Các loại bệnh đái tháo đường khác nhau sẽ có những yếu tố nguy cơ khác nhau, từ yếu tố di truyền, tuổi tác, lối sống, chế độ ăn đến tình trạng sức khỏe tổng thể. Do đó, tìm hiểu về các yếu tố nguy cơ mắc đái tháo đường sẽ giúp chúng ta chủ động hơn trong việc bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa tiến triển bệnh.
Yếu tố nguy cơ mắc đái tháo đường típ 1
Cho đến nay, các chuyên gia vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây nên bệnh đái tháo đường típ 1, chỉ biết rằng đây là cơ chế tự mễn , liên quan đến hiện tượng phá hủy tế bào Beta tụy. Điều này khiến các tế bào beta tại tụy không còn khả năng tiết ra insulin để chuyển hóa glucose trong cơ thể.
Một số yếu tố nguy cơ khiến dẫn đến tình trạng trên có thể kể đến như:
- Tiền sử gia đình: Có người thân trực hệ bị đái tháo đường típ 1 , nhất là anh chị em sinh đôi
- Tuổi tác: Tiểu đường típ 1 thường phát triển ở trẻ em hoặc độ tuổi thanh thiếu niên
- Môi trường: Phơi nhiễm với virus Epstein-Barr, Coxsackievirus, Rubella khiến các tế bào ở tủy bị phá hủy
Cũng bởi chưa ra rõ nguyên nhân gây đái tháo đường típ 1 nên chưa có cách phòng ngừa bệnh lý này. Tuy nhiên, việc thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt có thể giúp làm chậm lại tiến triển của bệnh.
Yếu tố nguy cơ mắc đái tháo đường típ 2
Bạn sẽ có khả năng mắc đái tháo đường típ 2 nếu bạn có một trong các yếu tố nguy cơ sau đây:
- Thừa cân, có chỉ số khối cơ thể BMI = cân nặng/(chiều cao)2 >= 25kg/m2
- Trên 45 tuổi
- Cha mẹ hay anh chị em ruột mắc đai tháo đường
- Có lối sống tĩnh tại
- Người tiền đái tháo đường cần được tầm soát mỗi năm , phụ nữ từng được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ nên được theo dõi suốt đời và tầm soát mỗi 3 năm
- Từng mắc các bệnh lý tăng huyết áp , rối loan Lipid máu , hội chứng buồng trứng đa nang , có dấu hệu liên quan đến đề kháng Insulin ( dấu gai đen , béo phì )
Từ những yếu tố nguy cơ trên, bạn hoàn toàn có thể ngăn ngừa hoặc trì hoãn bệnh đái tháo đường típ 2 bằng cách thay đổi lối sống như: giảm cân nếu bạn thừa cân, ăn một chế độ ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất thường xuyên,...
Yếu tố nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ
Nếu mẹ mắc đái tháo đường khi đang mang thai sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và con. Chính vì vậy, nếu mẹ bầu có các yếu tố nguy cơ sau cần phải hỏi ý kiến bác sĩ để có biện pháp phòng ngừa, tầm soát bệnh kịp thời:
- Thừa cân, béo phì trước khi mang thai
- Đã từng được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ ở lần mang bầu trước đó
- Từng sinh một hoặc nhiều trẻ nặng hơn 4kg
- Cha mẹ , anh chị em ruột từng chẩn đoán đái tháo đường típ 2
- Mang bầu khi đã trên 35 tuổi
- Đã hoặc đang mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
Ngay cả trước khi mang bầu, bạn cũng nên thực hiện các biện pháp giúp phòng ngừa bệnh, chẳng hạn như: giữ cân nặng hợp lý khi có ý định mang thai, vận động thường xuyên, tăng cường nạp các thực phẩm có lợi cho sức khỏe,...
Biết được các yếu tố nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường sẽ giúp chúng ta chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả. Không chỉ thế, việc thăm khám và kiểm tra đường huyết định kỳ cũng rất quan trọng trong việc phát hiện sớm bệnh và có phác đồ điều trị bệnh lịp thời.