Gãy xương là chấn thương phổ biến, có thể xảy ra trong tai nạn giao thông, lao động và sinh hoạt. Sau khi bị ngã, va chạm,... người bệnh nên để ý đến các dấu hiệu dưới đây có thể cảnh báo gãy xương để thăm khám với bác sĩ chuyên khoa và nhận chẩn đoán chính xác, điều trị kịp thời.
Nhận biết các dấu hiệu gãy xương
3 dấu hiệu phổ biến nhất của gãy xương là:
- Đau dữ đội ở vùng bị chấn thương, đau tăng lên khi vận động. Đây là triệu chứng thường gặp đầu tiên. Mức độ đau nhẹ, vừa, nặng phụ thuộc vào độ rách của màng xương.
- Sưng nề hoặc bầm tím ở khu vực chấn thương.
- Biến dạng: Bệnh nhân gãy xương có di lệch thường gây ra biến dạng, lệch trục, ngắn chi ở vùng chi gãy. Khác với người bệnh căng cơ nhẹ và bong gân thường không có triệu chứng biến dạng chi.
Tuy nhiên, đôi khi rất khó để biết liệu xương có bị gãy hay không hay phân biết gãy xương với các tình trạng chấn thương khác. Do vậy, bạn nên để ý thêm các dấu hiệu dưới đây:
- Nghe hoặc cảm thấy tiếng "rắc" khi chấn thương xảy ra.
- Cảm thấy đau khi đặt vật nặng lên vết thương, chạm vào, ấn vào hoặc cử động.
- Gặp khó khăn khi di chuyển hoặc dồn trọng lượng lên vùng bị thương.
- Cảm thấy lạnh và đổ mồ hôi, ngất xỉu, chóng mặt hoặc buồn nôn do cú sốc khi gãy xương.
Nếu vết gãy nhỏ hoặc chỉ là vết nứt, người bệnh có thể không cảm thấy đau nhiều hoặc thậm chí không nhận ra rằng mình đã bị gãy xương.
Xương gãy phải được căn chỉnh và giữ đúng vị trí, thường bằng cách bó bột. Nếu không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến biến dạng vĩnh viễn hoặc nhiễm trùng. Đặc biệt với người già hay những người bệnh loãng xương cần thăm khám sớm vì xương yếu và dễ gãy hơn.
Chẩn đoán gãy xương như thế nào?
- Chụp X-quang: Chụp X-quang sẽ xác nhận các vết gãy, xác định kiểu gãy, xác định di lệch,...
- Chụp CT: Chụp CT cung cấp hình ảnh chi tiết hơn về xương và các mô xung quanh so với chụp X-quang.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Sử dụng MRI để có được bức tranh hoàn chỉnh về tổn thương xương và khu vực xung quanh. Chụp MRI cũng sẽ hiển thị các mô như sụn và dây chằng xung quanh xương. Chụp MRI là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán hình ảnh cho bệnh lý chấn thương nhưng chi phí thực hiện tương đối cao.
- Xạ hình xương: Bác sĩ có thể chỉ định xạ hình xương để tìm các vết gãy không hiển thị trên X-quang. Quá trình quét này mất nhiều thời gian hơn - thường là 2 lần khám cách nhau 4 giờ.
Nếu có dấu hiệu gãy xương hãy thăm khám để được chẩn đoán sớm, tuân thủ điều trị và phục hồi chức năng tích cực sẽ mang lại kết quả phục hồi khả quan.