Dấu hiệu nhận biết đau bụng ở trẻ em
Dấu hiệu nhận biết đau bụng ở trẻ em
Dấu hiệu nhận biết đau bụng ở trẻ em - Ảnh: BookingCare

Dấu hiệu nhận biết đau bụng ở trẻ em

Tác giả: - Xuất bản: 20/02/2024 - Cập nhật lần cuối: 04/03/2024
Một số dấu hiệu đau bụng dưới đây cùng với các triệu chứng đi kèm có thể có giúp phụ huynh nhận biết cơn đau bụng ở trẻ.

Đau bụng là triệu chứng thường gặp ở trẻ em. Nhiều trẻ có thể nói rằng mình bị đau, nhưng với trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh còn hạn chế về biểu đạt ngôn ngữ thì cha mẹ cần nhận biết qua dấu hiệu trên cơ thể trẻ.

Dấu hiệu nhận biết trẻ đau bụng

Tùy theo nguyên nhân gây bệnh và lứa tuổi của trẻ mà biểu hiện của việc đau bụng sẽ khác nhau. Với trẻ nhỏ, trẻ thường quấy khóc liên tục, vẻ mặt nhăn nhó đau đớn, gắt gỏng khó chịu. Trẻ cũng có thể không đứng yên, vặn vẹo, nằm cuộn tròn như quả bóng, tiêu chảy, chán ăn hoặc khó ngủ.

Những trẻ lớn hơn có thể than phiền với cha mẹ về việc đau bụng. Một số trẻ có thể chỉ vào vị trí cụ thể bị đau và mô tả tính chất của cơn đau.

Các vị trí đau bụng khác nhau sẽ phản ánh trẻ gặp các vấn đề khác nhau:

  • Đau quanh rốn: Dấu hiệu đau gần rốn có thể do căng thẳng hoặc do trẻ ăn quá nhiều khiến dạ dày khó chịu. Trẻ có thể không có bất kỳ triệu chứng đi kèm nào khác. 
  • Đau ở phần dưới bên phải của bụng: Đau ở vùng này có thể do viêm ruột thừa và có thể đi kèm với các triệu chứng khác như sốt, buồn nôn hoặc nôn, chán ăn, táo bón hoặc tiêu chảy và khó đại tiện.
  • Đau bụng bên trái: Đau ở bên trái có thể do trẻ bị táo bón. Các dấu hiệu đi kèm khác có thể gồm phân cứng, rặn khi cố gắng đi đại tiện, đầy hơi và buồn nôn.
  • Đau vùng bụng trên: Có thể do trẻ bị khó tiêu. Một số triệu chứng cùng xuất hiện khác như buồn nôn, đầy hơi, ợ chua và ợ hơi nhiều.

Trong nhiều trường hợp đau bụng khiến trẻ cần nhập viện để được điều trị ngay lập tức. Các cơn đau này thường đi kèm với các triệu chứng nghiêm trọng khác.

Các dấu hiệu báo động đỏ khi trẻ đau bụng

Trường hợp đau cấp tính

  • Cơn đau bụng khiến trẻ tỉnh giấc: lồng ruột, giun  chui ống mật, sỏi thận…
  • Nôn ra máu hoặc dịch mật: viêm dạ dày xuất huyết, tắc ruột…
  • Bỏ ăn
  • Vàng da hoặc phân nhạt màu: tắc mật, viêm túi mật, viêm gan…
  • Đau hoặc sưng tinh hoàn: viêm tinh hoàn, xoắn tinh hoàn, u tinh hoàn…
  • Giảm cân: lao, ung thư…
  • Cáu gắt
  • Trẻ có biểu hiện nhiễm trùng như sốt, nhịp tim nhanh: nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm thận, viêm gan, viêm ruột thừa…
  • Triệu chứng suy hô hấp: Thở nhanh, khó thở,... do viêm phổi, dịch bụng nhiều…
  • Mất nước
  • Có tiền sử chấn thương sọ não gần đây, chấn thương cơ quan trong bụng…

Trường hợp đau mãn tính kéo dài

  • Vị trí đau ở trung tâm bụng
  • Đau liên quan đến thay đổi thói quen đại tiện, đặc biệt là tiêu chảy, táo bón, đại tiện về đêm
  • Đau khiến trẻ tỉnh dậy giữa đêm
  • Các triệu chứng toàn thân như sốt và mất ý thức
  • Tiền sử sụt cân hoặc tăng trưởng kém
  • Sốt không rõ nguyên nhân
  • Phân có máu: u ruột…
  • Xanh xao không rõ nguyên nhân: ung thư, thiếu máu,..

Với các trường hợp này, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay để được thăm khám và điều trị.

Các dấu hiệu kèm theo đau bụng khi trẻ có thể gặp phải bệnh ác tính

  • Trẻ xanh xao, mệt mỏi, khó chịu: ung thư
  • Sốt: ung thư, u
  • Chán ăn, sụt cân: u, ung thư
  • Nôn mửa: u
  • Đau xương khớp: u
  • Bí tiểu do u chèn ép
  • Sờ thấy khối ở bụng
  • Sưng hoặc khối ở bìu: u tinh hoàn
  • Xuất hiện các khối u ở tứ chi: u xương, u cơ
  • Tiểu máu: u thận, ung thư máu gây xuất huyết

Đánh giá mức độ đau ở trẻ

Cha mẹ có thể dựa trên các bảng đánh giá mức độ đau của trẻ dưới đây để biết trẻ đang đau ở mức độ nào và có phương hướng xử lý phù hợp.

Đối với trẻ từ 1-3 tuổi có thể đánh giá mức độ đau của trẻ theo các tiêu chí sau:

Các tiêu chí đánh giá

0 điểm

1 điểm

2 điểm

Khuôn mặt

Không có biểu hiện gì hoặc không cười

Thỉnh thoảng nhăn mặt, nhíu mày, không tham gia, thờ ơ

Thường xuyên hoặc liên tục nhíu mày, mím chặt miệng hoặc run lẩy bẩy

Chân

Tư thế bình thường, thoải mái

Bứt rứt, luôn động đậy

Co chân, hay đạp/đá chân

Hoạt động

Nằm yên, tư thế bình thường, cử động dễ dàng

Nằm không yên, ngó ngoáy, căng thẳng

Co người, uốn cong hoặc co giật

Khóc

Không khóc (dù thức hay ngủ)

Khóc thút thít, kêu rên rỉ, thỉnh thoảng kêu đau

Khóc to, kêu thét, thường xuyên kêu đau

Động viên

Hài lòng, thoải mái

Yên tâm khi được dỗ dành, vỗ về, an ủi hoặc nói chuyện có thể làm trẻ quên đau

Khó dỗ dành hoặc an ủi

Với trẻ từ 3 tuổi, có thể đánh giá dựa trên thang đo mức độ đau Wong-Baker:

  • Khuôn mặt 0: rất hạnh phúc vì anh không cảm thấy đau gì cả.
  • Mặt 2: chỉ đau một chút thôi.
  • Mặt 4: đau thêm một chút.
  • Mặt 6: đau hơn nữa.
  • Mặt 8: đau rất nhiều.
  • Mặt 10: rất đau, mặc dù không khóc như hình
thang điểm đau theo vẻ mặt wong-becker
Thang điểm đau theo vẻ mặt Wong - Becker - Ảnh: bvnguyentriphuong.com.vn

Với trẻ trên 7 tuổi, cha mẹ có thể hỏi mức độ đau của con bằng cách hỏi trẻ đau ở khoảng số mấy theo thang dưới đây:

thang đo cường độ đau
Thang đo cường độ đau - Ảnh: benhviennhitrunguong.gov.vn

Đau bụng ở trẻ không phải trường hợp nào cũng dễ nhận biết, đặc biệt là đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Phụ huynh có thể dựa vào quan sát sự thay đổi khác thường của con để biết được liệu con có đau bụng hay không, đồng thời đưa trẻ đi khám nếu nghi ngờ cơn đau trở nên nghiêm trọng. Với cơn đau bụng đi kèm các triệu chứng nguy hiểm, trẻ cần được đi khám để nhận được sự điều trị phù hợp.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết