Thanh quản có 3 chức năng sinh lí quan trọng: hô hấp, bảo vệ đường hô hấp và phát âm. Khi thanh quản bị viêm, 3 chức năng trên sẽ bị ảnh hưởng và gây ra các triệu chứng: khó thở, ho và khàn tiếng.
Khi bị viêm thanh quản, toàn bộ niêm mạc họng, vùng tiền đình thanh quản, đặc biệt là dây thanh nề đỏ, phủ chất xuất tiết nhầy làm dây thanh kém di động dẫn đến khàn tiếng.
Dấu hiệu viêm thanh quản ở trẻ em
Các triệu chứng viêm thanh quản ở trẻ em và người lớn có sự khác nhau. Triệu chứng ở đối tượng này thường là:
- Sốt nhẹ 38 đến 38,5 độ C. Virut và vi khuẩn là nguyên nhân chính gây viêm thanh quản ở trẻ. Sốt là một dấu hiệu cho thấy hệ miễn dịch của cơ thể đang chống lại các tác nhân gây bệnh xâm nhập.
- Khàn tiếng nhẹ. Khi thanh quản bị viêm thì dây thanh nề đỏ, phủ chất xuất tiết nhầy làm dây thanh kém di động, khép không kín khi phát âm dẫn đến tình trạng khàn tiếng.
- Thở rít, tiếng ho ông ổng. Viêm thanh quản cấp ở trẻ em có kèm theo ho. Ho ông ổng như tiếng chó sủa là do virut xâm nhập cơ thể gây cảm lạnh ở trẻ nhỏ.
- Viêm thanh quản ở trẻ thường nặng hơn vào ban đêm, khi đó ở trẻ có thể xuất hiện các cơn khó thở thanh quản. Đây có thể là một tình trạng cấp cứu ở trẻ nhỏ, vì vậy ba mẹ cần chăm sóc trẻ thật chu đáo để cấp cứu kịp thời.
- Nếu nguyên nhân gây bệnh là do virut thì trẻ còn có các dấu hiệu của bệnh cảm cúm: hắt hơi sổ mũi, ngạt mũi, khó thở nhẹ…
Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu của viêm phế quản – tình trạng viêm các mô xung quanh đường dẫn khí có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Nhìn chung, hệ hô hấp ở trẻ nhỏ chưa được phát triển toàn diện nên bệnh ở trẻ nhỏ nguy hiểm hơn người lớn gấp nhiều lần. Chính vì vậy ba mẹ cần cho trẻ đi khám ngay khi nhận biết con mình có các dấu hiệu bất thường kể trên.
Dấu hiệu viêm thanh quản ở người lớn
Ở người lớn, bệnh có thể có nhiều triệu chứng khác nhau như:
- Khàn giọng. Thanh âm là một cặp dây như nếp gấp bằng màng nhầy nằm bên trong thanh quản đảm nhiệm vai trò rung liên tục để phát ra âm thanh. Khi ta im lặng, dây thanh âm sẽ đóng lại. Viêm thanh quản làm cho cặp dây thanh âm bị dai dính, di động kém dẫn đến âm phát ra bị khàn.
- Mất giọng. Khàn tiếng mức độ nặng sẽ dẫn đến mất giọng.
- Đau họng. Tình trạng đau và khó chịu ở họng, có thể xảy ra khi nuốt hoặc không nuốt, thường kèm theo nhiễm trùng, chẳng hạn như cảm lạnh hoặc cúm.
- Sốt nhẹ
- Ho khan, ho dai dẳng. Ho là một phản xạ giúp tống các tác nhân gây bệnh ra khỏi đường hô hấp. Tuy nhiên nếu ho kéo dài sẽ làm cho người bệnh suy giảm sức khỏe, cơ thể mệt mỏi.
- Niêm mạc đường hô hấp mà nhất là niêm mạc thanh quản bị sưng nề làm cho người bệnh cảm thấy khó chịu trong miệng buộc phải thường xuyên hắng giọng.
Viêm thanh quản thường có liên quan và có mắc kèm với một số bệnh khác như viêm amidan, viêm họng, cảm lạnh, cúm nên có thể xuất hiện các triệu chứng sau:
Những triệu chứng của viêm thanh quản cấp thường xuất hiện đột ngột và có thể trở nên nặng hơn sau 2 đến 3 ngày. Nếu triệu chứng kéo dài hơn 3 tuần, có thể bệnh đã tiến triển thành viêm thanh quản mạn tính.
Tóm lại, viêm thanh quản có thể khỏi trong vòng 1 tuần. Nếu giọng của bạn bị khàn kéo dài hơn 2 tuần và dường như không cải thiện, thì cần tới cơ sở y tế để được thăm khám. Ngoài ra, người bệnh cũng nên đi khám bệnh khi có biểu hiện như: Đau họng, sốt ≥38,5 độ C hoặc đau họng nặng và không cải thiện sau 5 đến 7 ngày.