Điều trị bệnh đa xơ cứng hiệu quả

Tác giả: - Xuất bản: 29/09/2023 - Cập nhật lần cuối: 04/10/2023
Điều trị bệnh đa xơ cứng
Điều trị bệnh đa xơ cứng - Ảnh: BookingCare
Bệnh đa xơ cứng được điều trị như thế nào? Đâu là phương pháp phù hợp với tình trạng bệnh của bạn. Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Bệnh đa xơ cứng không chỉ cản trở vận động ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống mà về lâu dài còn dễ gây trầm cảm, thậm chí còn khiến người bệnh bị tàn phế vĩnh viễn.

Đến nay, chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn nhưng việc điều trị sớm có thể kiểm soát các triệu chứng bệnh đa xơ cứng.

Điều trị bệnh đa xơ cứng

1. Dùng thuốc

Thuốc là phương pháp điều trị phổ biến nhất cho bệnh đa xơ cứng. Thuốc điều trị chỉ được cung cấp với mục tiêu ngăn ngừa bệnh tiến triển thêm.

Mục đích là để trì hoãn sự tiến triển thêm của bệnh, từ đó trì hoãn các vấn đề chức năng khác. Hiện nay vẫn chưa có loại thuốc nào có thể chữa dứt điểm bệnh đa xơ cứng.

Có 3 nhóm thuốc cần lưu ý. Nhóm 1 là điều trị đợt cấp, bao gồm Corticoid liều cao, hoặc Huyết thanh tĩnh mạch IVIg, hoặc thay huyết tương. Nhóm 2 là điều trị phòng ngừa, bao gồm các thuốc ức chế miễn dịch và thuốc điều chỉnh bệnh. Nhóm 3 là điều trị triệu chứng (cứng cơ, táo bón, trầm cảm,...)

Các loại thuốc điều trị đa xơ cứng được sử dụng dựa trên các triệu chứng biểu hiện ở từng đợt của bệnh. Bác sĩ sẽ chỉ ra những lợi ích và tác dụng phụ của thuốc và quyết định thay đổi loại thuốc nếu cần thiết. Vậy nên, bạn cần tuân thủ đúng theo đơn thuốc của bác sĩ.

Các loại thuốc khác nhau được dùng cho các triệu chứng cụ thể. Thông thường các loại thuốc bao gồm baclofen, tizanidine hoặc diazepam để giảm co cứng cơ. Thuốc cholinergic có thể hữu ích để giảm các vấn đề về tiết niệu. Các chế phẩm hỗ trợ điều trị táo bón hoặc bệnh trĩ. Thuốc chống trầm cảm có thể hữu ích cho các triệu chứng về tâm trạng hoặc hành vi. Thuốc amantadine có thể được sử dụng khi mệt mỏi.

2. Phương pháp điều trị không kê đơn

Một vài phương pháp điều trị không kê đơn có thể được áp dụng, tuy nhiên cần đảm bảo phương pháp điều trị đó không ảnh hưởng với thuốc được kê đơn hoặc gây hại đến tình trạng sức khỏe của bạn. Các phương pháp có thể tham khảo là:

  • Châm cứu và xoa bóp giúp giảm các triệu chứng như co cứng.
  • Ginkgo Biloba (thuốc được chiết xuất từ cao bạch quả) có thể được dùng để cải thiện trí lực và chứng mệt mỏi.
  • Chế độ ăn ít chất béo với dầu cá có thể được áp dụng để giảm các đợt cấp, mệt mỏi và nâng cao chất lượng cuộc sống.
  • Liệu pháp từ tính (kích thích từ trường xuyên sọ) có thể được sử dụng để giảm mệt mỏi. Liệu pháp từ tính là một phương pháp điều trị bệnh bằng cách sử dụng các trường từ tính để tác động lên cơ thể. Theo một số nghiên cứu, liệu pháp từ tính có thể giúp giảm đau, giảm viêm, tăng lưu thông máu và giảm stress. Tuy nhiên, hiệu quả của liệu pháp từ tính vẫn chưa được chứng minh rõ ràng và đang tiếp tục được nghiên cứu.

3. Trị liệu

Tập thể dục là liệu pháp hữu ích giúp cải thiện hoặc duy trì hô hấp. Cần cố gắng tránh mệt mỏi, căng thẳng, suy giảm thể chất, nhiệt độ quá cao để giảm các yếu tố có thể gây ra bệnh đa xơ cứng.

Các bài tập vật lý trị liệu như kéo căng, tăng cường sức mạnh cơ có thể giúp cải thiện khả năng đi lại, giữ thăng bằng, duy trì tư thế, giảm đau và mệt mỏi. Một số người có thể cần đến các thiết bị hỗ trợ di chuyển như nẹp chân, gậy, khung tập đi, xe lăn.

Tìm đến các bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia tâm lý rất hữu ích trong việc giải quyết các vấn đề về nhận thức cũng như chứng trầm cảm liên quan đến bệnh đa xơ cứng. Chuyên gia có thể hỗ trợ bệnh nhân và gia đình về sự hiểu biết về các kỹ thuật thích ứng.

Nếu có triệu chứng nghi ngờ, tốt nhất bạn nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và tìm ra phương pháp điều trị đa xơ cứng phù hợp.