Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra và tiến triển qua ba giai đoạn chính. Mỗi giai đoạn bệnh sốt xuất huyết thường có những triệu chứng riêng để phân biệt.
Các giai đoạn của sốt xuất huyết
Triệu chứng nhiễm virus sốt xuất huyết có biểu hiện dưới dạng bệnh cấp tính từ nhẹ đến nặng. Sốt xuất huyết bắt đầu xuất hiện các triệu chứng sau khoảng 5 – 7 ngày ủ bệnh (tính từ lúc bị muỗi đốt) và diễn biến theo 3 giai đoạn: sốt, nguy kịch và hồi phục.
Giai đoạn sốt
Là giai đoạn đánh dấu virus xâm nhập vào cơ thể. Sốt có thể kéo dài 2-7 ngày và chia thành hai giai đoạn:
- Giai đoạn đầu khi muỗi bị nhiễm bệnh truyền virus sang người qua vết đốt, trong khoảng 1 - 3 ngày đầu virus tấn công hệ miễn dịch, người bệnh có thể gặp các triệu chứng sốt cao, mệt mỏi tương tự như một số bệnh cảm cúm thông thường.
- Các dấu hiệu cảnh báo tiến triển thành sốt xuất huyết nặng xảy ra ở giai đoạn sau khi người bệnh hạ sốt. Khi đó sốt xuất huyết bắt đầu có những triệu chứng rõ ràng hơn như: nôn mửa dai dẳng, đau bụng dữ dội, tích tụ dịch, chảy máu niêm mạc, khó thở hoặc giảm nồng độ hematocrit (nồng độ máu).
Sốt xuất huyết ở giai đoạn này có thể xuất hiện các triệu chứng khác gồm: nhức đầu, đau vùng sau mắt, đau cơ xương khớp, phát ban hoặc xuất huyết nhẹ, chảy máu cam… trong vòng 24 – 48 giờ đầu sau khi khởi phát.
Giai đoạn nguy kịch (giai đoạn xuất huyết)
Giai đoạn nguy kịch của bệnh sốt xuất huyết bắt đầu từ khi giảm sốt và thường kéo dài khoảng 24 – 48 giờ.
Hầu hết người mắc sốt xuất huyết đều có những dấu hiệu cải thiện lâm sàng trong giai đoạn này. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể bắt đầu xuất hiện tình trạng giảm tiểu cầu sinh ra các dấu hiệu xuất huyết từ nhẹ đến nặng.
Tình trạng xuất huyết có biểu hiện rất đa dạng như: xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết đường tiêu hóa, xuất huyết não… Tình trạng xuất huyết có thể kèm theo sự tăng tính thấm thành mạch làm cô đặc máu dẫn đến biến chứng nặng, thậm chí gây ra tử vong.
Ban đầu, cơ chế bù trừ sinh lý duy trì sự tuần hoàn đầy đủ nên bệnh nhân vẫn ổn. Tuy nhiên do sự cô đặc máu nếu không được bù đủ dịch bệnh nhân có thể hạ huyết áp, nặng hơn có thể dẫn đến sốc sốt xuất huyết. Ngoài ra, bệnh nhân có thể gặp phải các biến chứng khác như tràn dịch màng phổi, cổ trướng, giảm protein máu, bệnh lý não với dịch não tủy bình thường.
Giai đoạn hồi phục
Khi sự rò rỉ huyết tương giảm bớt, bệnh nhân bước vào giai đoạn hồi phục sốt xuất huyết và bắt đầu tái hấp thu dịch truyền tĩnh mạch, cải thiện tình trạng tràn dịch màng phổi và ổ bụng. Người bệnh xuất hiện tình trạng lợi tiểu, huyết động dần ổn định dù có thể chưa hồi phục nhịp thở.
Nồng độ hematocrit dần trở về mức ổn định hoặc giảm do sự tác động làm loãng của dịch tái hấp thu. Khi đọc chỉ số của các xét nghiệm sốt xuất huyết, người bệnh có thể nhận thấy số liệu bắt đầu phục hồi về mức bình thường. Trong giai đoạn này, người bệnh có thể xuất hiện dấu hiệu bong và ngứa ở các vùng phát ban đang hồi phục.
Hiện nay chưa có vacxin và thuốc đặc trị nên người bệnh cần chú ý đến các biểu hiện bệnh ở từng giai đoạn để sử dụng đúng thuốc điều trị triệu chứng, hạn chế tối đa trường hợp nguy hiểm xảy ra. Bên cạnh đó, cần quan tâm xây dựng chế độ chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết một cách lành mạnh, cung cấp thực phẩm dinh dưỡng và bổ sung nhiều nước, chất điện giải để tránh mất nước và tăng quá trình đào thải của cơ thể.