Thanh quản nằm ở ngã ba hầu họng và khí quản, gần những bộ phận như họng, amidan nên trong các đợt cấp, virut và vi khuẩn tại đây có thể lan sang những vùng khác, gây ra triệu chứng viêm cấp tính. Thậm chí, chúng di chuyển xuống đường hô hấp dưới, dẫn đến viêm khí - phế quản (viêm thanh khí phế quản cấp), viêm phổi... nếu không được xử lý kịp thời có thể nguy hiểm tới tính mạng.
Điều trị triệu chứng
- Sử dụng kháng sinh, ngay cả khi nhiễm virut vì nguy cơ bội nhiễm cao.
- Sử dụng corticosteroid nhằm giảm phù nề, cải thiện tình trạng khó thở nhanh chóng.
- Có thể dùng tinh dầu phù hợp để xông nóng với tác dụng co mạch và giảm xuất tiết.
- Cần long đờm, giảm xuất tiết với thuốc Acemuc, Mitux, Acetylcystein…
- Sử dụng thuốc xông ra mồ hôi, chườm ấm vùng thanh quản trước cổ, giảm đau giảm viêm.
- Thuốc giảm ho nếu người bệnh ho nhiều, ho liên tục.
- Tránh xa các chất gây dị ứng và những hóa chất nghi ngờ dị ứng như bao gồm thuốc, hải sản, phấn hoa, côn trùng….
Điều trị nguyên nhân
- Nếu viêm thanh quản xảy ra vì sử dụng giọng nói quá nhiều, hãy để giọng của bạn được nghỉ ngơi, tránh sử dụng giọng nói quá mức. Nếu là ca sĩ hoặc cần sử dụng giọng để làm việc, người bệnh cần các bài tập sử dụng giọng nói, điều này có thể giúp bảo vệ giọng.
- Nếu viêm thanh quản do uống rượu quá nhiều, hãy hạn chế uống rượu. Nếu viêm thanh quản có liên quan do hút thuốc, cách tốt nhất bạn có thể làm là bỏ hút thuốc lá.
- Nếu viêm thanh quản do hít các chất hóa học mạnh, hãy tránh các chất hóa học đó. Nếu có khói thuốc lá xung quanh bạn hoặc khi bạn làm việc gần các chất khói hóa học làm cho giọng bị khàn, hãy đeo khẩu trang và sử dụng quạt thông khí.
- Nếu viêm thanh quản do trào ngược dạ dày (dịch dạ dày có tính acid), tránh các thức ăn làm cho các triệu chứng của bạn bị nặng thêm (rượu, cà phê, đồ khó tiêu). Ăn nhiều bữa ăn nhỏ mỗi ngày, hơn là chỉ ăn 2 - 3 bữa ăn lớn. Không nằm xuống ngay sau khi ăn, đặc biệt sau bữa ăn lớn.
- Ngủ kê cao đầu hợp lý tránh cao quá gây đau mỏi cổ. Tập thể dục và thư giãn. Quan trọng nhất là khám và điều trị các bệnh lý dạ dày thực quản.
Biện pháp hỗ trợ giảm khàn tiếng ngay tại nhà
- Hạn chế nói chuyện, liệu pháp giọng nói để giảm bớt những hoạt động quá mức gây tổn thương dây thanh.
- Uống nước ấm giúp làm dịu họng, loãng đờm và giảm ho hiệu quả.
- Súc họng với nước muối là biện pháp hỗ trợ giảm khàn tiếng khi bị viêm thanh quản. Lúc súc họng cần ngửa đầu lên, hơi đưa lưỡi ra ngoài và phát âm "ê" kéo dài để rửa dịch tiết trên thanh quản.
- Tắm nước nóng. Hít hơi nước nóng trong khi tắm có thể hỗ trợ làm sạch các chất tiết dính gây ra triệu chứng viêm thanh quản ở dây thanh.
Chú ý, nếu bệnh nặng lên nhanh hoặc sau 3 tuần điều trị mà bệnh viêm thanh quản không đỡ thì có thể bệnh đang diễn tiến thành viêm thanh quản mạn tính. Người bệnh cần phải nhập viện để bác sĩ khám và làm các xét nghiệm cần thiết nhằm tìm chính xác nguyên nhân gây bệnh, loại trừ những thương tổn ác tính như ung thư thanh quản.