Điểm danh 3 nguyên nhân chính gây thiếu sắt cần chú ý

Tác giả: - Xuất bản: 17/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 20/03/2024
Nguyên nhân gây thiếu sắt
Thiếu sắt có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau - Ảnh: BookingCare
Thiếu sắt có thể do ăn uống không đầy đủ và do nguyên nhân khác. Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này ngay sau đây.

Thiếu sắt là tình trạng không hiếm gặp ở cộng đồng và có thể tiến triển thành thiếu máu do thiếu sắt nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, dẫn đến những tác động xấu với sức khỏe. Vậy những lý do nào có thể gây nên tình trạng thiếu sắt?

Nguyên nhân nào gây thiếu sắt?

Chế độ ăn uống không cung cấp đủ sắt

Cơ thể có thể dự trữ một lượng nhỏ chất sắt nhưng không thể tự tổng hợp hay tạo ra sắt. Do vậy, chúng ta cần cung cấp sắt cho cơ thể qua những thực phẩm chúng ta ăn hằng ngày.

Việc không cung cấp đủ chất sắt từ chế độ ăn uống có thể do nhiều lý do, bao gồm:

  • Ăn kiêng hoặc ăn quá ít: Các chế độ ăn kiêng hoặc ăn quá ít thường dẫn đến thiếu hụt chất sắt.
  • Người ăn chay hoặc ăn ít thịt, các thực phẩm động vật: Những người ăn chay hoặc ăn ít thịt thường không nhận được đủ lượng sắt từ thực phẩm.
  • Trẻ sau 6 tháng không được ăn dặm: Sau 6 tháng, sữa mẹ không còn cung cấp đủ nhu cầu sắt cho trẻ, do đó việc không bổ sung thêm thực phẩm chứa sắt trong chế độ ăn có thể gây thiếu hụt sắt.
  • Trẻ dưới 2 tuổi không uống sữa mẹ hay sữa công thức thay vào đó là uống nhiều sữa bò, sữa dê, sữa đậu nành - các loại sữa có hàm lượng sắt thấp)
  • Chế độ ăn nhiều phytates, polyphenol: Các thực phẩm giàu phytates và polyphenol như hạt ngũ cốc và rau củ quả có thể ảnh hưởng đến hấp thụ sắt trong cơ thể.

Ngoài ra, trong một vài giai đoạn của cuộc đời hoặc do một số nguyên do mà một người có thể cần nhiều sắt hơn bình thường. Nhu cầu sắt tăng lên nhưng không được cung cấp, đáp ứng đầy đủ sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu sắt và thiếu máu do thiếu sắt cao hơn:

  • Trẻ sơ sinh (đặc biệt là trẻ sinh non, cân nặng sơ sinh thấp) và trẻ nhỏ
  • Thanh thiếu niên (đặc biệt là giới nữ)
  • Phụ nữ đang trong kỳ kinh nguyệt
  • Phụ nữ mang thai
  • Bà mẹ đang cho con bú
  • Vận động viên tập luyện cường độ cao
  • Bệnh nhân sử dụng thuốc kích thích tạo hồng cầu

Mất máu

Mất máu là một nguyên nhân chính gây ra tình trạng thiếu sắt, đặc biệt là trong các trường hợp sau:

  • Mất lượng máu lớn: Các sự kiện như phẫu thuật lớn, chấn thương nặng, hoặc quá trình sinh con có thể gây mất lượng máu đáng kể.
  • Mất máu liên tục: Kinh nguyệt quá nhiều, hiến máu quá thường xuyên, hoặc các trường hợp khác như chảy máu cam thường xuyên cũng dẫn đến mất lượng sắt do sắt đi kèm với máu mất đi.

Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến xuất huyết trong đường tiêu hóa cũng là nguyên nhân phổ biến gây mất máu khiến cơ thể mất đi một lượng sắt đáng kể, dẫn đến tình trạng thiếu sắt:

  • Sử dụng Aspirin hoặc các loại thuốc chống viêm không Steroid kéo dài.
  • Các bệnh như loét dạ dày tá tràng, viêm thực quản, viêm dạ dày ăn mòn.
  • Các vấn đề như polyp ruột, ung thư ruột già.
  • Bệnh trĩ, nứt hậu môn, loét trực tràng.

Khó hấp thu sắt

Khả năng hấp thu sắt của cơ thể phụ thuộc vào quá trình tiêu hóa. Nếu có bất kỳ vấn đề nào ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, như rối loạn tiêu hóa, bệnh celiac, viêm dạ dày, từng làm phẫu thuật cắt bỏ tá tràng, dạ dày, nhiễm ký sinh trùng như giun móc, sán dây,... sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến lượng sắt mà cơ thể hấp thu, dẫn đến thiếu sắt, thiếu máu.

Trên đây là những nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng thiếu sắt mà chúng ta cần chú ý để phòng tránh. Mong rằng bài viết trên đã đem lại những thông tin hữu ích cho độc giả.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết