Thiếu sắt là gì? Cùng tìm hiểu ngay
Thiếu sắt là gì?
Những thông tin về tình trạng thiếu sắt mà bạn cần biết - Ảnh: BookingCare

Thiếu sắt là gì? Cùng tìm hiểu ngay

Tác giả: - Xuất bản: 17/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 20/03/2024
Thiếu sắt sẽ gây những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Cùng tìm hiểu ngay vấn đề thiếu sắt là gì, triệu chứng, chẩn đoán, điều trị và cách phòng ngừa thiếu sắt trong bài viết dưới đây.

Thiếu sắt là tình trạng tương đối phổ biến không phân biệt độ tuổi hay giới tính. Tuy nhiên, nó thường xuất hiện ở trẻ em và giới nữ, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

Thiếu sắt là gì?

Sắt là một khoáng chất đóng vai trò quan trọng để sản xuất hồng cầu, giúp cơ thể có thể duy trì trạng thái khỏe mạnh.

Thiếu sắt là khi lượng sắt dự trữ bị giảm xuống và dần cạn kiệt, khiến cơ thể không đủ sắt để tạo thành huyết sắc tố dẫn đến bệnh lí có tên gọi là thiếu máu thiếu sắt. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến nhiều chức năng của cơ thể: gây suy giảm khả năng miễn dịch, giảm chức năng thần kinh và vận động, ...

Thiếu sắt diễn biến từ từ qua 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1: Lượng sắt dự trữ trong cơ thể giảm dần, người bệnh chưa bị thiếu máu.
  • Giai đoạn 2: Lượng sắt dự trữ cạn kiệt, lượng sắt vận chuyển trong máu giảm.
  • Giai đoạn 3: Thiếu máu, người bệnh xuất hiện cả triệu chứng của thiếu máu và thiếu sắt.

Triệu chứng thiếu sắt

Thiếu sắt thường không biểu hiện triệu chứng rõ ràng và có thể chỉ gây ra cảm giác mệt mỏi, kém tập trung hơn bình thường. Tuy nhiên, khi tình trạng này tiến triển đến giai đoạn thiếu máu do thiếu sắt, các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Da xanh
  • Cảm thấy mệt mỏi, uể oải
  • Cơ thể suy nhược, ốm yếu
  • Khó thở, tim đập nhanh
  • Chóng mặt, choáng váng, ngất
  • Khó tập trung và khả năng ghi nhớ kém
  • Dễ cáu gắt
  • Hay buồn ngủ
  • Dễ mắc các vấn đề nhiễm trùng
Mệt mỏi do thiếu sắt
Thiếu sắt gây mệt mỏi và khó tập trung trong công việc - Ảnh: Canva

Nguyên nhân gây thiếu sắt

Nguyên nhân gây thiếu sắt bao gồm:

  • Chế độ ăn uống không cung cấp đủ nhu cầu sắt của cơ thể, đặc biệt phổ biến ở những đối tượng có nhu cầu sắt tăng cao hơn bình thường, như phụ nữ mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, bà mẹ đang cho con bú, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ,...
  • Mất sắt do mất máu: Thiếu sắt thường gặp trong các tình trạng chảy máu mãn tính tiềm ẩn ở đường tiêu hóa (loét dạ dày tá tràng xuất huyết, bệnh trĩ, ...). Ngoài ra, mất lượng máu lớn do tai nạn, phẫu thuật hay sau sinh con, ... cũng có thể gây mất sắt. 
  • Giảm hấp thu sắt: Những người có các vấn đề rối loạn tiêu hóa kém hấp thu như bệnh Celiac, viêm dạ dày, ... hay đã bị cắt dạ dày, cắt đoạn ruột,... cũng khiến việc hấp thu sắt bị giảm sút.

Chẩn đoán thiếu sắt

Các phương pháp chẩn đoán thiếu sắt bao gồm:

  • Hỏi tiền sử bệnh: Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng bạn đang gặp phải,  bệnh lý đã có và chế độ dinh dưỡng của bạn để xác định liệu có khả năng thiếu sắt hay không.
  • Khám lâm sàng: Bác sĩ có thể thực hiện một số thăm khám như kiểm tra màu da, mắt, môi và niêm mạc để tìm các dấu hiệu của thiếu sắt.
  • Xét nghiệm máu: Bao gồm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi và xét nghiệm sinh hóa máu như đo nồng độ sắt, ferritin (dự trữ sắt), và nồng độ hemoglobin để đánh giá tình trạng sắt trong cơ thể.
  • Các xét nghiệm khác: Tùy vào từng trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh làm các xét nghiệm bổ sung như: xét nghiệm nước tiểu, nội soi tiêu hóa, siêu âm, chụp X-quang, ... để phát hiện tình trạng bệnh lý kèm theo.

Điều trị thiếu sắt

Việc điều trị thiếu sắt sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân và tình trạng thiếu sắt của mỗi người. Nguyên tắc điều trị thiếu sắt như sau:

  • Ở giai đoạn sớm, khi bệnh nhân mới bắt đầu thiếu sắt và chưa phát triển thành thiếu máu: Bổ sung sắt qua chế độ ăn uống hàng ngày và sử dụng các chế phẩm chứa sắt như Ferrous sulfate, Ferrous gluconate, Ferrous fumarate.
  • Thời gian bổ sung sắt kéo dài từ 6 - 12 tháng tuỳ theo mức độ thiếu sắt và nên tiếp tục bổ sung sắt thêm 3 tháng khi huyết sắc tố đã trở về mức bình thường.
  • Khuyến khích người bệnh ăn nhiều rau xanh, quả chín hoặc uống bổ sung vitamin C để tăng cường hấp thu sắt.
  • Bổ sung sắt qua đường tiêm truyền tĩnh mạch được chỉ định trong các trường hợp thiếu máu thiếu sắt nặng hoặc rất nặng; cơ thể không hấp thu được sắt qua đường uống (bệnh nhân đã cắt đoạn ruột, dạ dày, hoặc các bệnh lí ảnh hưởng đến việc hấp thu); thiếu máu trong khi bệnh mạn tính hoặc viêm nhiễm đang tiến triển.
  • Tránh việc truyền máu nếu không cần thiết, trừ trường hợp thiếu máu nặng cần phải bổ sung ngay.
  • Kết hợp điều trị các bệnh lý, nguyên nhân gây thiếu máu thiếu sắt để đạt được hiệu quả cao nhất.

Phòng ngừa thiếu sắt

Chế độ ăn uống cân bằng: Đối với người bình thường, việc duy trì một chế độ ăn uống cân bằng, đa dạng và giàu chất dinh dưỡng là cách tốt nhất để đảm bảo cơ thể hấp thu đủ lượng sắt cần thiết.

Bổ sung sắt đối với nhóm rủi ro cao:

  • Phụ nữ mang thai nên bổ sung viên sắt và acid folic ngay khi có thai cho tới sau khi sinh một tháng.  
  • Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần uống viên sắt theo phác đồ dự phòng, với liều 1 viên/tuần trong thời gian 16 tuần.
  • Trẻ sinh non, trẻ sinh đa thai, trẻ sơ sinh nhẹ cân và trẻ thiếu sữa mẹ cần được cung cấp các loại sữa công thức hoặc sản phẩm dinh dưỡng có bổ sung chất sắt.

Các biện pháp này giúp đảm bảo cơ thể nhận được đủ lượng sắt cần thiết và giảm nguy cơ thiếu sắt. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình bổ sung nào, nên thảo luận với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo sự phù hợp và an toàn.

Tóm lại, thiếu sắt là một vấn đề mà bất cứ ai cũng có thể gặp phải, tuy nhiên đây không phải là một vấn đề nghiêm trọng. Chúng ta có thể điều trị khỏi thiếu sắt và cũng rất dễ dàng để phòng ngừa tình trạng này.

Điều quan trọng là phải luôn chú ý, quan tâm đến tình trạng sức khỏe của bản thân. Hãy duy trì lối sống, chế độ ăn uống đầy đủ, cân bằng và khám sức khỏe định kỳ thường xuyên để nắm bắt tình hình sức khỏe bản thân. Hy vọng bài viết đã phần nào giải đáp cho độc giả những thắc mắc về tình trạng thiếu sắt này.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết