Hướng dẫn cách đọc chỉ số xét nghiệm sốt xuất huyết đơn giản
Hướng dẫn cách đọc chỉ số xét nghiệm sốt xuất huyết đơn giản
luu-y-cach-doc-chi-so-sot-xuat-huyet
Cách đọc chỉ số xét nghiệm sốt xuất huyết như thế nào là đúng? - Ảnh: BookingCare

Hướng dẫn cách đọc chỉ số xét nghiệm sốt xuất huyết đơn giản

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 23/10/2023 | Cập nhật lần cuối: 01/12/2023
Các chỉ số xét nghiệm sốt xuất huyết là kết quả phân tích mẫu bệnh phẩm để xác định một người có đang nhiễm virus hay không. Người bệnh, người thân có thể tìm hiểu thêm về cách đọc chỉ số xét nghiệm sốt xuất huyết như thế nào trong bài viết dưới đây.

Hiện nay có khá nhiều phương pháp xét nghiệm sốt xuất huyết, mỗi phương pháp có những chỉ số đo lường xét nghiệm sốt xuất huyết khác nhau. Mỗi chỉ số là căn cứ chẩn đoán mức độ nhiễm virus, vì vậy chúng ta cần hiểu và biết cách đọc chỉ số xét nghiệm sốt xuất huyết một cách chính xác.

Cách đọc các chỉ số xét nghiệm sốt xuất huyết

Dựa trên mẫu và phương pháp phân tích, xét nghiệm sốt xuất huyết được chia thành các xét nghiệm như: xét nghiệm huyết thanh NS1, xét nghiệm kháng thể IgM và IgG, xét nghiệm NAAT),... Mỗi xét nghiệm phân tích những yếu tố riêng với mục đích đánh giá tình trạng và mức độ sốt xuất huyết của người bệnh.

Xét nghiệm kháng thể IgM và IgG

Kháng thể IgM xuất hiện sớm trong quá trình nhiễm bệnh và tăng lượng nhanh chóng. Kháng thể xuất hiện tức rằng nhiễm trùng đang diễn ra hoặc mới kết thúc gần đây. Kết quả xét nghiệm đưa ra là:

  • Dương tính (+): vị trí “C” và “M” đều xuất hiện đường sắc tố nghĩa là kháng thể IgM xuất hiện trong máu, người bệnh có thể đang trong giai đoạn cấp tính của sốt xuất huyết.
  • Âm tính (-): vị trí “M” xuất hiện sắc tố nhưng vị trí “C” không xuất hiện, nghĩa là không phát hiện kháng thể, người bệnh không có dấu hiệu sốt xuất huyết cấp tính.

Kháng thể IgG xuất hiện muộn và lưu lại lâu hơn trong máu. Mức độ IgG cao chứng tỏ người bệnh đã từng nhiễm hoặc đã tiếp xúc với virus sốt xuất huyết. Kết quả xét nghiệm thể hiện như sau:

  • Dương tính (+): vị trí “C” và “G” đều xuất hiện đường sắc tố, kháng thể IgG được phát hiện trong máu, tức người bệnh đã từng nhiễm hoặc đã tiếp xúc với virus sốt xuất huyết.
  • Âm tính (-): vị trí “G” xuất hiện, vị trí “C” không xuất hiện, không phát hiện kháng thể, tức người bệnh không có dấu hiệu sốt xuất huyết trước đó.

Xét nghiệm chẩn đoán phân tử (NAAT)

Chẩn đoán phân tử là phương pháp xét nghiệm huyết thanh, huyết tương, máu toàn phần của người nghi nhiễm để tìm kiếm bộ gen của virus. Phương pháp này dùng để xét nghiệm trong khoảng 1 - 7 ngày đầu tiên của bệnh.

  • Nếu NAAT dương tính: xác nhận người bệnh mắc bệnh sốt xuất huyết.
  • Nếu NAAT âm tính: người bệnh không mắc sốt xuất huyết nhưng cần được theo dõi và xét nghiệm lại.

Lưu ý: trong xét nghiệm NAAT, dù kết quả âm tính nhưng không thể khẳng định chắc chắn người đó không mắc sốt xuất huyết. Người nghi nhiễm nên thực hiện thêm xét nghiệm kháng thể để xác định khả năng phơi nhiễm sốt xuất huyết.

  • Nếu kết quả kháng thể NAAT và IgM từ giai đoạn cấp tính của bệnh (khoảng 3 - 7 ngày) đều âm tính cần lấy huyết thanh của người khỏi bệnh xét nghiệm kháng thể IgM để kết luận.

Xét nghiệm kháng nguyên virus sốt xuất huyết (NS1)

Xét nghiệm NS1 (xét nghiệm nhanh) để kiểm tra protein phi cấu trúc của virus trong máu. Xét nghiệm này nên thực hiện trong giai đoạn từ 0-7 ngày đầu tiên xuất hiện triệu chứng bệnh.

  • Nếu kết quả xét nghiệm NS1 dương tính (hiện rõ hai vạch T và C): xác nhận nhiễm virus sốt xuất huyết.
  • Nếu kết quả xét nghiệm NS1 âm tính (chỉ hiện vạch C, không có vạch T): không loại trừ khả năng nhiễm bệnh.
  • Trường hợp không xác định kết quả: nếu vạch T và vạch C không xuất hiện hoặc chỉ có vạch T mà không có vạch C.

Lưu ý: xét nghiệm nhanh chỉ là bước đầu sàng lọc các trường hợp nhiễm bệnh. Những người có kết quả NS1 dương tính hoặc âm tính nên được xét nghiệm mức kháng thể IgM sốt xuất huyết để xác định khả năng phơi nhiễm gần đây.

Ngoài ra, người bệnh còn có thể thực hiện thêm các phương pháp xét nghiệm sốt xuất huyết bổ sung như: xét nghiệm điện giải đồ, xét nghiệm chức năng gan - thận, xét nghiệm albumin, xét nghiệm PCR... để có thêm các chỉ số chứng minh kết quả chính xác nhất.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
ĐẶT KHÁM