Những điều bạn cần biết về bệnh thiếu máu
Những điều bạn cần biết về bệnh thiếu máu
Thiếu máu
Thiếu máu ở mức độ nhẹ là tình trạng nhiều người gặp phải - Ảnh: BookingCare

Những điều bạn cần biết về bệnh thiếu máu

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 26/03/2024 | Cập nhật lần cuối: 26/03/2024
Thiếu máu có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào, ở mọi giới tính và độ tuổi. Cùng tìm hiểu những thông tin quan trọng về bệnh thiếu máu trong bài viết sau đây.

Hồng cầu là một trong 3 loại tế bào máu của cơ thể (bên cạnh tế bào bạch cầu và tiểu cầu). Thiếu máu là tình trạng không có đủ số lượng và chất lượng tế bào hồng cầu hoặc huyết sắc tố để vận chuyển oxy từ phổi đến các mô của các hệ cơ quan trong cơ thể. Khi bị thiếu máu, các mô, tế bào sẽ bị thiếu oxy, gây ảnh hưởng không tốt đến chuyển hóa của tế bào.

Triệu chứng thiếu máu

Triệu chứng đầu tiên và thường gặp nhất ở người bệnh thiếu máu đó là cảm giác mệt mỏi, kém tập trung, ảnh hưởng đến chất lượngcuộc sống và công việc hàng ngày.

Ngoài ra, các triệu chứng khác có thể bao gồm:

  • Khó thở
  • Chóng mặt, choáng váng
  • Hụt hơi
  • Tim đập nhanh hoặc không đều, hồi hộp trống ngực
  • Ù tai
  • Đau đầu
  • Tay chân lạnh
  • Đau ngực, tức ngực
  • Da niêm nhợt nhạt
  • Móng tay khô, dễ gãy
  • Tóc khô, dễ rụng
  • Giảm lượng kinh nguyệt, thậm chí mất kinh ở nữ giới
Mệt mỏi do thiếu máu
Thiếu máu gây mệt mỏi và thiếu tập trung - Ảnh: Canva

Nguyên nhân thiếu máu

Thiếu máu có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau:

  • Tuổi tác: Khi chúng ta già đi, cơ thể trở nên lão hóa, các chức năng suy giảm và nguy cơ mắc bệnh thiếu máu cũng tăng lên.
  • Mất máu: Mất quá nhiều máu có thể gây thiếu máu cho cơ thể. Các tình trạng gây thiếu máu do mất máu bao gồm: chảy máu do viêm dạ dày/ruột, chảy máu do phẫu thuật, chấn thương nghiêm trọng, hiến máu quá thường xuyên, mất quá nhiều máu trong chu kỳ kinh nguyệt,...
  • Di truyền: Một số bệnh máu có tính chất di truyền và có thể gây nên tình trạng thiếu máu như Thalassemia.
  • Chế độ ăn uống: Chế độ dinh dưỡng hàng ngày không cung cấp đủ sắt, vitamin B12 và acid folic là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây thiếu máu, do đây là các yếu tố cần thiết để tạo ra tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Uống quá nhiều rượu cũng làm tăng nguy cơ thiếu máu.
  • Do tình trạng bệnh lý khác: Bệnh thận mạn, các tình trạng viêm do nhiễm trùng, ung thư hoặc bệnh tự miễn có thể khiến cơ thể tạo ra ít tế bào hồng cầu hơn. Một số loại thuốc hoặc phương pháp điều trị như hóa trị ung thư cũng có khả năng làm tăng nguy cơ thiếu máu.

Chẩn đoán thiếu máu

Bác sĩ sẽ dựa trên các triệu chứng lâm sàng cùng với chỉ số xét nghiệm máu của người bệnh để chẩn đoán thiếu máu. Nồng độ huyết sắc tố (HGB) giảm trên 5% so với giá trị tham chiếu sẽ được chẩn đoán xác định thiếu máu.

Ngoài ra, tùy vào từng trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh làm các xét nghiệm khác nhau nhằm tìm ra nguyên nhân gây thiếu máu:

  • Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi
  • Các xét nghiệm sinh hóa thường quy
  • Xét nghiệm tủy đồ
  • Nội soi dạ dày
  • Nội soi đại - trực tràng
  • Tìm ký sinh trùng trong phân
  • Tổng phân tích nước tiểu

Điều trị thiếu máu

Nguyên tắc điều trị thiếu máu là cần xác định và điều trị theo nguyên nhân gây bệnh.

Với các trường hợp thiếu máu do thiếu dinh dưỡng, trước tiên bác sĩ sẽ cần tìm ra và điều trị các nguyên nhân gây thiếu sắt (u xơ tử cung, giun móc, bệnh trĩ,...) hay thiếu acid folic, vitamin B12 (tổn thương gan do rượu, cắt đoạn dạ dày,...).

Ngoài ra, người bệnh cần có chế độ ăn lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng hơn để cung cấp đủ sắt, acid folic, vitamin B12 cho quá trình tạo hồng cầu của cơ thể.

Tùy mức độ thiếu máu và thiếu dinh dưỡng, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh sử dụng thêm các chế phẩm bổ sung sắt, acid folic, vitamin B12 theo đường uống hay tiêm tĩnh mạch.

Với các trường hợp thiếu máu do nguyên nhân bệnh lý khác, phương pháp điều trị cụ thể sẽ được chỉ định phụ thuộc vào nguyên nhân gây thiếu máu. Người bệnh có thể được: truyền khối hồng cầu, thuốc kích thích sinh hồng cầu, điều trị ức chế miễn dịch bằng corticoid, cắt lách, ghép tế bào gốc tạo máu đồng loài,... với bệnh thiếu máu do tan máu tự miễn, thiếu máu do tủy giảm sinh, thiếu máu do bệnh lý hồng cầu bẩm sinh,... 

Phòng ngừa thiếu máu

Tình trạng thiếu máu do các nguyên nhân bệnh lý thường không thể phòng ngừa được. Tuy nhiên, ăn uống lành mạnh và đầy đủ chất dinh dưỡng có thể giúp phòng tránh được việc thiếu máu do thiếu sắt và vitamin B9 (acid folic) hay vitamin B12:

  • Sắt: Thịt đỏ và nội tạng động vật là nguồn cung cấp sắt chất lượng, dễ hấp thu cho cơ thể. Ngoài ra các loại đậu như đậu hà lan, đậu lăng hay rau có màu xanh đậm cũng rất dồi dào chất sắt.
  • Vitamin B9 (Acid folic): Acid folic có nhiều trong các loại trái cây, ngũ cốc (gạo, các loại đậu) và rau có lá xanh đậm.
  • Vitamin B12: Các thực phẩm giàu vitamin B12 bao gồm: thịt, sữa, các sản phẩm từ sữa và các sản phẩm từ đậu nành.
  • Vitamin C: Vitamin C có tác dụng giúp cơ thể hấp thu sắt tốt hơn. Nguồn thực phẩm giàu vitamin C  có thể kể đến như trái cây họ cam quýt, ổi, dâu tây, cà chua, ớt chuông, bông cải xanh,...

Trên đây là những thông tin về triệu chứng, nguyên nhân, cách chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa thiếu máu mà bạn cần biết. Mong rằng bài viết đã giải đáp được phần nào những câu hỏi, thắc mắc của độc giả về tình trạng thiếu máu này.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare