Điểm danh các triệu chứng nhận biết sỏi tiết niệu
Điểm danh các triệu chứng nhận biết sỏi tiết niệu - Ảnh: BookingCare
Điểm danh các triệu chứng nhận biết sỏi tiết niệu - Ảnh: BookingCare

Điểm danh các triệu chứng nhận biết sỏi tiết niệu

Tác giả: - Xuất bản: 03/01/2024 - Cập nhật lần cuối: 30/03/2024
Triệu chứng của bệnh sỏi tiết niệu không điển hình và có thể nhầm lẫn với các bệnh lý đường tiết niệu khác. Tìm hiểu chi tiết về các triệu chứng bệnh trong bài viết dưới đây từ BookingCare.

Triệu chứng của sỏi tiết niệu có thể xuất hiện ở nhiều hình thái khác nhau và nếu không nhận biết kịp thời, bệnh lý này có thể gây ra nhiều vấn đề khó khăn cho sức khỏe. Việc nhận diện các dấu hiệu cảnh báo sớm và khám sức khỏe định kỳ có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa tình trạng sỏi tiết niệu.

Triệu chứng chính của bệnh sỏi tiết niệu

Tùy từng vị trí sỏi tiết niệu cũng như thể trạng của người bệnh mà các triệu chứng biểu hiện sẽ khác nhau, có thể xuất hiện một cách rầm rộ và nguy hiểm nhưng cũng có thể không có triệu chứng gì, chỉ đến khi người bệnh xét nghiệm nước tiểu mới phát hiện ra.

Song, nhìn chung thì bệnh nhân mắc sỏi tiết niệu thường có các triệu chứng sau đây:

Bất thường khi tiểu tiện

Người mắc bệnh sỏi tiết niệu thường gặp khó khăn khi tiểu tiện, đặc biệt, xuất hiện các triệu chứng tiểu buốt,tiểu rắt, tiểu són.

Nước tiểu thường có màu đục, đỏ, có máu dễ dàng quan sát được (tiểu máu đại thể). Tuy nhiên, cũng có trường hợp tiểu ra máu nhưng mắt thường không nhìn thấy được mà cần phải tiến hành xét nghiệm mới nhận biết đc tế bào hồng cầu (hay còn gọi là tiểu máu vi thể).

Một số ít người bệnh còn có thể gặp phải tình trạng tiểu ra sỏi, hoặc nước tiểu có mủ.

Đau vùng bụng và thắt lưng

Biểu hiện đau có thể là cấp tính hoặc mạn tính.

Đau mạn tính thường gặp ở vị trí thắt lưng, cơn đau nặng nề, căng tức khó chịu vùng thắt lưng, đặc biệt đau tăng khi vận động.

Cơn đau quặn thận thường do sỏi tắc ở đài, bể thận hoặc sỏi đã di chuyển xuống niệu quản, nằm ở đó hoặc xuống bàng quang. Cơn đau quặn thận xuất phát từ vùng thắt lưng, lan dọc theo đường đi của niệu quản đến vùng bẹn và vùng sinh dục.

Đi kèm với triệu chứng đau là các biểu hiện buồn nôn hoặc nôn, chướng bụng, có thể tiêu chảy.

Các triệu chứng đi kèm

Ngoài ra, người bệnh còn có thể có các biểu hiện viêm toàn thân như sốt cao, lạnh run.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp sỏi tiết niệu bị nhiễm khuẩn nhưng bệnh nhân không bị sốt hoặc chỉ sốt nhẹ, nhưng nước tiểu luôn đục. Hiện tượng này thường xảy ra ở người cao tuổi, có sức đề kháng kém (do nằm lâu, ít vận động) và uống ít nước.

Phương pháp chẩn đoán bệnh sỏi tiết niệu

Để chẩn đoán chính xác tình trạng sỏi tiết niệu, các bác sĩ sẽ cần kết hợp thực hiện một hoặc nhiều phương pháp chẩn đoán sau:

  • Xét nghiệm nước tiểu: Xét nghiệm nước tiểu có thể phát hiện sự hiện diện của máu, protein và các tạp chất khác trong nước tiểu.Đây là các chỉ số quan trọng để đánh giá ban đầu đường tiết niệu gợi ý có sỏi tiết niệu hay không.
  • Siêu âm đường tiết niệu: Siêu âm đường tiết niệu là một phương pháp không xâm lấn và không đau để xem xét các cơ quan trong hệ tiết niệu, bao gồm thận, niệu quản và bàng quang. Siêu âm có thể phát hiện sự hiện diện của sỏi và xác định vị trí, kích thước và số lượng của chúng
  • X-quang đường tiết niệu: X-quang đường tiết niệu là một phương pháp hình ảnh sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh của hệ tiết niệu. Qua đó, có thể phát hiện sỏi và xác định kích thước, hình dạng và vị trí của chúng. Chụp phim CT scan giúp đánh giá sỏi cũng như đường tiết niệu 1 cách chi tiết giúp ích cho bác sĩ chẩn đoán cũng như lựa chọn phương pháp điều trị.

Việc nhận biết các triệu chứng của sỏi tiết niệu là rất quan trọng để có thể tìm cách điều trị kịp thời và ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm. Nếu bạn hoặc người thân đang gặp một hoặc nhiều các biến chứng trên, hãy đến gặp các bác sĩ Thận - Tiêt niệu để được chẩn đoán chính và có phương án điều trị phù hợp.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết