Xét nghiệm sốt xuất huyết và 6 lưu ý cần biết

Tác giả: - Xuất bản: 23/10/2023 - Cập nhật lần cuối: 26/10/2023
xet-nghiem-sot-xuat-huyet-va-6-luu-y
Người làm xét nghiệm sốt xuất huyết cần lưu ý điều gì? - Ảnh BookingCare
Xét nghiệm sốt xuất huyết là các phương pháp phân tích mẫu bệnh phẩm để tìm virus Dengue (virus sốt xuất huyết) trong cơ thể. Thực hiện xét nghiệm là cách nhanh nhất để chẩn đoán một người có nhiễm virus hay không.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virus và thường không có triệu chứng rõ ràng. Do đó thực hiện xét nghiệm sốt xuất huyết là phương pháp nhanh và hiệu quả nhất để chẩn đoán nguy cơ mắc bệnh.

Thời điểm cần thực hiện xét nghiệm sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết Dengue (DENG-gey) là bệnh truyền nhiễm xảy ra ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trên thế giới. Sốt xuất huyết nhẹ gây sốt cao và có các triệu chứng giống cúm. Nếu nặng hơn, người bệnh có thể gặp tình trạng xuất huyết dưới da, tụt huyết áp, sốc phản vệ thậm chí tử vong.

Khi xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết nhẹ như: sốt cao trên 40 độ, đau đầu, đau sau mắt, đau cơ, khớp,... người bệnh cần thực hiện các xét nghiệm để chẩn đoán có nhiễm virus hay không.

Đối với các trường hợp sống gần khu vực có nguy cơ cao hoặc nhiễm bệnh không triệu chứng, mọi người cần lưu ý theo dõi diễn biến sức khỏe và thực hiện xét nghiệm sau khoảng bắt đầu từ 4 đến 10 ngày sau khi dịch bùng phát.

Quy trình xét nghiệm sốt xuất huyết

Với các xét nghiệm sốt xuất huyết, nhìn chung quy trình xét nghiệm thường trải qua các bước cơ bản sau:

Tiếp nhận thông tin và mẫu xét nghiệm

Nhân viên y tế sẽ hỏi về các triệu chứng và lịch sử di chuyển gần đây của người bệnh. Nếu nghi ngờ nhiễm trùng, người bệnh sẽ được xét nghiệm máu để xác nhận virus sốt xuất huyết.

Trong quá trình xét nghiệm máu, nhân viên y tế sẽ lấy mẫu máu xét nghiệm bằng ống kim tiêm từ tĩnh mạch trên cánh tay, sau đó đưa vào ống nghiệm có chứa chất chống đông. Người bị lấy máu có thể cảm thấy hơi nhức trong quá trình này do tác động từ ống kim tiêm.

Ngoài ra, các bác sĩ có thể tiến hành khám lâm sàng và thu thập các thông tin về bệnh lý trước đó.

Chuẩn bị mẫu xét nghiệm

Mẫu máu sau khi lấy sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm. Kỹ thuật viên phòng xét nghiệm sẽ kiểm tra và xác nhận thông tin mẫu, giải đông (nếu cần) và vận chuyển đến phòng thí nghiệm.

Thực hiện xét nghiệm

Có khá nhiều hình thức xét nghiệm được sử dụng hiện nay, trong đó có một số phương pháp xét nghiệm virus Dengue phổ biến hơn như:

  • ELISA (Enzyme-linked Immunosorbent Assay) để phát hiện kháng thể
  • Xét nghiệm nhanh kháng nguyên NS1
  • Xét nghiệm PCR (Polymerase Chain Reaction) để phát hiện gen của virus Dengue.

Tùy theo thời gian bệnh và các triệu chứng của bệnh nhân, bác sĩ sẽ thực hiện các loại xét nghiệm phù hợp để có được kết luận chính xác.

Đánh giá kết quả xét nghiệm

Bác sĩ dựa trên kết quả xét nghiệm để chẩn đoán tình trạng của người bệnh. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính với virus Dengue, tức là mẫu bệnh phẩm được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết. Đồng thời, kết quả xét nghiệm có thể xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh. Nếu kết quả âm tính, người nghi nhiễm sẽ được dặn dò và theo dõi quá trình phơi nhiễm trong thời gian gần.

Điều trị và theo dõi 

Dựa vào kết quả xét nghiệm và tình trạng sức khỏe, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Người bệnh sẽ được theo dõi chặt chẽ và thường xuyên kiểm tra các chỉ số máu để đánh giá hiệu quả điều trị và đưa ra biện pháp y tế điều chỉnh nếu cần.

quy-trinh-xet-nghiem-anh-huong-den-ket-qua-sot-xuat-huyet
Quy trình xét nghiệm là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra sốt xuất huyết - Ảnh: canva.com

Cách đọc kết quả xét nghiệm

Các báo cáo thường phân tích và đưa ra kết quả dựa trên việc đọc các chỉ số xét nghiệm sốt xuất huyết có trong mẫu máu hoặc huyết thanh của người bệnh. Kết quả xét nghiệm sẽ được so sánh với mức tiêu chuẩn thông thường hoặc xác nhận sự xuất hiện của kháng thể, kháng nguyên tương tự hay không để khẳng định sự tồn tại của virus trong cơ thể.

Đối với xét nghiệm kháng nguyên NS1

  • Nếu kết quả dương tính: cho thấy người xét nghiệm có thể đã nhiễm virus sốt xuất huyết.
  • Nếu kết quả âm tính: Không loại trừ được người bệnh có nhiễm sốt xuất huyết hay không, đặc biệt khi xét nghiệm được thực hiện sau 4 ngày khởi phát triệu chứng. Người làm xét nghiệm nên được theo dõi hoặc phối hợp kết quả các xét nghiệm khác để chẩn đoán ví dụ như xét nghiệm kháng thể IgM và IgG

Với xét nghiệm kháng thể IgM và IgG

  • Nếu kết quả xét nghiệm dương tính với IgM: Người xét nghiệm có khả năng cao nhiễm sốt xuất huyết trong giai đoạn cấp tính.
  • Nếu kết quả xét nghiệm dương tính với IgG: Người làm xét nghiệm có khả năng đã nhiễm sốt xuất huyết trước đó, không xác định được là giai đoạn cấp tính hay đã khỏi bệnh.
  • Nếu kết quả xét nghiệm là âm tính: nghĩa là không tìm thấy kháng thể sốt xuất huyết trong mẫu bệnh phẩm, có thể người này không mắc sốt xuất huyết nhưng vẫn có nguy cơ mắc bệnh trong trường hợp cơ thể chưa đủ thời gian tạo ra lượng kháng thể hiển thị trên xét nghiệm. Do đó, người nghi nhiễm vẫn cần được theo dõi và thực hiện các xét nghiệm bổ sung

Đối với xét nghiệm phân tử NAAT

  • Nếu kết quả xét nghiệm là dương tính, chứng tỏ xét nghiệm đã tìm thấy vật liệu di truyền của vi-rút trong mẫu bệnh phẩm, chủ mẫu xét nghiệm có thể đã nhiễm sốt xuất huyết.
  • Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, chứng tỏ xét nghiệm không tìm thấy vật liệu di truyền của virus sốt xuất huyết. Tuy nhiên, không thể xác định người này không bị sốt xuất huyết nếu xét nghiệm được thực hiện hơn bảy ngày sau khi các triệu chứng bệnh bắt đầu.
  • Nếu kết quả xét nghiệm phân tử âm tính, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện xét nghiệm kháng thể để xác nhận người nghi nhiễm có mắc sốt xuất huyết hay không.

Những yếu tố ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm sốt xuất huyết

Các phương pháp xét nghiệm cần tuân thủ những yêu cầu chung để đảm bảo tính chính xác của kết quả. Dưới đây là một số yếu tố ảnh hưởng đến kết quả của xét nghiệm sốt xuất huyết:

Thời điểm lấy mẫu

Kết quả xét nghiệm có thể bị ảnh hưởng bởi thời điểm lựa chọn lấy mẫu xét nghiệm: thời gian phát tác của virus, sự hình thành kháng thể, kháng nguyên trong máu thường khác nhau hoặc chế độ ăn trước khi xét nghiệm... Vì vậy, người bệnh và bác sĩ cần dựa vào mục đích và phương pháp xét nghiệm để căn cứ lấy mẫu đúng thời điểm nhằm đảm bảo thu được kết quả chính xác.

Biến thể virus

Sự biến đổi gen của virus có thể khiến một số xét nghiệm không thể phát hiện ra sự tồn tại của các virus trong cơ thể. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng phát hiện và đánh giá tình trạng bệnh lý tại thời điểm xét nghiệm.

Phản ứng chéo

Điều này có thể xảy ra trong xét nghiệm kháng thể IgM và IgG. Xét nghiệm kháng thể có thể gặp trường hợp phản ứng chéo với các virus khác hoặc kháng thể từ virus trước đó dẫn đến các trường hợp âm tính giả, kết quả xét nghiệm không chính xác hoặc khó đánh giá.

Quy trình, kỹ thuật xét nghiệm

Quá trình lấy mẫu, lưu trữ và xử lý mẫu cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm. Mẫu bệnh phẩm xét nghiệm có thể bị nhiễm virus trong quá trình này nếu không tuân thủ các quy định an toàn. Điều này có thể ảnh hưởng đến tính chính xác và nhất quán giữa các kết quả xét nghiệm.

Cách xử lý sau khi có kết quả xét nghiệm sốt xuất huyết

Nếu kết quả xét nghiệm là dương tính với sốt xuất huyết, người bệnh cần thông báo ngay tới các cơ sở y tế gần nhất. Người bệnh cần cung cấp đầy đủ thông tin lịch sử dịch tễ liên quan cho bác sĩ để có thể xác định nguồn lây.

cach-xu-ly-khi-co-ket-qua-sot-xuat-huyet
Nếu kết quả xét nghiệm dương tính với virus Dengue, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để khám và điều trị - Ảnh: canva.com

Người bệnh cần tuân thủ theo quy định điều trị và phòng bệnh của cơ sở y tế. Đồng thời, khai báo đầy đủ triệu chứng và thực hiện các xét nghiệm bổ sung để xác định chủng virus, mức độ bệnh theo yêu cầu của bác sĩ nếu được yêu cầu.

Đối với người mắc sốt xuất huyết nhẹ cần theo dõi sát sao các triệu chứng của sốt xuất huyết và thông báo cho bác sĩ nếu có trường hợp biến chứng nặng xảy ra. Các trường hợp nặng cần được đưa đến cơ sở y tế chẩn đoán và điều trị.

Một số lưu ý chăm sóc sức khỏe tại nhà khi bị sốt xuất huyết

Người bệnh cần được chăm sóc và theo dõi tại nhà khi mắc sốt xuất huyết nhẹ. Trong thời gian điều trị và chờ chẩn đoán, bệnh nhân và người thân cần lưu ý:

  • Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, tránh vận động quá sức.
  • Uống nhiều nước, ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa.
  • Sử dụng thuốc chứa Paracetamol để hạ sốt và giảm đau. Không dùng thuốc có aspirin, ibuprofen hoặc natri naproxen vì có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết, chảy máu.

Theo dõi cẩn thận các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết nặng. Sốt xuất huyết có thể biến chứng nghiêm trọng trong vòng vài giờ, vì vậy người bệnh cần yêu cầu trợ giúp y tế ngay lập tức để được can thiệp kịp thời.

Trên đây là những lưu ý liên quan đến xét nghiệm sốt xuất huyết. Hy vọng người bệnh đã có thêm những hiểu biết về quá trình xét nghiệm cũng như một số lưu ý chăm sóc sức khỏe cần thiết khi mắc sốt xuất huyết.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết