Đau nửa đầu bên trái: Nguyên nhân, điều trị và cách phòng ngừa
Đau nửa đầu bên trái
Đau nửa đầu bên trái - Ảnh: BookingCare

Đau nửa đầu bên trái: Nguyên nhân, điều trị và cách phòng ngừa

Tác giả: - Xuất bản: 12/10/2023 - Cập nhật lần cuối: 12/10/2023
Tình trạng đau nửa đầu bên trái có thể khởi phát do lối sống, chế độ ăn uống, sinh hoạt,... cũng có thể do tình trạng viêm mũi xoang, tăng huyết áp,... Hãy cùng Bookingcare tìm hiểu về nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa đau nửa đầu bên trái.

Đau nửa đầu bên trái có thể gây nên bởi nhiều yếu tố như lối sống, môi trường, chấn thương,... Người bị đau nửa đầu bên trái thường có cảm giác đau lan tỏa khắp nửa đầu bên trái, âm ỉ ở mức độ nhẹ hoặc đau nhói ở một vị trí nhất định bên trái đầu. Theo dõi bài viết để nhận biết triệu chứng, nguyên nhân gây đau đầu bên trái và cách kiểm soát tình trạng này.

Nguyên nhân gây đau nửa đầu bên trái

Đau nửa đầu bên trái thường được phân loại giống như đau đầu nói chung thành hai nhóm là đau đầu nguyên phát hoặc thứ phát. Đau đầu nguyên phát là những kiểu đau đầu tự phát, tự xuất hiện mà không có một nguyên nhân cụ thể (ví dụ như chứng đau nửa đầu migraine).

Đau đầu thứ phát là tình trạng đau đầu khởi phát do nguyên nhân cụ thể như u cục, đột quỵ não, tác dụng phụ của thuốc, chấn thương hoặc do các bệnh lý hoặc tình trạng tiềm ẩn khác (ví dụ: nhiễm trùng hệ thần kinh hoặc bệnh lý cột sống cổ).

Các rối loạn đau đầu nguyên phát gây ra các cơn đau nửa đầu trái gồm đau nửa đầu migraine hoặc đau đầu cụm (đau đầu chuỗi). Hoặc cũng có thể xảy ra do chấn thương, các yếu tố lối sống như chế độ ăn uống hoặc ngủ không đủ giấc hoặc do tình trạng sức khỏe như viêm mũi xoang dị ứng, huyết áp cao,...

Tổng quan chung các yếu tố phổ biến có thể làm khởi phát cơn đau nửa đầu bên trái bao gồm:

  • Chế độ ăn uống: Một lý do phổ biến khiến nhiều người bị đau đầu là bỏ bữa. Bên cạnh đó, với chứng đau nửa đầu bên trái, một số loại thực phẩm và đồ uống có thể là yếu tố làm khởi phát cơn đau. Loại thức ăn này là khác nhau tùy từng cá nhân tuy nhiên các loại thức ăn hay được người bệnh mô tả là làm họ gặp cơn đau nửa đầu là phô mai, xúc xích.
  • Chất lượng giấc ngủ: Nghỉ ngơi không đầy đủ và có lịch trình ngủ không đều đặn có liên quan đến chứng đau nửa đầu.
  • Căng thẳng: Căng thẳng và áp lực là tác nhân làm khởi phát cơn đau nửa đầu hay gặp.
  • Yếu tố môi trường: Những yếu tố như ô nhiễm không khí, ánh sáng chói, đèn nhấp nháy hoặc thay đổi thời tiết đều có thể khiến bạn gặp cơn đau nửa đầu bên trái.
  • Bệnh lý: Nhiễm trùng xoang hay viêm xoang có thể gây đau đầu. Do đó, nếu bạn chỉ viêm một xoang nhất định trong hệ thống xoang sọ mặt, cơn đau sẽ chỉ ở nửa bên đầu đó. Ngoài ra, đau đầu thường đi kèm với nhiễm virus, chẳng hạn như cảm lạnh thông thường và cúm. Cơn sốt do cảm lạnh, cảm cúm gây ra có thể là một nguyên nhân khác dẫn đến đau nửa đầu.
  • Huyết áp cao: Huyết áp cao thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào ngay tức thì, tuy nhiên, đau đầu vẫn có thể xuất hiện trong một số trường hợp, đặc biệt là khi huyết áp tăng cao một cách đột ngột.

Nguyên nhân đau đầu bên trái cũng có thể do tổn thương các dây thần kinh và mạch máu ở cột sống, cổ và đầu. Đây là trường hợp đau dây thần kinh chẩm, viêm động mạch tế bào khổng lồ và đau dây thần kinh số V. Những tình trạng này có thể làm bạn suy nhược và cần được thăm khám bởi các bác sĩ.

  • Đau dây thần kinh chẩm:

Đau dây thần kinh chẩm là một loại đau đầu thường gặp. Có 2 dây thần kinh chẩm lớn và bé ở hai bên đầu, thông thường các trường hợp đau dây thần kinh chẩm thường bị ở một bên đầu. Nguyên nhân là do các dây thần kinh bị chèn ép, dẫn đến cảm giác đau nhói rất mạnh, vị trí ở cổ, sau tai hoặc sau đầu. Cơn đau này thường xuất hiện ở vùng cổ, trước khi di chuyển lên da đầu sau gáy, đỉnh đầu và trán và sau mắt.

  • Viêm động mạch tế bào khổng lồ:

Đây là tình trạng viêm động mạch thái dương ở một bên thái dương, dẫn đến đau đầu bên trái. Viêm động mạch tế bào khổng lồ cũng gây đau hàm, nhìn mờ thậm chí mất thị lực, sốt và mệt mỏi cùng nhiều triệu chứng khác.

  • Đau dây thần kinh số V:

Đây là tình trạng đau mạn tính xảy ra do tổn thương dây thần kinh số V. Điều này có thể là do các mạch máu chèn ép vào dây thần kinh (xung đột thần kinh - mạch máu), do bệnh đa xơ cứng (xơ cứng rải rác), đột quỵ hoặc chấn thương đầu, cũng như các tình trạng khác. Với chứng đau dây thần kinh số V, cơn đau đầu có thể diễn ra từ đột ngột và như dao đâm đến đau nhức và nóng rát, tê bì liên tục.

Cách điều trị đau nửa đầu bên trái

Việc điều trị đau nửa đầu bên trái phụ thuộc rất nhiều vào từng nguyên nhân cụ thể. Các phương pháp điều trị rất đa dạng, kết hợp điều trị nội khoa bằng thuốc hoặc các phương pháp can thiệp cùng với thay đổi lối sống.

Các phương pháp điều trị nội khoa bao gồm sử dụng thuốc giảm đau để cắt cơn đau đầu và duy trì tránh cơn đau tái phát lại. Các loại thuốc này bao gồm:

  • Thuốc giảm đau (cắt cơn đau): Đây chính là các loại thuốc giảm đau thông thường không cần kê đơn (như paracetamol) và một số loại thuốc kê đơn đặc hiệu khác đều giúp bạn giảm hoặc cắt hoàn toàn cơn đau đầu đang gặp.
  • Thuốc phòng ngừa (duy trì): Với các dạng đau đầu mạn tính như đau đầu migraine, đau thần kinh số V, nếu chỉ cắt cơn đau mà không có điều trị phòng ngừa, cơn đau sẽ lại tái phát trở lại. Do đó, các bệnh nhân đau nửa đầu kéo dài nên đến thăm khám các bác sĩ để có thể được đánh giá và chỉ định các loại thuốc này nếu cần thiết.

Lưu ý: không nên tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, khi sử dụng phải có sự tham khảo ý kiến/chỉ định từ bác sĩ.

Cách phòng ngừa chứng đau nửa đầu bên trái

Bạn đọc có thể giảm thiểu và ngăn ngừa các cơn đau nửa đầu bên trái bằng cách điều chỉnh lối sống như sau:

  • Chế độ ăn uống: Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng và không bỏ bữa.
  • Kiểm soát các yếu tố kích hoạt cơn đau: Bằng cách theo dõi hoặc ghi nhật ký cơn đau, bạn có thể nhận ra loại thực phẩm, đồ uống và các yếu tố khác gây ra chứng đau nửa đầu hoặc đau đầu chuỗi (đau đầu cụm) cho bạn, từ đó có kế hoạch tránh dùng các thực phẩm này, giúp tránh được cơn đau xảy ra.
  • Tập thể dục: Duy trì hoạt động thể chất và đảm bảo tập thể dục đầy đủ cũng có thể giúp ngăn ngừa các cơn đau nửa đầu bên trái. Tập thể dục giúp giảm căng thẳng và ngủ ngon giấc hơn.
  • Ngủ đủ giấc: Giữ một lịch trình ngủ phù hợp và đảm bảo bạn được nghỉ ngơi đầy đủ vào ban đêm.
  • Thực hiện các kỹ thuật thư giãn: Tham gia thiền, yoga hoặc các hoạt động khác giúp cơ thể, tinh thần thư giãn.
đau nửa đầu bên trái
Đau nửa đầu bên trái ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống - Ảnh: freepik.com

Đau nửa đầu bên trái ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, gây bất tiện và giảm chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Thông qua bài viết này, bạn đọc có thể áp dụng các phương pháp để phòng ngừa cơn đau nửa đầu bên trái tái phát và thăm khám với bác sĩ sớm để xác định rõ được nguyên nhân đau nửa đầu bên trái để được điều trị kịp thời.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết