Suy giảm hệ miễn dịch là một trong những nguyên nhân điển hình dẫn đến các bệnh lý liên quan đến đường tiêu hoá, hô hấp,... Bằng việc lựa chọn và chế biến các loại thực phẩm tăng đề kháng, chúng ta hoàn toàn có thể duy trì sức khỏe ổn định, dẻo dai.
Hệ miễn dịch (sức đề kháng) là mạng lưới được tạo nên từ các tế bào đặc biệt, protein, mô và cơ quan, có vai trò quan trọng trong bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây hại từ môi trường bên ngoài như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm,...
Dựa trên đặc tính, hệ miễn dịch bao gồm 3 loại khác nhau: Miễn dịch tự nhiên, miễn dịch thụ động và miễn dịch thu được. Tất cả đều quan trọng và cần thiết với cơ thể, giúp tránh sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh, nhờ vậy cơ thể mới khỏe mạnh, ổn định.
Bên cạnh lối sống, thói quen sinh hoạt, hoạt động thể lực, thì dinh dưỡng chính là yếu tố then chốt quyết định chất lượng hệ miễn dịch.
Ăn uống thiếu khoa học, không bảo đảm đầy đủ dưỡng chất thiết yếu là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến suy giảm sức đề kháng và gia tăng bệnh tật.
Điều chỉnh chế độ ăn với những thực phẩm tăng đề kháng hiệu quả chính là giải pháp tối ưu giúp tăng cường hệ miễn dịch.
Dưới đây là một số thực phẩm tăng sức đề kháng hiệu quả mà bạn nên tham khảo:
Trái cây họ cam quýt (bưởi, cam, quýt, chanh, chanh vàng,...) được biết đến với hàm lượng vitamin C cao, có ý nghĩa quan trọng trong tăng cường hệ miễn dịch và chống lại các mầm bệnh có hại. Đây là một trong những loại thực phẩm được khuyến cáo sử dụng hàng đầu để tăng cường sức đề kháng hiệu quả.
Với nhóm trái cây có múi này, bạn có thể lựa chọn làm đồ tráng miệng hoặc vắt lấy nước uống trực tiếp mỗi ngày. Duy trì thói quen ăn uống khoa học như vậy sẽ có sức khoẻ ổn định, cân bằng.
Vậy sử dụng bao nhiêu gam trái cây mỗi ngày là đủ? Trung bình, chúng ta nên ăn khoảng 300 - 400g hoa quả chín mỗi ngày. Như vậy sẽ bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu dưỡng chất cho cơ thể.
Rau xanh là thực phẩm chứa hàm lượng vitamin và khoáng chất dồi dào, góp phần nâng cao hoạt động hệ miễn dịch và duy trì sức khỏe tốt. Để tăng sức đề kháng hiệu quả, chúng ta có thể chọn một số loại thực phẩm sau: bông cải xanh, súp lơ, cải bó xôi, ớt chuông, cải bắp,...
Lưu ý, nên chọn kỹ các loại thực phẩm này để tránh mua phải sản phẩm có chứa các chất gây hại gây ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Tỏi và gừng được mệnh danh là “bộ đôi hoàn hảo” trong tăng cường sức đề kháng hiệu quả. Trong tỏi có chứa các hợp chất chống viêm có tác dụng diệt khuẩn, bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây hại từ môi trường sống bên ngoài.
Trung bình mỗi ngày, bạn nên sử dụng 1 củ tỏi nhỏ (tương đương 3 - 5 tép tỏi) đập bập rập và chế biến qua nhiệt độ sẽ giúp tăng hoạt dịch hiệu quả.
Với gừng, loại thực phẩm này cũng có công dụng chống viêm và chống oxy hóa tốt nhờ chứa các hợp chất gingerols và shogaols. Từ đó, giúp diệt khuẩn và tăng cường đề kháng cho cơ thể. Về cách sử dụng, chúng ta có thể dùng gừng pha trà hoặc nấu ăn.
Nên chọn sử dụng các loại sữa chua có chứa lợi khuẩn được ghi trên nhãn mác vì chúng có công dụng giúp tăng cường hệ miễn dịch. Lưu ý, không nên dùng các loại sữa chua có nhiều đường vì sẽ gây ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hoá, thậm chí còn có thể dẫn đến béo phì nếu ăn quá nhiều.
Bên cạnh đó, sữa chua cũng chính là nguồn vitamin D dồi dào, giúp kích hoạt hiệu quả cho một hệ miễn dịch hoàn hảo nhất.
Về cách sử dụng, chúng ta có thể dùng sữa chua không hoặc trộn cùng một chút hoa quả để món ăn thêm thơm ngon và tốt cho sức khỏe.
Trà xanh cũng là một loại thực phẩm tăng sức đề kháng mà chúng ta không nên bỏ qua. Chứa hàm lượng epigallocatechin gallate cao, trà xanh được đánh giá là một chất chống oxy hóa tuyệt vời, giúp hỗ trợ tăng sức đề kháng tốt.
Ngoài ra, trong trà xanh cũng chứa L-theanine. Đây là một nguồn axit amin có vai trò quan trọng trong chống lại vi trùng gây hại và bảo vệ cơ thể.
Trên đây là một số thực phẩm tăng sức đề kháng hiệu quả mà bạn nên tham khảo. Cân bằng dinh dưỡng kết hợp với lối sống lành mạnh, khoa học, tập luyện thể dục điều độ sẽ giúp bạn có hệ miễn dịch khỏe mạnh và sức khoẻ dẻo dai.