Việc bổ sung đầy đủ các vitamin và chất dinh dưỡng rất quan trọng với sự phát triển của trẻ. Đồng thời, nhận biết dấu hiệu trẻ suy dinh dưỡng giúp cha mẹ cải thiện kịp thời chiều cao - cân nặng của trẻ, đảm bảo trẻ phát triển bình thường.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO và Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc định nghĩa: Suy dinh dưỡng là hậu quả để lại do thiếu hụt lượng dinh dưỡng cần được cung cấp vào hoặc do yếu tố bệnh tật tác động đến quá trình tiêu hóa của cơ thể.
Hay nói cách khác suy dinh dưỡng là tình trạng thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết ảnh hưởng đến hoạt động tăng trưởng bình thường của cơ thể.
Dấu hiệu trẻ suy dinh dưỡng có thể bao gồm: cân nặng không tăng trưởng như mức dự kiến hoặc tụt giảm từ 5 - 10 % trở lên so với trọng lượng cơ thể của trẻ trong vòng 3 - 6 tháng.
Rất khó phát hiện tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất ở giai đoạn đầu nếu không xét nghiệm do các triệu chứng thường nghèo nàn dễ bỏ sót. Trẻ có thể ngừng tăng cân hoặc sụt cân, lớp mỡ dưới da mỏng dần, chậm biết đi, da xanh… Ngoài ra còn có những dấu hiệu khác cha mẹ cần đặc biệt lưu ý như:
Dựa vào cân nặng theo tuổi quy ra % của cân nặng chuẩn, có thể chia suy dinh dưỡng ở trẻ em thành:
Cân nặng của trẻ còn 70% – 80% cân nặng của trẻ bình thường (-2SD đến -3SD). Lúc này, lớp mỡ dưới da bụng của trẻ mỏng, trẻ vẫn thèm ăn và thường kèm theo có biểu hiện rối loạn tiêu hóa.
Cân nặng của trẻ còn 60-70% cân nặng của trẻ bình thường (- 3SD đến - 4SD). Trẻ gầy gò, không có lớp mỡ dưới da: bụng, mông, chi; thường bị rối loạn tiêu hoá từng đợt và có thể biếng ăn.
Đây là cấp độ suy dinh dưỡng nặng ở trẻ:
Thể teo đét:
Còn được gọi là suy dinh dưỡng thể marasmus, cân nặng của trẻ còn dưới 60% trọng lượng của trẻ bình thường (dưới - 4SD), không phù. Trẻ gầy đét, da bọc xương, vẻ mặt trông như cụ già do mất toàn bộ lớp mỡ dưới da bụng, mông, chi, má và thường xuyên rối loạn tiêu hoá: ỉa phân lỏng, phân sống, hay mắc các bệnh nhiễm trùng.
Bên cạnh đó, trẻ có thể thèm ăn hoặc ăn kém, ủ rũ, kém linh hoạt và quấy khóc.. Nếu trẻ được ăn sớm và đầy đủ, giải quyết nguyên nhân sẽ nhanh chóng hồi phục.
Thể phù:
Cân nặng của trẻ còn khoảng 60-80% trọng lượng của trẻ bình thường (từ -3SD đến - 4SD). Biểu hiện suy dinh dưỡng thể phù ở trẻ là mặt tròn trịa nhưng chân tay khẳng khiu, trương lực cơ yếu, rối loạn sắc tố da, thiếu máu, gan to và thoái hóa mỡ, phù, giảm đạm máu, rối loạn sắc tố da.
Ngoài ra, một số trẻ có dấu hiệu tóc bạc màu, thưa dễ gãy, răng sâu, chậm mọc, mắt khô sợ ánh sáng… Trẻ bị suy dinh dưỡng thể phù thường vận động kém, mệt mỏi, dễ ảnh hưởng đến nội tạng.
Thể hỗn hợp:
Cân nặng còn dưới 60% so với trọng lượng của trẻ bình thường, có phù và triệu chứng của 2 thể trên.
Để xác định trẻ có suy dinh dưỡng hay không, ngoài việc quan sát các dấu hiệu ở những phần trên, cha mẹ còn có thể so sánh cân nặng, chiều cao của trẻ với các chỉ số chuẩn của WHO như sau:
Dựa vào cân nặng theo tuổi của trẻ: Cân nặng của trẻ sơ sinh khoảng 3kg, sau 5 tháng thì cân nặng của trẻ tăng gấp đôi, 12 tháng tăng gấp ba so với cân nặng sơ sinh. Sau đó, mỗi năm trẻ tăng thêm khoảng 1-2kg. Khi bé 6 tuổi thì cân nặng chuẩn phải là 20kg.
Dựa vào chiều cao theo tuổi của trẻ: Khi mới sinh, chiều dài của trẻ là 50cm, 6 tháng dài 65cm, 12 tháng: 75cm, 2 tuổi: 85cm, 3 tuổi: 95cm, 4 tuổi: 100cm. Sau đó, mỗi năm chiều cao tăng thêm 5cm, khi bé 8 tuổi phải cao 120cm.
Nếu trẻ không đạt được mức cân nặng và chiều cao theo chỉ số chuẩn của WHO, trẻ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng. Lúc này, cha mẹ cần cho trẻ thăm khám để xác định chính xác vấn đề ở trẻ.
Những năm đầu đời là "giai đoạn vàng" cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Nhận biết sớm các dấu hiệu trẻ suy dinh dưỡng giúp cha mẹ kịp thời phát hiện suy dinh dưỡng và có hướng hỗ trợ tốt nhất. Kịp thời điều trị suy dinh dưỡng là cách tốt nhất giúp trẻ trở lại đà tăng trưởng và phát triển kịp lứa tuổi.