Dị ứng thuốc xử lý như thế nào?
Xử lý dị ứng thuốc
Xử lý dị ứng thuốc - Ảnh: BookingCare

Dị ứng thuốc xử lý như thế nào?

Tác giả: - Xuất bản: 04/01/2024 - Cập nhật lần cuối: 04/01/2024
Dị ứng thuốc cần xử lý như thế nào là câu hỏi được nhiều người quan tâm.Cùng tìm hiểu cụ thể trong bài viết dưới đây.

Dị ứng thuốc là tình trạng hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng thái quá với một số thành phần nào đó của thuốc. Tùy vào từng trường hợp mà các triệu chứng của bệnh có thể nặng nhẹ khác nhau thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu bị sốc phản vệ. Xử lý dị ứng thuốc kịp thời là yếu tố quan trọng giúp ngăn chặn những rủi ro nguy hiểm.

Khi bị dị ứng thuốc cần làm gì?

Ngay khi nhận thấy cơ thể xuất hiện những biểu hiện của dị ứng thuốc, người bệnh cần ngưng dùng thuốc ngay và thăm khám sớm tại các cơ sở y tế để được kiểm tra và hỗ trợ kịp thời.

Khi nghi ngờ cơ thể bị dị ứng thuốc, người bệnh cần lưu ý những điều sau đây trước khi thăm khám với bác sĩ:

  • Ngưng sử dụng thuốc: Khi ngừng sử dụng thuốc có tác nhân gây dị ứng, các triệu chứng sẽ mờ dần.
  • Thu thập thông tin, mẫu thuốc đang dùng: Khi nghi ngờ bị dị ứng thuốc, người bệnh cần lưu lại bao bì gồm tên, nhãn hiệu, mẫu thuốc,... mang theo khi đi khám để bác sĩ có thể tra thành phần dị ứng chính xác nhất.
  • Khi triệu chứng ở mức độ nhẹ, người bệnh cần nghỉ ngơi để tình trạng được ổn định hơn. Nếu bị dị ứng thuốc mức độ nặng hơn và nguy hiểm như: khó thở, tăng nhịp tim, chóng mặt hoặc choáng váng,... Người bệnh cần nhờ sự giúp đỡ của người nhà để tới cơ sở y tế gần nhất.

Các phương pháp điều trị dị ứng thuốc bằng các biện pháp y tế

Trong một số trường hợp, ngưng sử dụng thuốc là yếu tố cũng như biện pháp điều trị hiệu quả duy nhất giúp người bệnh loại bỏ những triệu chứng của dị ứng thuốc.

Trường hợp dị ứng thuốc mức độ nặng hơn, bên cạnh ngưng hoàn toàn sử dụng thuốc gây dị ứng, người bệnh phải điều trị bằng một số loại thuốc, cụ thể như:

Thuốc bôi ngoài da

Thuốc bôi được sử dụng để điều trị mẩn ngứa và ban đỏ do dị ứng thuốc, người bệnh có thể bôi trực tiếp lên vùng da bị tổn thương. Những vết dị ứng nhẹ này sẽ tạm thời biến mất sau vài ngày sử dụng thuốc.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp bị dị ứng với triệu chứng phát ban ngoài da nhưng thuốc bôi không đem lại hiệu quả. Người bệnh cần điều trị bằng thuốc uống bên cạnh thuốc bôi để tăng tỷ lệ thành công của đợt điều trị. Nếu bị phản ứng dị ứng thuốc nặng, tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc bôi ngoài da liền mà phải khám bác sĩ để được chỉ định loại thuốc cần sử dụng điều trị.

Thuốc kháng histamine

Thuốc kháng histamine có nhiều loại bao gồm cả thuốc kê đơn hoặc thuốc không kê đơn. Những loại thuốc này có thể ngăn chặn các hoạt chất trung gian gây viêm hệ thống được kích hoạt trong phản ứng dị ứng.

Corticosteroid

Corticosteroid là thuốc chống viêm giúp ngăn chặn sự sản xuất các hoặc chất trung gian gây viêm hệ thống. Corticosteroid có thể được sử dụng qua đường uống hoặc đường tiêm, thường được sử dụng trong những trường hợp dị ứng thuốc mức độ nặng hơn.

Thuốc giãn phế quản

Người bệnh bị dị ứng thuốc có các biểu hiện như khó thở, tức ngực hoặc các vấn đề liên quan để phổi có thể được điều trị bằng thuốc giãn phế quản để tạm thời tăng lưu thông đường dẫn khí, tránh tình trạng giảm oxy máu xảy ra.

Epinephrine (Adrenaline)

Nếu người bệnh bị dị ứng thuốc nghiêm trọng, đặc biệt là sốc phản vệ, cần phải tiêm epinephrine ngay lập tức. Loại thuốc này được sử dụng trong tình huống khẩn cấp, có thể giảm thiểu những biểu hiện nguy hiểm của sốc phản vệ trong thời gian sớm nhất.

Hầu hết các trường hợp dị ứng thuốc sẽ khỏi sau khoảng vài giờ ngưng sử dụng thuốc. Nhưng trong một số ít trường hợp, các triệu chứng có thể mất vài tuần hoặc thậm chí vài tháng mới biến mất hoàn toàn, hoặc đôi khi phải dùng thuốc để can thiệp tình trạng viêm hệ thống mới làm giảm được phản ứng dị ứng do thuốc.

Trên đây là một số thông tin cơ bản về cách xử lý cũng như các biện pháp điều trị dị ứng thuốc. Ngay khi nhận thấy cơ thể xuất hiện những biểu hiện bất thường sau khi sử dụng một loại thuốc nào đó, người bệnh cần nhanh chóng thăm khám tại các cơ sở y tế để được kiểm tra và hỗ trợ kịp thời.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết