Đau tai: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách khắc phục

Tác giả: - Xuất bản: 19/02/2024 - Cập nhật lần cuối: 07/03/2024
Đau tai ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống
Đau tai ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống - Ảnh: BookingCare
Đau tai là tình trạng phổ biến, có thể gặp ở bất kỳ ai. Vậy đau tai là biểu hiện của bệnh gì, nguyên nhân do đâu và cách khắc phục đau tai như thế nào, cùng giải đáp trong bài viết dưới đây.

Tuy thường không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng tình trạng đau tai lại gây nhiều phiền toái trong cuộc sống. Đau tai có thể đến từ một bệnh lý bên trong tai hoặc có thể liên quan đến tai từ một rối loạn cạnh đó không thuộc về tai. Đau tai hay gặp trong các bệnh lý của trẻ nhỏ hơn người lớn. Trong bài này, BookingCare xin gửi đến bạn đọc những thông tin về nguyên nhân gây đau tai, cách khắc phục và phòng tránh tình trạng đau tai.

Dấu hiệu của đau tai

Các dấu hiệu của triệu chứng đau tai có ý nghĩa trong quá trình chẩn đoán và định hướng nguyên nhân. Cảm giác đau tai như thế nào (đau, nhói, âm ỉ), cường độ, vị trí và các triệu chứng khác kèm theo có thể giúp các bác sĩ chẩn đoán cơn đau tai và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Một số dấu hiệu cần lưu ý:

  • Đau tai có thể là cảm giác âm ỉ hoặc đau nhói trong tai. Tuỳ và vị trí tổn thương mà có thể đau ở vành tai, ống tai hoặc sâu trong tai. Đau xảy ra bất kỳ khi nào, mức độ đau nhiều hay ít cũng phụ thuộc vào cảm giác của từng người.
  • Đau tai ở người lớn hoặc trẻ lớn thường dễ dàng nhận ra. Tuy nhiên ở trẻ nhỏ thì lại khó hơn vì trẻ chưa thể nói ra vấn đề được mà sẽ biểu hiện bằng các hành động như thường xuyên bứt tai, sờ tai, quấy khóc khi chạm vào tai trẻ.
  • Bên cạnh triệu chứng đau, có thể kèm theo các dấu hiệu như:
    • Ù tai
    • Nghe kém
    • Chảy dịch, chảy mủ tai
    • Sung nóng đỏ ống tai vành tai
    • Chóng mặt
    • Sốt
    • Chảy mũi
    • Đau họng, ho….

Nguyên nhân gây đau tai là gì?

Vì sao xuất hiện đau tai

Đau tại tai: sự chênh lệch áp suất giữa tai giữa và không khí bên ngoài hoặc quá trình viêm, có thể dẫn đến tình trạng đau tai. 

Ngoài ra đau tai có thể là kiểu đau quy chiếu: là kết quả của những rối loạn ở vùng chi phối bởi các dây thần kinh sọ phụ trách cảm giác ở tai ngoài và tai giữa. Các khu vực cụ thể bao gồm mũi, xoang cạnh mũi, vòm mũi họng, răng, lợi, khớp thái dương hàm (TMJ), xương hàm trên, tuyến nước bọt, lưỡi, amidan, họng, thanh quản, khí quản và thực quản. Rối loạn ở những khu vực này đôi khi cũng gây tắc nghẽn vòi tai, gây đau do tạo ra sự chênh lệch áp suất ở tai giữa.

Đau tai cũng có thể là đau bởi các cơ quan kế cận lan sang, như đau răng, đau tuyến nước bọt dưới hàm,...

Có những trường hợp không nhất thiết phải viêm nhiễm hay chấn thương ở tai, mà tai vẫn có tình trạng đau. Cùng tham khảo những căn nguyên gây tình trạng đau tai để hiểu thêm.

Thông thường nguyên nhân gây đau tai được chia làm hai nhóm. Đau tai bởi nguyên nhân nguyên phát và đau tai do nguyên nhân thứ phát.

Đau tai nguyên phát

Xảy ra khi nguyên nhân tại chính các phần của tai. Đau tai loại này thường tiến triển, nặng dần lên theo thời gian nếu không được điều trị. Một số nguyên nhân hay gặp như:

  • Viêm nhiễm vùng tai: viêm ống tai ngoài, nhọt ống tai, zona tai, viêm tai giữa, viêm tai xương chũm… là những bệnh phổ biến của tai gây ra tình trạng đau nhức tai. Các bệnh đa số sẽ dễ dàng được chẩn đoán bằng nội soi tai mũi họng.
  • Ráy tai: tai của chúng ta luôn tạo ra ráy tai và có quá trình loại bỏ ráy tai. Khi quá trình này không diễn ra bình thường, chất cặn sẽ tích tụ và ráy tai cứng lại tạo thành nút ráy tai khiến ống tai bị tắc và gây đau kèm theo triệu chứng ù tai hoặc nghe kèm. Việc lấy ráy tai không đúng cách cũng có thể làm tổn thương tai gây đau.
  • Chấn thương tai do thay đổi áp suất đột ngột: điều này xảy ra ở một số người đi máy bay hay lặn biển, khi thay đổi áp suất và độ cao, tai có thể ù và đau nhức.
  • Thủng màng nhĩ: có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng thủng màng nhĩ, các nguyên nhân gây thủng đột ngột cũng có thể gây ra các cơn đau tai dữ dội.
  • Dị vật tai: trường hợp này hay gặp ở trẻ nhỏ, trẻ thường tò mò, có thể nhét các loại hạt hoặc mảnh vụn đồ chơi hay bất kỳ vật gì vào tai gây bít tắc, chấn thương tai dẫn đến đau tai.
  • Rối loạn chức năng vòi Eustache: đây còn được coi như “ống dẫn” của tai, giúp tai lưu thông xuống mũi xoang, khi chức năng vòi bị rối loạn, tai có thể đau, ù tai, nghe thấy âm thanh lạ trong tai.
  • Các khối u trong tai: thường các khối u vùng tai là lành tính, tuy nhiên sự cản trở cũng chúng trong tai cũng có thể gây cảm giác tức và đau tai.

Đau tai thứ phát 

Đau tai thứ phát là khi đau không phải do bệnh lý tại tai, mà bị ảnh hưởng bởi bệnh lý của các cơ quan kế cận, như là:

  • Đau tai do các vấn đề về răng: sâu răng, áp xe răng, nhiễm trùng răng miệng có thể gây đau tai. Mọc răng khôn cũng dễ dàng gây đau tai. Đau tai do răng thường xuất hiện một bên, đau lên khi nhai hoặc chạm vào vùng răng miệng có vấn đề.
  • Đau tai sau viêm xoang, viêm mũi họng: tình trạng viêm dẫn đến bít tắc vòi eustache cũng có thể gây đau tai, khi tình trạng viêm xoang và viêm mũi họng được kiểm soát, đau tai sẽ hết.
  • Rối loạn khớp cắn thái dương hàm: thường đặc trưng đau tai khi nhai, cắn, ngáp hoặc nói chuyện.
  • Các vấn đề tại các cơ quan nằm gần hoặc chung phần thần kinh chi phối cảm giác vùng tai.

Cách khắc phục đau tai bằng chườm lạnh - Ảnh: Freepik

Cách khắc phục tại nhà giúp giảm đau tai

Chăm sóc tại nhà bằng các bước sau đây có thể giúp giảm đau tai:

  • Đặt túi chườm lạnh hoặc khăn ướt lạnh lên tai ngoài trong 20 phút để giảm đau.
  • Nhai có thể giúp giảm đau và giảm áp lực do nhiễm trùng tai. (Kẹo cao su có thể gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ.)
  • Nghỉ ngơi ở tư thế thẳng đứng thay vì nằm có thể làm giảm áp lực ở tai giữa.
  • Thuốc nhỏ tai không kê đơn có thể được sử dụng để giảm đau, chỉ sử dụng khi chắc chắn là màng nhĩ không thủng.
  • Thuốc giảm đau thông thường, chẳng hạn như acetaminophen hoặc ibuprofen, có thể giúp giảm đau tai cho trẻ em và người.
  • Đối với đau tai do thay đổi độ cao, chẳng hạn như trên máy bay: nuốt hoặc nhai kẹo cao su khi máy bay hạ cánh. Đối với trẻ em cho trẻ bú bình hoặc bú mẹ.

Bên cạnh các cách chăm sóc kể trên, cần lưu ý tránh những việc làm nặng lên tình trạng đau tai:

  • Không cố gắng ngoáy tai hay tác động lực vào tai
  • Không cho bất kỳ vật lạ nào vào ống tai.
  • Tránh nước vào tai.
  • Không tự ý dùng các thuốc khi chưa có sự tham khảo của bác sĩ.
  • Không hút thuốc, tránh khói thuốc lá.

Đau tai ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Có nhiều điều có thể gây đau tai, từ nhiễm trùng đến thay đổi áp suất không khí cho đến các tình trạng tiềm ẩn khác ảnh hưởng đến tai chúng ta. Hiểu rõ về đau tai giúp có biện pháp phòng ngừa. Ngay khi đã thực hiện các biện pháp khắc phục, đau tai không giảm hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để tìm ra nguyên nhân gây ra đau tai và có biện pháp điều trị phù hợp. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết