Viêm thanh quản cấp: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị

Tác giả: - Xuất bản: 17/09/2020 - Cập nhật lần cuối: 17/04/2024
Viêm thanh quản
Viêm thanh quản cấp: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị - Ảnh BookingCare
Viêm thanh quản cấp do virut là một bệnh rất thường gặp vào mùa xuân và mùa thu ở mọi độ tuổi. Tuy nhiên, trẻ em và người lớn tuổi là hai đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh do phản ứng bảo vệ của đường hô hấp chưa được hoàn thiện (trẻ em) hoặc có phần suy giảm (người lớn tuổi).  

Viêm thanh quản cấp tính là tình trạng viêm niêm mạc thanh quản kéo dài dưới 3 tuần. Bên cạnh khản tiếng, mất tiếng, viêm thanh quản cấp còn kèm theo nhức đầu, mệt mỏi, sổ mũi, sốt, đau họng, có cảm giác nóng: khô hoặc rấm rứt như có dị vật trong cổ họng,...

Nguyên nhân gây viêm thanh quản cấp

Qua nhiều nghiên cứu, các nhà lâm sàng phát hiện nguyên nhân gây viêm thanh quản cấp chủ yếu là do virut: influenza, virut APC, Myxovirut, virut cúm…

Viêm thanh quản cấp gặp ở trẻ em nhiều hơn người lớn, thường do viêm mũi họng. Với trẻ em, bệnh có thể từ nhẹ diễn biến thành nặng, nhiều khi viêm thanh quản còn gây ra một cấp cứu khó thở.

Viêm thanh quản cấp ở người lớn thường nam sẽ mắc nhiều hơn nữ, có thể do dị ứng, do viêm họng cấp lan xuống hoặc do nam giới uống nhiều bia rượu hơn. Ở những người do tính chất công việc phải nói nhiều, nói lớn, nói liên tục (như giáo viên, MC, ca sĩ, tư vấn bán hàng, doanh nhân...) thì dây thanh dễ bị kích ứng quá mức, dễ dẫn đến tổn thương.  

Bên cạnh đó, những người phải làm việc lâu dài trong môi trường ô nhiễm, hít phải hóa chất, chất độc có axit, kiềm,… cũng dễ làm dây thanh bị viêm nhiễm.

Biểu hiện điển hình của viêm thanh quản cấp

Các triệu chứng của bệnh viêm thanh quản cấp có sự khác nhau giữa trẻ em và người lớn.

Biểu hiện viêm thanh quản cấp ở trẻ em

Viêm thanh quản cấp ở trẻ em diễn biến khá nguy hiểm trẻ em có kích thước đường thở nhỏ chỉ bằng 1/3 người lớn, tổ chức liên kết vùng này lại lỏng lẻo nên dễ phù nề gây khó thở nặng.

  • Viêm thanh quản cấp ở trẻ biểu hiện triệu chứng chính là khó thở kèm theo tiếng khóc khàn.
  • Khó thở xuất hiện vào ngày thứ tư đến ngày thứ mười của bệnh. Khó thở kiểu thanh quản tăng nhanh trong vòng vài giờ rồi chuyển thành khó thở nặng.
  • Tiếng ho ông ổng như tiếng chó sủa khi viêm nhiễm lan sâu xuống hạ thanh môn (ngay dưới thanh quản).
  • Thỉnh thoảng lại xuất hiện một cơn co thắt thanh quản làm trẻ ngạt thở, trợn mắt, môi, mặt và đầu chi tím.
  • Trẻ sốt cao 39-40ºC, môi khô, lưỡi bẩn, mạch nhanh nhỏ, rất khó bắt. Nếu diễn biến theo chiều hướng tốt, khó thở thuyên giảm sau vài ngày. Trong trường hợp xấu, khó thở ngày càng tăng trong vòng 24 giờ nếu không được xử trí kịp thời.

Vì vậy, ngay khi có triệu chứng viêm thanh quản ở trẻ em, ba mẹ cần đưa bé đi khám ngay, nhằm hạn chế tối đa sự phù nề gây khó thở cho bé.  

Biểu hiện viêm thanh quản cấp ở người lớn

Viêm thanh quản cấp ở người lớn điển hình là viêm thanh quản đỏ cấp xuất tiết thông thường với 3 triệu chứng chính là khó thở, ho và khàn tiếng:

  • Người bệnh sốt 38, 390C
  • Cảm giác nóng trong họng như có dị vật, cổ họng rát kèm theo ho khan. Vài ngày sau thì ho có đờm, người mệt mỏi
  • Giọng khàn dần đến mất tiếng.

Khi có những dấu hiệu viêm thanh quản cấp kể trên, bạn nên đi khám để bác sĩ chẩn đoán và điều trị nhằm giảm các triệu chứng khó chịu. Đặc biệt nếu thấy tình trạng viêm nhiễm không thể tự khỏi sau 4-7 ngày hoặc nặng lên trở thành viêm khí phế quản phổi phải nhập viện điều trị ngay.

Điều trị viêm thanh quản cấp

Điều trị hiệu quả viêm thanh quản cấp với các nhóm thuốc:

  • Kháng sinh 
  • Nếu có phản ứng phù nề nhiều thì dùng thêm Corticosteroid 
  • Long đờm, giảm xuất tiết
  • Sử dụng thuốc xông ra mồ hôi, chườm ấm vùng thanh quản trước cổ
  • Thuốc giảm đau, giảm ho
  • Thuốc chống dị ứng, khí dung họng.

Viêm thanh quản cấp ở trẻ em nên được điều trị tại các cơ sở y tế có chuyên khoa Tai Mũi Họng và theo dõi chặt chẽ vì dễ gây khó thở thanh quản, có thể ảnh hưởng đến sinh mạng.

Tuy nhiên trong trường hợp nhẹ (không có tiếng thở rít thì hít vào lúc nghỉ ngơi), ba mẹ có thể chăm sóc trẻ tại nhà bằng cách:

  • Bổ sung dịch. Khi sốt, trẻ sẽ bị mất nhiều nước qua mồ hôi và hơi thở. Do đó, ba mẹ cần lưu ý bù dịch bằng cách cho trẻ uống nhiều nước. Đối với trẻ sơ sinh, mẹ nên tăng cữ bú và lượng bú. 
  • Dùng thuốc hạ sốt:  Khi thân nhiệt của trẻ khoảng 38,5°C, ba mẹ có thể hạ sốt cho trẻ bằng cách sử dụng thuốc Paracetamol với liều từ 10 - 15mg/kg/lần, mỗi lần cách 4 - 6 giờ. Dùng khăn mềm nhúng vào nước ấm vắt ráo và đặt vào các vị trí như trán, nách và bẹn của trẻ.

Đối với các trường hợp trung bình đến nặng (có tiếng thở rít khi hít vào ngay cả lúc nghỉ ngơi), cần đưa trẻ đến bệnh viện để được nhân viên y tế theo dõi và điều trị phù hợp. Trường hợp này bác sĩ có thể chỉ định phối hợp corticosteroid và adrenalin để làm thông thoáng đường thở cho trẻ. 

  • Glucocorticoid là loại thuốc thường được chỉ định trong điều trị bệnh viêm thanh quản ở trẻ em. Thuốc có tác dụng giảm viêm, giảm phù nề đồng thời tăng thông thoáng đường dẫn khí.
  •  Dùng adrenalin: Trường hợp nặng hoặc dọa suy hô hấp, việc phun đồng thời budesonide và adrenalin sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn trong việc giảm phù nề, giảm triệu chứng khó thở ở trẻ. 
  •  Thuốc kháng sinh: Nguyên nhân gây bệnh viêm thanh quản cấp ở trẻ em thương do virut nhưng thường có bội nhiễm nên phải sử dụng thêm kháng sinh. 

Tổng kết lại, viêm thanh quản cấp thường xảy ra nhanh, tiến triển trong thời gian ngắn dưới 3 tuần, nên khám và điều trị tránh bệnh năng hoặc có biến chứng. Nếu sau 3 tuần mà bệnh không đỡ có thể là viêm thanh quản mạn tính hoặc tổn thương tiền ung thư và ung thư. Do đó, người bệnh cần phải thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để soi thanh - khí - phế quản để kịp thời điều trị. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
ĐẶT KHÁM