/02/2024 - Cập nhật lần cuối: 19/12/2024
Đau bụng trên rốn cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm ở đường tiêu hóa - Ảnh BookingCare
Đau bụng trên rốn cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm ở đường tiêu hóa - Ảnh BookingCare
Đau bụng trên rốn thường được gọi là đau thượng vị. Tình trạng này có thể có thể gặp ở mọi đối tượng do rối loạn tiêu hóa hoặc do các bệnh lý ở đường tiêu hóa: viêm tụy, viêm loét dạ dày tá tràng, đau túi mật… bệnh lý tim phổi: Thuyên tắc phổi, viêm phổi, nhồi máu cơ tim, viêm màng ngoài tim.

Đau bụng dữ dội kèm theo các triệu chứng nguy hiểm như buồn nôn, sốt cao, đi ngoài phân máu, ợ hơi ợ chua… cần phải đi khám ngay để được khám và sàng lọc một số bệnh đường tiêu hóa nguy hiểm. Đau bụng trên rốn âm ỉ có thể áp dụng một số phương pháp hỗ trợ giảm đau ngay tại nhà như: chườm ấm, massage vùng bụng, uống nước gừng mật ong, cam thảo.

 Đau bụng trên rốn là gì?

Vùng ổ bụng có thể được phân chia thành 9 vùng: vùng trên rốn (thượng vị), vùng rốn và vùng dưới rốn (hạ vị). Bên phải gồm có hạ sườn phải, vùng  hông phải và hố chậu phải. Bên trái có vùng hạ sườn trái, vùng hông trái và hố chậu trái. Tương ứng với từng vùng có các cơ quan ở phía trong ổ bụng. Trên rốn có gan, mật (đường dẫn mật và túi mật), dạ dày - hành tá tràng, tụy, lách, phía trên hệ tiết niệu (thận, phía trên niệu quản), bao quanh các cơ quan trên rốn còn có màng bụng. Vùng dưới rốn có ruột (ruột non, ruột già, trực tràng, phần dưới niệu quản, bàng quang, phần phụ (nữ giới)...

Đau vùng trên rốn còn gọi là đau thượng vị. Đau vùng trên rốn gặp ở mọi lứa tuổi và gây không ít phiền muộn cho người bệnh, thậm chí đôi lúc xảy ra nguy hiểm (thủng dạ dày, thủng túi mật, thấm mật phúc mạc, ứ nước, ứ thận...). Có rất nhiều bệnh biểu hiện đau trên rốn, với tuổi còn nhỏ rất dễ xảy ra con đau bụng do giun.

Các bệnh lý gây đau bụng trên rốn thường gặp

Đau bụng trên rốn do rối loạn tiêu hóa

Rối loạn tiêu hóa là nguyên nhân gây đau bụng trên rốn phổ biến. Nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa có thể xuất phát từ việc ăn quá no, ăn quá nhanh, lạm dụng rượu bia, dùng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh dẫn đến mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Các trường hợp rối loạn tiêu hóa nặng cần được cấp cứu kịp thời tại bệnh viện. Các trường hợp sốt cao, mất máu do đi ngoài ra máu, tiêu chảy mất nước, tiêu chảy quá nhiều lần… cần được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Đau bụng trên rốn bên phải

Nếu người bệnh có những cơn đau bụng dữ dội ở vùng bụng trên rốn phía bên phải thì nguyên nhân có thể là do sỏi túi mật, viêm tụy và thường gặp nhất là viêm loét dạ dày – tá tràng.

Đau bụng trên rốn bên trái

Đau bụng trên rốn bên trái là cơn đau điển hình của bệnh đau túi mật.

Lách to: Nhiễm trùng và xơ gan là nguyên nhân phổ biến dẫn đến lách to, làm xuất hiện các triệu chứng đau bụng trên rốn. Lách bị vỡ và chảy máu sau chấn thương là trường hợp cấp cứu, nguy cơ cao đe dọa đến tính mạng nếu không được can thiệp kịp thời.

Đau bụng trên rốn ở hai bên kèm theo buồn nôn

Hiện tượng đau bụng trên rốn kèm theo buồn nôn có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý về dạ dày. Viêm loét dạ dày tá tràng do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó không thể không nhắc đến các “thủ phạm” chính: vi khuẩn HP (chiếm khoảng 90% các trường hợp viêm loét), dùng một số thuốc (corticoid, không steroid, aspirin, betaserc...) trong thời gian dài hoặc do uống quá nhiều rượu, bia,…

Đau bụng trên rốn kèm đi ngoài

Đau bụng kèm theo triệu chứng đi ngoài nhiều lần có thể là do viêm đại tràng, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn. Trong đó, triệu chứng của viêm đại tràng sẽ dữ dội và kéo dài lâu hơn.

Đau bụng trên rốn vào ban đêm

Có thể là do bệnh trào ngược dạ dày thực quản, bệnh viêm loét dạ dày và hội chứng ruột kích thích gây nên.

Đau bụng trên rốn ở phụ nữ mang thai

Thai phụ có thể bị đau bụng trên rốn là do áp lực của tử cung trong suốt quá trình thai nhi phát triển, sự căng cơ và da ở vùng bụng. Đây là các dấu hiệu hoàn toàn bình thường cho thấy thai nhi đang phát triển khỏe mạnh. Tuy nhiên, trong lúc mang thai mẹ cũng có thể bị đau bụng trên rốn do các nguyên nhân bệnh lý ở đường tiêu hóa, do đó cần khám và sàng lọc thường xuyên để phát hiện bất thường.

Chẩn đoán bệnh đau bụng trên rốn

Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây đau bụng trên rốn, trước tiên bác sĩ sẽ ghi nhận các mô tả triệu chứng đau của người bệnh, tiếp theo là mô phỏng lại các triệu chứng bằng khám lâm sàng và chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết.

  • Siêu âm ổ bụng để biết tình trạng về gan, mật, hệ tiết niệu (thận, niệu quản), tụy, lách. Siêu âm tim nếu nghi ngờ đau bụng trên rốn do nhồi máu cơ tim.
  • Chụp phim Xquang lồng ngực nếu nghi ngờ mắc các bệnh lý liên quan đến tim và phổi: Thuyên tắc phổi, viêm phổi, viêm màng ngoài tim.
  • Khi nghi ngờ bệnh của dạ dày có thể chụp dạ dày có thuốc cản quang và chụp lúc đói. Hiện nay, nội soi dạ dày đang có xu hướng phát triển và rất tốt cho việc chẩn đoán bệnh dạ dày. Qua nội soi có thể xác định bệnh dạ dày có phải do vi khuẩn HP gây ra hay không bằng cách xác định men urease do vi khuẩn HP sinh ra, nhuộm Gram từ mảnh sinh thiết để tìm vi khuẩn HP hoặc xác định vi khuẩn HP bằng kỹ thuật sinh học phân tử.
  • Các xét nghiệm sinh hóa máu để đánh giá chức năng của gan, mật, tụy, lách… giúp hỗ trợ chẩn đoán.

Phương pháp điều trị đau bụng trên rốn hiện nay

Đau bụng trên rốn gây ra sự khó chịu cho người bệnh, làm suy kiệt cơ thể, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống do đó cần phải điều trị để giảm đau cho bệnh nhân. 

Điều trị nguyên nhân gây đau bụng trên rốn

Đau bụng trên rốn do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên chính vì vậy từng trường hợp cụ thể sẽ có hướng điều trị riêng:

  • Phẫu thuật ngoại khoa trong viêm ruột thừa
  • Hóa trị, xạ trị, phẫu trị trong ung thư dạ dày
  • Điều trị thuốc nội khoa trong viêm loét dạ dày cấp
  • Cắt bỏ sỏi túi mật
  • Điều trị nội khoa trong viêm tụy cấp tính.

Điều trị triệu chứng đau bụng trên rốn

Phương pháp làm giảm đau vùng bụng trên rốn có thể áp dụng tại nhà trong trường hợp đau bụng âm ỉ nhưng không đau dữ dội, tình trạng kéo dài gây ra sự khó chịu cho người bệnh.

  • Chườm ấm vùng bụng bị đau
  • Massage bụng trên rốn nhẹ nhàng
  • Uống nước đầy đủ
  • Giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ, hạn chế căng thẳng, stress.
  • Chế độ ăn uống, dinh dưỡng hợp lý.

Tóm lại, đau bụng trên rốn là triệu chứng cảnh báo nhiều bệnh lý ở đường tiêu hóa và bệnh lý tim phổi. Người bệnh không nên chủ quan lơ là mà hãy theo dõi sát sao tình trạng của mình và đi khám ngay khi bụng đau dữ dội, quằn quại kèm theo các triệu chứng sốt cao, buồn nôn, suy nhược cơ thể. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết