Cũng giống như đối với người khỏe mạnh bình thường, người bị thiếu máu cũng cần một chế độ ăn lành mạnh, cân bằng để cung cấp đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể hoạt động.
Bên cạnh 3 nhóm chất lớn là tinh bột, đạm, chất béo, cần chú ý ăn đa dạng thực phẩm, ăn nhiều rau xanh quả chín để cung cấp chất xơ, vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe.
Ngoài ra, người bệnh có thể bổ sung những thực phẩm dưới đây nhằm kích thích cơ thể tái tạo và sản sinh hồng cầu tốt hơn, giúp ích cho việc điều trị thiếu máu:
4 nhóm thực phẩm giúp bổ máu
Thực phẩm giàu sắt
Sắt là khoáng chất quan trọng cho quá trình tạo máu, thiếu sắt là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất gây nên thiếu máu. Do vậy, người thiếu máu nên tăng cường tiêu thụ các thực phẩm giàu sắt trừ một số bệnh lý gây quá tải sắt như Thalassemia.
Sắt có cả trong nguồn thực phẩm động vật và thực vật. Các loại thực phẩm động vật chứa nguồn sắt heme dồi dào và dễ hấp thu cho cơ thể:
- Thịt: bò, gà, lợn,..
- Nội tạng: gan
- Tiết bò, tiết lợn
- Lòng đỏ trứng
- Cá
Sắt từ nguồn thực vật là loại sắt không heme, có giá trị sinh học thấp hơn:
- Các loại hạt: vừng, đậu tương, đậu trắng,...
- Nấm: mộc nhĩ, nấm hương,...)
- Rau xanh: cần tây, rau đay, rau dền,...
- Trái cây: đu đủ chín, táo tây, hồng xiêm, lê, chuối,...
Thực phẩm giàu vitamin C
Vitamin C không trực tiếp tham gia vào quá trình tạo máu, tuy nhiên nó có thể giúp ích bằng cách làm tăng hấp thu sắt cho cơ thể. Các thực phẩm giàu Vitamin C có kể kể đến như:
- Ớt chuông (màu vàng và màu đỏ)
- Cần tây
- Bưởi
- Kiwi
- Chanh
- Ổi
- Rau dền
- Súp lơ xanh
- Rau cải ngọt
Thực phẩm giàu vitamin B9 (Acid folic)
Acid folic không chỉ tham gia vào quá trình tạo máu mà còn rất cần thiết cho sự phát triển của tế bào, thiếu acid folic sẽ làm tăng nguy cơ dẫn đến thiếu máu hồng cầu to.
Loại vitamin này không được dự trữ số lượng lớn trong cơ thể, do vậy chúng ta cần bổ sung acid folic từ chế độ ăn uống hàng ngày để đảm bảo đủ lượng vi chất cần thiết cho các chức năng hoạt động của cơ thể. Những thực phẩm giàu acid folic bao gồm:
- Gan (vịt, gà, bò, lợn)
- Các loại đậu: đậu xanh, đậu đen, đậu trắng, đậu nành,...
- Lạc
- Một số loại rau: rau muống, cải xanh, cải cúc,...
- Lòng đỏ trứng gà
Thực phẩm giàu Vitamin B12
Tương tự như vitamin B9, vitamin B12 giữ vai trò quan trọng trong quá trình sinh hồng cầu. Do vậy bạn có thể bị thiếu máu nếu không cung cấp đủ lượng vitamin này mỗi ngày. Vitamin B12 thường có trong thực phẩm có nguồn gốc động vật:
- Sữa và các sản phẩm từ sữa (sữa chua, phô mai)
- Cá biển
- Gan động vật: gan bò, gan cá
- Thịt
- Trứng
Việc bổ sung các chất dinh dưỡng tốt cho máu từ thực phẩm có thể là một phần của kế hoạch điều trị đối với các trường hợp thiếu máu dinh dưỡng ở mức độ nhẹ và vừa.
Tuy nhiên, với các tình trạng thiếu máu nặng, cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương pháp bổ sung các chế phẩm qua đường uống hoặc tiêm để đạt hiệu quả điều trị tốt hơn.
Mong rằng bài viết trên đây đã giải đáp được phần nào thắc mắc của độc giả về vấn đề dinh dưỡng cho bệnh thiếu máu.