Đau bụng trên rốn thường gặp nhất là do bệnh viêm loét – dạ dày tá tràng. Người bệnh có thể bị đau âm ỉ vùng bụng trên rốn ở cả hai bên, kèm theo hiện tượng ợ chua, ợ hơi, buồn nôn. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng khó chịu.
Nguyên nhân gây đau bụng trên rốn ở bên phải hoặc bên trái:
Tình trạng túi mật bị tắc nghẽn do sỏi có thể làm xuất hiện những cơn đau vô cùng dữ dội ở phía bên phải và ở trên rốn, kèm theo một số triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, nôn mửa và kiệt sức, có thể kèm theo sốt, hoặc vàng da, tiêu phân bạc màu trong trường hợp sỏi túi mật rơi vào đường mật gây tắc nghẽn đường mật. Các bệnh lý của tuyến tụy.
Những cơn đau ở bụng trên rốn ở bên phải hoặc bên trái có thể là do những vấn đề về tuyến tụy và có thể kèm theo hiện tượng sốt, buồn nôn và nôn, hoặc vàng da vàng mắt, sụt cân , chán ăn . Trong một số trường hợp thì đây là dấu hiệu cảnh báo ung thư tụy…Thường gặp nhất là các trường hợp viêm tụy cấp sau khi ăn nhiều chất béo, “bữa ăn thịnh soạn” hoac uống nhiều rượu bia, khi đó sẽ kích thích tụy sản xuất các enzyme gây viêm tuỵ cấp , người bệnh sẽ biểu hiện đau bụng dữ dội, không có tư thế giảm đau, và nôn ói nhiều.. Trong trường hợp này người bệnh nên nhập viện.
- Viêm loét dạ dày tá tràng
Viêm loét dạ dày - tá tràng là nguyên nhân thường gặp nhất ở những người xuất hiện triệu chứng đau bụng trên rốn ở cả 2 bên. Đặc điểm cơn đau do viêm loét dạ dày tá tràng gây ra thường âm ỉ kèm theo hiện tượng ợ chua, ợ hơi, buồn nôn. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn và các biến chứng hẹp môn vị, thủng dạ dày và thậm chí là ung thư dạ dày.
Nguyên nhân gây đau bụng trên rốn buồn nôn kèm đi ngoài
Tình trạng đau bụng phía trên rốn kèm theo hiện tượng đi ngoài và buồn nôn có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như:
- Viêm loét đại tràng hoac ung thư đại tràng
Bệnh nhân mắc các bệnh lý đại tràng không chỉ xuất hiện những cơn đau bụng trên rốn quằn quại mà còn bị táo bón hoặc tiêu chảy dài ngày. Trong phân có kèm theo chất nhầy và máu, cảm giác đi đại tiện không hết phân. Khi có các triệu chứng này người bệnh nên thực hiện nội soi đại tràng
Người bị rối loạn tiêu hóa có cảm giác đau âm ỉ trên rốn hoặc có những cơn đau quặn kèm theo buồn nôn, ợ chua và đi ngoài nhiều lần trong ngày.
Những cơn đau bụng trên rốn kèm theo cảm giác buồn đi và đi ngoài nhiều lần sau khi ăn có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đã bị ngộ độc thức ăn.
Nguyên nhân gây đau bụng phía trên rốn ở phụ nữ đang mang thai
Những cơn đau bụng trên rốn xảy ra ở phụ nữ mang thai có thể do một số nguyên nhân sau:
- Áp lực của tử cung trong suốt quá trình thai nhi phát triển khiến cho người mẹ có những cơn đau bụng trên rốn, đặc biệt vào những tháng cuối thai kỳ.
- Căng cơ và da vùng bụng: Sự phát triển của thai nhi đòi hỏi cần có nhiều không gian nên vùng da và cơ bắp xung quanh bụng của người mẹ cần phải căng hết mức gây đau bụng trên rốn.
- Thai phụ mắc các bệnh ở đường tiêu hóa như viêm tụy, đau dạ dày, viêm đại tràng,... cũng có thể dẫn đến tình trạng đau bụng này.
Nguyên nhân gây đau bụng ở trên rốn ban đêm
Tình trạng đau bụng trên rốn vào ban đêm có thể do các nguyên nhân như:
- Trào ngược dạ dày thực quản: Tư thế nằm ngủ có ảnh hưởng đến tình trạng trào ngược của acid trong dạ dày và sinh ra hiện tượng buồn nôn kèm theo những cơn đau bụng trên rốn, đau ngực,...
- Viêm loét dạ dày: Bệnh nhân viêm loét dạ dày rất dễ bị đau bụng vùng trên rốn vào ban đêm kèm theo cảm giác ợ chua, nóng rát,...
- Hội chứng ruột kích thích: Đây là nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng đau bụng ở trên rốn vào ban đêm, đặc biệt là khi ăn quá no.
Đau bụng trên rốn do nguyên nhân khác
- Viêm phúc mạc: Tình trạng này gây đau lan tỏa khắp bụng, chủ yếu do quá trình nhiễm khuẩn trong ổ bụng hoặc thiếu máu mạc treo gây nên.
- Các bệnh lý liên quan đến tim và phổi: Thuyên tắc phổi, viêm phổi, nhồi máu cơ tim, viêm màng ngoài tim.
Đau bụng trên rốn do rối loạn ở đường tiêu hóa nhẹ có thể được cải thiện sau 2-3 ngày. Nếu đau bụng trên rốn do các nguyên nhân bệnh lý như: viêm tụy, viêm loét dạ dày tá tràng, sỏi túi mật… người bệnh cần phải được thăm khám và điều trị nguyên nhân thì các triệu chứng mới thuyên giảm.