Dấu hiệu nhận biết trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh

Tác giả: - Xuất bản: 16/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 12/01/2024
Dấu hiệu nhận biết trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh
Dấu hiệu nhận biết trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh - Ảnh: BookingCare
Bệnh tim bẩm sinh cần được phát hiện sớm để được theo dõi và can thiệp kịp thời. Bài viết dưới đây sẽ giúp phụ huynh nhận biết trẻ có mắc bệnh tim bẩm sinh hay không?

Bệnh tim bẩm sinh thường được chẩn đoán ở giai đoạn sơ sinh hoặc thậm chí trước khi sinh. Tuy nhiên, một số khiếm khuyết khó phát hiện hơn và có thể không được chẩn đoán cho đến khi trẻ lớn hơn hoặc thậm chí là trưởng thành.

Các vấn đề nghiêm trọng về tim thường có biểu hiện rõ ràng hơn trong vài tháng đầu sau khi sinh. Một số trẻ có da xanh tím hoặc huyết áp rất thấp ngay sau khi sinh. Ngoài ra, các dấu hiệu khó thở, bú kém, chậm tăng cân có thể là biểu hiện của tim bẩm sinh.

Dấu hiệu nhận biết trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh

Triệu chứng đặc trưng của bệnh tim bẩm sinh tím là chứng xanh tím . Dấu hiệu này thường xuất hiện ở môi, móng chân hoặc móng tay. 

Ở trẻ nhũ nhi, các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Nhịp tim nhanh
  • Thở nhanh
  • Bú kém
  • Quấy khóc thường xuyên
  • Gan to
  • Chậm lớn

Gan to là một đặc điểm đặc biệt nổi bật của suy tim ở trẻ nhũ nhi vì khả năng căng giãn của bao gan ở độ tuổi này. 

Ở các trẻ lớn mắc dị tật tim bẩm sinh, có thể biểu hiện:

  • Dễ bị khó thở khi tập thể dục hoặc vận động
  • Dễ mệt mỏi khi tập thể dục hoặc vận động
  • Ngất xỉu khi tập thể dục hoặc vận động
  • Sưng ở tay, mắt cá chân hoặc bàn chân

Các biểu hiện khác của dị tật tim bẩm sinh ở trẻ em

Ngoài những dấu hiệu đặc thù nêu trên, một số biểu hiện khác của dị tật tim bẩm sinh ở trẻ như: 

  • Sốc tim: Ở trẻ sơ sinh, sốc tim có thể là biểu hiện đầu tiên của một số bất thường nặng (ví dụ: hội chứng thiểu sản tim trái, hẹp động mạch chủ nghiêm trọng, cung động mạch chủ bị gián đoạn, hẹp eo động mạch chủ). Trẻ sơ sinh có biểu hiện ốm yếu với niêm mạc nhợt nhạt hoặc tím tái, đầu chi lạnh, huyết áp thấp và giảm phản ứng với các kích thích.
  • Đau ngực: Ở trẻ nhũ nhi, đau ngực có thể biểu hiện bằng tình trạng quấy khóc kéo dài, thường xuyên. Ở trẻ lớn hơn và thanh thiếu niên, đau ngực do bệnh tim thường liên quan đến gắng sức và có thể do bất thường mạch vành, viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim, bệnh cơ tim phì đại hoặc hẹp động mạch chủ nặng.
  • Ngất: Thường liên quan đến gắng sức, có thể xảy ra với một số tật tim bao gồm bệnh cơ tim (phì đại hoặc giãn), bất thường động mạch vành hoặc hội chứng rối loạn nhịp tim di truyền. Trẻ lớn ở độ tuổi trung học, tập luyện thể thao nhiều thường bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Nhận biết các dấu hiệu tim bẩm sinh ở trẻ đòi hỏi sự chú ý và quan sát từ phía cha mẹ cũng như người chăm sóc trẻ. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ, việc đưa trẻ đi khám để được kiểm tra và theo dõi rất quan trọng. Trẻ em cần nhận được sự can thiệp và điều trị kịp thời để giảm thiểu các biến chứng trong tương lai.