Thiếu sắt nên ăn gì? Thực phẩm nào giàu sắt?
Thiếu sắt nên ăn gì? Thực phẩm nào giàu sắt?
Thiếu sắt nên ăn gì?
Cơ thể cần được cung cấp sắt từ nguồn thực phẩm hàng ngày - Ảnh: BookingCare

Thiếu sắt nên ăn gì? Thực phẩm nào giàu sắt?

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 17/03/2024 | Cập nhật lần cuối: 20/03/2024
Nên ăn gì để bổ sung sắt giúp cơ thể khỏe mạnh hơn? Hãy cùng tìm hiểu các loại thực phẩm giàu chất sắt giúp cải thiện tình trạng thiếu sắt trong bài viết sau.

Sắt là một nguyên tố vi lượng cần thiết để thực hiện các chức năng quan trọng trong cơ thể. Tuy nhiên, cơ thể của chúng ta không thể tự tổng hợp hay tạo ra sắt, mặc dù lượng sắt cần thiết mỗi ngày rất nhỏ, dao động từ 7 - 18 gam cho dân số chung và có thể lên đến 27 gam ở phụ nữ mang thai.

Vì vậy, chúng ta cần phải cung cấp sắt cho cơ thể thông qua thực phẩm hằng ngày. Đặc biệt, khi cơ thể đang thiếu sắt, việc bổ sung nhanh chóng các thực phẩm giàu sắt là cực kỳ quan trọng để bù đắp tình trạng thiếu hụt này.

Nguyên tắc dinh dưỡng cho người bị thiếu sắt

Có nhiều phương pháp điều trị cho bệnh nhân bị thiếu sắt, tùy thuộc vào mức độ và tình trạng của bệnh nhân dưới sự đánh giá và thăm khám kỹ lưỡng từ các chuyên gia y tế:

  • Bổ sung sắt đường uống: sử dụng cho các trường hợp thiếu sắt nhẹ đến trung bình dạng viên hoặc dung dịch.
  • Bổ sung sắt qua đường tiêm: Trong một số trường hợp, khi cần đạt được nồng độ sắt cao nhanh chóng hoặc khi cơ thể không thể hấp thụ sắt qua đường uống, bác sĩ có thể quyết định sử dụng đường tiêm sắt.
  • Truyền máu điều trị hỗ trợ: Trong các trường hợp nặng, nguy kịch, khi bệnh nhân mắc các bệnh lý liên quan đến sự suy giảm nặng nề do thiếu sắt, việc truyền máu có thể được sử dụng như một phương pháp điều trị hỗ trợ.

Ngoài ra, người bị thiếu sắt cần đặc biệt chú ý đến việc bổ sung sắt qua chế độ ăn uống hằng ngày để cải thiện và phục hồi sức khỏe nhanh chóng hơn. Cụ thể, họ nên:

  • Ưu tiên ăn đa dạng các loại thực phẩm, bao gồm cả thực phẩm có nguồn gốc động vật và thực vật.
  • Lựa chọn các loại thực phẩm giàu đạm và sắt.
  • Tăng cường ăn rau xanh, quả chín, thực phẩm giàu vitamin C, vitamin A và acid folic để giúp tăng hấp thu sắt cho cơ thể.
  • Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm gây ức chế hấp thu sắt: trà, cà phê, đậu đỗ cả vỏ, ...
  • Nấu chín các loại rau củ chứa sắt giúp cơ thể hấp thu sắt trong thực phẩm tốt hơn.

Thực phẩm người bệnh thiếu sắt nên ăn

Sắt trong thực phẩm có 2 dạng chính: sắt heme và sắt không heme. Heme là một phần của hemoglobin, một protein có trong hồng cầu của máu động vật, giúp vận chuyển oxy từ phổi đến các mô và tế bào trong cơ thể.

Sự hiện diện của sắt heme trong thực phẩm động vật thường là nguồn cung cấp sắt hiệu quả hơn so với sắt không heme, loại sắt được tìm thấy trong thực phẩm thực vật. Sắt heme được hấp thụ tốt hơn và nhanh chóng hơn trong cơ thể so với sắt không heme.

Nguồn thực phẩm chứa sắt heme

Đây là loại sắt dễ hấp thu nhất đối với cơ thể. Sắt heme được tìm thấy trong các thực phẩm có nguồn gốc từ động vật:

  • Các loại thịt: bò, cừu, gà
  • Lòng đỏ trứng gà
  • Thủy hải sản: sò, hàu, tôm, cá ngừ, cá thu, cá mòi, ...
  • Nội tạng động vật: gan, thận, tim, ...

Nguồn thực phẩm chứa sắt không heme

Sắt không hem có cả trong thực phẩm động vật và thực vật. Nguồn thực phẩm thực vật chứa nhiều sắt không hem có thể kể đến như:

  • Các loại đậu, hạt: đậu lăng, đậu hà lan, vừng đen, vừng trắng,...
  • Ngũ cốc nguyên hạt
  • Rau lá xanh đậm: bông cải xanh, rau chân vịt, ...
  • Nấm: mộc nhĩ, nấm hương, ...

Nhìn chung, sắt có cả trong nguồn thực phẩm động vật và thực vật. Đối với những người bị thiếu sắt, việc ăn uống đa dạng các loại thực phẩm là quan trọng để đảm bảo hấp thu được đầy đủ lượng sắt cần thiết cho cơ thể. Mong rằng bài viết trên đã đem lại thông tin hữu ích cho độc giả.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết