Những điều cần biết về chứng ù tai
Những điều cần biết về chứng ù tai
Những điều cần biết về chứng ù tai
Những điều cần biết về chứng ù tai - Ảnh: BookingCare 

Những điều cần biết về chứng ù tai

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 16/11/2023 | Cập nhật lần cuối: 29/01/2024
Ù tai là một vấn đề phổ biến trong các bệnh về tai, số người bị ảnh hưởng bởi ù tai khoảng 15% đến 20% và đặc biệt phổ biến ở người lớn tuổi. Hãy theo dõi những chia sẻ chuyên môn từ bác sĩ để tìm hiểu chi tiết về chứng ù tai.

Đa số trường hợp chỉ bị ù tai tạm thời, đặc biệt sau khi tiếp xúc với âm thanh lớn. Khoảng 10% sẽ bị ù tai kéo dài và khoảng 1% bị ù tai nặng đến mức ảnh hưởng đến chất lượng sống của họ. Cùng hiểu thêm  nguyên nhân, biểu hiện, phương pháp điều trị và cách phòng ngừa ù tai trong bài viết dưới đây.

Ù tai là gì?

Ù tai được định nghĩa là cảm nhận âm thanh bất thường mà không có bất kỳ kích thích nào từ môi trường bên ngoài, có nguồn gốc từ chính hệ thống thính giác hoặc các cơ quan lân cận.

Phần lớn tiếng ù là đơn âm, cũng có những trường hợp tiếng ù dạng âm phức như tiếng dế kêu, tiếng chuông reo, vo ve. Ù tai có thể nghe từ một bên hoặc hai bên, nghe mọi lúc, thường tăng lên về đêm gây khó chịu cho người bệnh.

Đôi khi cần phân biệt ù tai với các âm thanh do ảo giác như tiếng nói trong tai, tiếng nhạc, thường là kết quả của của nhiễm độc thuốc, rối loạn tâm lý hoặc với tình trạng nghe tiếng nói, hơi thở của chính người bệnh do điếc dẫn truyền, vòi nhĩ dãn rộng.

Ù tai thường chia làm 2 dạng: 

  • Ù tai chủ quan: tiếng ù chỉ người bệnh nghe thấy mà người khác không nghe thấy được, trên thực tế chủ yếu hay gặp dạng ù tai này.
  • Ù tai khách quan (ù tai theo mạch đập): một số ít trường hợp tiếng ù nhịp nhàng trùng với tiếng nhịp đập của tim, bác sĩ thăm khám có thể nghe thấy tiếng ù của người bệnh.

Tìm hiểu nguyên nhân gây ù tai

Nguyên nhân gây ù tai không phải lúc nào cũng rõ ràng nhưng nó thường liên quan đến:

  • Bệnh Meniere (sũng nước mê nhĩ) một rối loạn của tai trong hoặc các dạng áp lực nội dịch tai trong cáo bất thường
  • Tiếp xúc tiếng ồn kéo dài
  • Chấn thương âm do tiếp xúc với âm thanh ở cường độ cao đột ngột
  • Nhiễm trùng: trong các trường hợp viêm tai giữa, viêm tai ngoài, hoặc nút ráy tai cũng có biểu hiện ù tai.
  • Lão thính, nghe kém ở người già
  • Các u thần kinh VIII, cholesteatoma
  • Các chất độc cho tai như kim loại nặng, các loại thuốc gây độc cho tai như: kháng sinh aminoglycosid (gentamycin, streptomycin,...) , các thuốc chống viêm không steroid, thuốc lợi tiểu vòng (furosemide)
  • Bệnh lý về gen
  • Bệnh lý mạch máu: thiếu máu, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, xơ vữa động mạch
  • bệnh lý nội tiết: đái tháo đường, suy giáp, cường giáp
  • Chứng lo lắng hoặc trầm cảm
  • Chấn thương đầu cổ

Biểu hiện của ù tai

  • Mắc chứng ù tai là khi cảm nhận rõ tiếng ù nghe như: tiếng chuông reo, tiếng vo ve, tiếng rít… có thể ù tai bên trái, bên phải hay cả hai bên.
  • Tiếng ù có thể xảy ra mọi lúc, thường tăng lên khi không gian yên tĩnh đặc biệt về đêm.
  • Stress thường làm nặng thêm ù tai.
  • Ùtai có thể đi kèm các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, đau đầu.

Phương pháp chẩn đoán từ bác sĩ

Bác sĩ thường sẽ chẩn đoán bạn bị ù tai chỉ dựa trên các triệu chứng của người bệnh. Nhưng để điều trị, bác sĩ cũng sẽ cố gắng xác định xem chứng ù tai của có phải do một bệnh tiềm ẩn khác gây ra hay không. 

Để giúp chẩn đoán nguyên nhân gây ù tai, bác sĩ có thể sẽ hỏi về tiền sử và diễn biến các triệu chứng, kiểm tra tai, đầu và cổ. 

Một số xét nghiệm được chỉ định bao gồm đo thính lực đồ để kiểm tra thính giác và sức nghe, lấy máu xét nghiệm để kiểm tra tình trạng thiếu máu, các vấn đề về tuyến giáp, tim mạch hoặc thiếu hụt vitamin, đánh giá tình trạng dị ứng, tuỳ vào nguyên nhân nghi ngờ các bác sĩ có thể cho chụp phim cộng hưởng từ để kiểm tra thêm. 

Bác sĩ thực hiện đo thính lực đồ
Bác sĩ thực hiện đo thính lực đồ - Ảnh: BookingCare

Điều trị ù tai

Tùy thuộc vào các nguyên nhân ù tai mà có thể sử dụng các phương pháp tâm lý như liệu pháp thay đổi hành vi nhận thức, liệu pháp âm thanh hoặc sử dụng máy trợ thính, các loại máy phát âm thanh dễ chịu đối với người bệnh. Điều trị nội khoa bằng thuốc hoặc phẫu thuật khi cần thiết:

  1. Điều trị bằng phẫu thuật: Trong các trường hợp ù tai có nguyên nhân gây ù là các khối u choán chỗ, các phẫu thuật nhằm giảm áp, sử dụng hoá chất kết hợp… 
  2. Điều trị nội khoa giúp giảm triệu chứng ù tai: Nếu nguyên nhân do nhiễm trùng như viêm ống tai ngoài, nút ráy ống tai, viêm tai giữa sẽ lấy sạch ráy tai, điều trị theo phác đồ chống viêm tai giữa, viêm ống tai ngoài.
    • Các thuốc lưu thông máu đến tuần hoàn ốc tai và hệ thần kinh trung ương
    • Thuốc kháng histamin và thuốc giảm phù nề trong các trường hợp nghi ngờ nguyên nhân ù tai do rối loạn chức năng vòi.
    • Các thuốc an thần, magnesi sulfat, barbiturate, meprobamate được sử dụng để giảm các ức chế trên hệ lưới của hệ thần kinh trung ương.
    • Các dẫn xuất của para-aminobenzoic acid cũng có thể được sử dụng để làm giảm độ nhạy cảm của các mô dẫn truyền thần kinh

Lưu ý tất cả các phương pháp điều trị ù tai nêu trên đều phải tuân theo phác đồ từ bác sĩ chuyên khoa.

Ù tai có nguy hiểm không?

Ù tai là hội chứng rất thường gặp, gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống người bệnh. Tuy nhiên đa phần những người đến khám và điều trị ù tai thường bỏ qua thời gian vàng dẫn đến bỏ lỡ điều trị hoặc điều trị không mang lại hiệu quả cao.

Trong số những nguyên nhân gây ù tai có những nguyên nhân rất nguy hiểm và có thể để lại biến chứng nặng nề. Do đó, cần có những biện pháp nhằm phòng ngừa tình trạng ù tai và xử lý kịp thời nếu gặp phải tình trạng này.

Sống chung với bệnh ù tai

  • Cải thiện chất lượng giấc ngủ chẳng hạn như tập thói quen đi ngủ vào giờ cố định, không dùng các chất kích thích như cafe, đồ uống có ga, có cồn vào buổi tối.
  • Tránh các yếu tố làm nặng thêm tình trạng ù tai như tiếng ồn lớn hoặc căng thẳng.
  • Tham gia chia sẻ, nói chuyện với người người bị ù tai khác
  • Không nên cắt hẳn âm thanh tiếp xúc với tai, nên duy trì âm thanh ở mức nhỏ ví dụ như nghe nhạc nhẹ (được gọi là liệu pháp âm thanh), có thể giúp mất tập trung khỏi tiếng ù.
  • Đừng bận tâm vào tiếng ù quá nhiều, tham gia các hoạt động yêu thích có thể khiến bạn mất tập trung vào nó.

Chứng ù tai ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, tưởng chừng đơn giản nhưng ù tai lại tiềm ẩn nhiều bệnh lý nghiêm trọng. Vì thế hiểu về nguyên nhân, biểu hiện, biện pháp phòng ngừa ù tai cũng là cách giúp chúng ta bảo vệ sức khoẻ. Cần lưu ý đến gặp bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng sớm ngay khi có triệu chứng ù tai để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết